“Gia đình tôi đã có thêm niềm vui: Tôi được lên chức bà nội; các cháu nhà tôi trong lực lượng CAND vẫn công tác, phấn đấu tốt” - chị Dương Thị Huệ, người vợ của Anh hùng, liệt sĩ CAND Lê Thanh Á đã phấn khởi nói với tôi như vậy.
Lần đến thăm gia đình Anh hùng, liệt sĩ Lê Thanh Á trong chuyến công tác về đất Cảng năm ấy, chúng tôi không khỏi xúc động trước gia cảnh của ba mẹ con chị Dương Thị Huệ. Trong căn nhà tình nghĩa thuộc một khu chung cư đối diện Đại học Hàng hải, chị Huệ bùi ngùi kể lại những kỉ niệm với người chồng thân yêu của mình. Anh chị cưới nhau năm 1983, năm sau thì sinh được cậu con trai đặt tên là Thuận. Cái gia đình nhỏ bé đó được ông bà ngoại bao bọc, dành cho một phòng làm tổ ấm. Anh vẫn vậy, thường xuyên đi sớm về muộn vì công việc của một Cảnh sát khu vực. Mọi việc chăm sóc thằng cu, hai vợ chồng trông cậy chủ yếu vào bà ngoại và dì út. Có những đêm anh về muộn, cả nhà đã đi ngủ. Anh đứng lặng hồi lâu nhìn cu Thuận đang say giấc nồng, vô tư và đáng yêu, rồi khe khẽ vén màn hôn lên đôi má bầu bĩnh của nó. Còn chị, vẫn nằm im và ngắm nhìn hai cha con anh. Lòng chị trào lên cảm xúc hạnh phúc dạt dào... Trong sâu thẳm của một người đàn bà, chị những mong anh được làm công việc gì khác đỡ vất vả hơn, đỡ đi đêm về hôm và đầy nguy hiểm trong cuộc chiến đấu với bọn tội phạm. Chị chẳng muốn anh mảy may biết chị luôn lo lắng cũng như đôi lúc có một nỗi sợ hãi mơ hồ về anh... Vài năm sau, chị sinh thêm cô con gái, đặt tên là Lê Thị Thu Phương.
Nhớ lại cái ngày định mệnh 27/3/1997 ấy, chị kể: Bình thường, cả nhà chị vẫn dậy sớm, “điểm tâm” bằng một nồi cơm chắc nịch. Sáng hôm đó, bỗng nhiên anh bảo chị: “Anh đi làm muộn, nhà mình ra phố ăn sáng nhé?”. “Ăn quà sáng ngoài phố”, là điều xa xỉ với gia đình chị khi đó, nên chị không khỏi ngạc nhiên về lời đề nghị của anh. Hai đứa trẻ ríu rít đôi chân sáo kéo tay cha mẹ ra hàng bún đầu ngõ; được ăn quà là một phần thưởng lớn, nên chúng tỏ ra phấn khích, rôm rả lắm. Lúc trở về nhà, chị pha trà mời anh. Hai vợ chồng vui vẻ tâm sự. Anh bảo, ráng tiết kiệm mua một căn hộ ở riêng, để bà ngoại đỡ vất vả... Tới giờ, chị đạp xe đi làm; còn anh thì đưa con gái đi học. Trong cái tổ ấm ấy, đã diễn ra một buổi sáng bình yên đến mức không ai ngờ cuộc đời của họ sắp sang một bước ngoặt.
Cuối giờ chiều hôm đó khi chị Huệ đang sửa soạn rời khỏi xí nghiệp, thì cô em gái của chị hớt hải chạy đến: “Chị về ngay, anh bị đâm rồi!”. Tai chị ù đi trước thông tin sét đánh ấy; chị thảng thốt nói như với riêng mình: “Sao lại bị đâm? Anh ấy hiền thế cơ mà, có mâu thuẫn, va chạm với ai bao giờ đâu?”. Chị đạp xe như thôi miên về phía Bệnh viện Việt - Tiệp, dù chị chưa hề biết anh đang được cấp cứu ở đâu! Vừa tới cổng Bệnh viện Việt - Tiệp, người chị nuôi của chị chạy ra đón, giàn giụa nước mắt nói: “Em ơi...! Chồng em chết rồi!”.
Tin Thiếu tá Cảnh sát khu vực Lê Thanh Á dũng cảm hy sinh lan nhanh khắp thành phố Cảng đang trong đợt cao điểm tấn công tội phạm, đã gây xúc động mạnh. Từ người dân đến cán bộ, công chức đều tiếc thương anh. Tại phường Lạch Tray, nơi anh là Cảnh sát khu vực, các đồng nghiệp và bà con biết đến anh là một cán bộ gương mẫu, tận tụy với công việc, hiền lành, giản dị và luôn biết sống vì mọi người. Ngay cả hung thủ cũng quý mến và vẫn “Chào chú Á”, mỗi khi gặp anh. Hắn từng được anh giúp đỡ, chỉ bảo nhiều để tu thân. Nhưng vẫn chứng nào tật ấy, hắn gây thêm tội ác rồi bị truy nã. Hôm ấy, khi bị “chú Á” phát hiện, gọi lại, hắn tỏ ra ngoan ngoãn định cùng anh về trụ sở Công an, nhưng bỗng hắn bỏ chạy. Bị truy đuổi kiên quyết, hắn đã bất ngờ phóng mũi dao vào ngực người Cảnh sát khu vực dũng cảm.
|
Anh Lê Thanh Á và chị Dương Thị Huệ trong ngày cưới. |
Sau ngày Thiếu tá Lê Thanh Á hi sinh đúng 4 tháng, vào dịp 27/7/1997, TP Hải Phòng đã trao tặng gia đình anh một căn hộ ở khu chung cư thuộc phường Đằng Giang. Ngày anh mất, cháu Thuận mới hơn mười tuổi. Nó thường lấy bộ quân phục của bố, vốn được mẹ nâng niu cất kỹ trong ngăn chiếc tủ gương ba buồng, ra ngắm nghía rồi tuyên bố chắc nịch: Con sẽ học giỏi để làm Công an!
Và rồi, câu nói trẻ con ấy của Thuận đã trở thành hiện thực. “Sau khi bố cháu mất, đúng là một khúc quanh của số phận đến với cả nhà! Cháu khi đó hơn mười tuổi; bỗng dưng cháu thay đổi hoàn toàn, người lớn hẳn lên...”. Cháu Thuận, người con trai của Anh hùng Lê Thanh Á đã tâm sự với tôi như vậy. Thuận kể, hồi bé, cháu cũng thuộc dạng nghịch ngợm đến độ “rạch giời rơi xuống”. Bố cháu nghiêm lắm, nhưng vì cháu quá hiếu động nên đâu lại vào đấy. Khi đó, nhà cháu ở gần đường tàu hỏa. Những trò nghịch ngợm, phá phách của bọn trẻ trong phố, cháu chẳng xa lạ gì. Sau khi bố mất, cháu trở nên trầm tính và “tu chí” hẳn, khiến mẹ cháu phải ngạc nhiên.
Vài năm sau, Học viện An ninh nhân dân tiếp nhận một sinh viên thi đỗ với số điểm khá cao; khi nhập trường, cậu tỏ ra chững chạc, trầm tĩnh. Ngoài các cán bộ làm công tác tổ chức, ít ai biết đó là người con trai của Anh hùng, liệt sĩ Lê Thanh Á. “Nhà cháu khi đó vô cùng khó khăn về kinh tế - Thuận nhớ lại. Gia đình cháu nhận được nhiều sự giúp đỡ của họ hàng hai bên và các cơ quan, ban, ngành ở TP Hải Phòng; trong đó, một người bác họ nhiều năm liền trợ cấp đều đặn để hai anh em cháu ăn học. Mẹ cháu thì lương công nhân ba cọc ba đồng, lại bị bệnh tim. Có những đêm trong kí túc xá Học viện An ninh, cháu trằn trọc không ngủ được vì bao mối lo. Có lần không kìm được, cháu đã gặp cán bộ quản lí học viên nhà trường đề nghị buổi tối cho cháu được ra ngoài làm thêm. Các thầy chăm chú lắng nghe, rồi khuyên nhủ cháu yên tâm học tập, rèn luyện, đừng quá lo toan chuyện mưu sinh. Mỗi lần về thăm mẹ, mẹ lại nhắc cháu: Cố học giỏi, bõ công ăn học và xứng đáng với bố. Từ đó, cháu mới bình tâm được...
Theo bước người cha và anh trai, năm 2007, cháu Phương trở thành sinh viên Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I. Nhớ lại niềm vui khi nhận giấy báo nhập trường, Phương kể với tôi: “Lúc nhận được giấy báo nhập học của cháu, mẹ cháu đã khóc, cháu cũng bật khóc trong niềm sung sướng và những kỉ niệm với bố lại ùa về, khiến cả hai mẹ con đều lặng đi. Cháu chợt nhớ gương mặt bố cháu lấp lánh mồ hôi mỗi buổi chiều vội vã từ cơ quan đến đón cháu ở cổng trường tiểu học. Cũng như ngày anh Thuận ra trường, cả nhà cháu đều vui mừng đến trào nước mắt. Ba mẹ con sửa soạn thắp hương lên ban thờ, báo cáo để bố cháu biết. Cháu tin, bố cháu vẫn biết, vẫn cảm nhận được niềm vui và luôn phù hộ cho cả nhà mạnh khỏe, yên vui”.
Giờ đây, hai người con của Anh hùng, liệt sĩ Lê Thanh Á đã trưởng thành và vững bước theo con đường của người cha thân yêu. Và chị Huệ, vẫn như ngày nào, chưa hết vất vả lo toan, nhưng chị có thể tự hào vì mình đã nuôi dưỡng các con khôn lớn, trưởng thành, xứng đáng với người chồng, người cha của họ - Anh hùng, liệt sĩ CAND Lê Thanh Á