Mấy ngày nghỉ chờ nhập học, ở nhà nhìn ra đường cái, thấy các bạn đi học rộn ràng, tôi buồn rười rượi. Gia đình không đồng tình việc tôi đi học thể dục. Anh trai bảo: "Con gái đi dạy thể dục thì đi công trường gánh đất còn hơn!".
Ngày vào lớp đào tạo giáo viên thể dục ngắn hạn, mở ở phân hiệu ĐHSP Vinh (ĐHSP Vinh mới mở đang là phân hiệu), còn bỡ ngỡ, lại thêm tư tưởng phân vân, nhưng thấy lớp có ba cô giáo, trong đó có cô Lê Thị Bạch Cát, tôi cảm thấy vui vui, yên tâm dần. Cô quê Nghi Lộc (sau này thuộc thị xã Cửa Lò), tôi quê Diễn Châu, vào Vinh ở với chú thím, nên cảm thấy gần gũi với cô hơn.
Cô dạy môn Thể dục, rất giỏi về điền kinh, dáng người tầm thước, khỏe mạnh, rắn rỏi, nước da ngăm ngăm của con gái miền biển Cửa Lò. Hàng ngày dưới nắng hè chói chang, gió Lào bỏng rát, cô tận tình dạy chúng tôi các bài thể dục tự do (thể dục mềm dẻo). Cô dạy rất tốt, mẫu mực và hấp dẫn: Khi đưa tay mềm mại, khi uốn ngửa mình ra sau, lưng cô như nằm trên một mặt song song sát đất; khi nhảy tung chân, tay uốn dẻo như múa. Cô hướng dẫn rất tận tình, giảng giải rõ ràng, mạch lạc. Mồ hôi đẫm ướt tấm áo dệt đông xuân, chảy dầm dề, nhễ nhại trên trán, trên gò má đỏ bừng, nên chúng tôi thương cô lắm. Giọng cô nói nhẹ nhàng, âu yếm, dễ đi vào lòng người. Cô còn dạy các bài về cầu thăng bằng, xà lệch, nhảy cừu với những động tác nhanh nhẹn, dũng cảm, những động tác như bay lượn trên không, quay trở nhịp nhàng. Cô rất kiên trì và quyết tâm bởi bộ môn này học viên đều nhút nhát, sợ sệt, nhất là khi làm động tác "trồng chuối" thẳng đứng trên xà.
Nghe cô giảng và thị phạm, như làn gió mát cuốn hút vào con đường nghệ thuật, chúng tôi cảm phục mê say, quên đi những mặc cảm nghề nghiệp ban đầu. Sau bữa cơm chiều, chúng tôi hay đến phòng cô chơi, cô thân ái hỏi han về quê hương, gia cảnh, tình cảm ấm áp như người chị gái thân yêu. Trong số nữ sinh thấy tôi người nhỏ, hơi thấp lùn, lại có phần mặc cảm với môn học nên cô rất chú ý quan tâm, động viên. Cô bảo: “Em tuy người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, có tố chất của giáo viên thể dục, cố gắng chăm chỉ luyện tập sẽ tiến bộ nhanh". Nhờ cô động viên chăm sóc tôi đã tiến bộ, tốt nghiệp loại khá, ra dạy làm tốt công tác chuyên môn, được Ty giáo dục Nghệ An đánh giá cao.
Năm 1963 được cử đi học nâng cao ở trường TDTT Từ Sơn, tôi lại gặp cô bấy giờ là giảng viên trường này, cô vẫn như xưa với nụ cười hiền hậu, giọng nói đằm thắm và tình cảm cô trò càng thêm gắn bó. Tâm sự với cô, biết cô chưa xây dựng gia đình riêng dù bấy giờ đã 23 tuổi. Cô tâm tình: "Đất nước đang còn giặc, cô chưa muốn nghĩ đến hạnh phúc riêng tư, cô đang có ý định xung phong đi B theo chủ trương của Bộ GD, em ạ".
Sau đó tôi về quê công tác, bặt tin cô. Mãi sau ngày giải phóng miền Nam tôi mới biết được tin đau đớn: Năm 1964, cô hăng hái xung phong đi B. Vào Nam, cô được cử vào hoạt động ở nội đô Sài Gòn, là Quận ủy viên, Bí thư đoàn quận III, tham gia biệt động thành, hy sinh oanh liệt trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu thân (1968) giữa tuổi đời thanh xuân, trong trắng!
Hiện nay TPHCM có trường THCS và con đường mang tên cô ở phường 13 (quận 11), nhân dân đã rước ảnh cô vào thờ ở đền Nhân Hòa (quận I) và chùa Giác Lâm (Tân Bình). Thị xã Cửa Lò quê hương cô cũng có Trường THCS Lê Thị Bạch Cát và lãnh đạo tỉnh đã có dự kiến đặt tên nữ giáo viên liệt sĩ đã dâng hiến tuổi trẻ tươi đẹp cho dân tộc, trên một con đường lớn ở thị xã. Nhớ mãi câu thơ của bà Đặng Quỳnh Anh, hội viên Hội VHNT Việt Nam viết về cô trong bài “Tìm em, chiều nghĩa trang” (In trong tập thơ “Lời ru ngàn năm”):
Mùa thu trong mắt em trong/ Khi về với đất vẫn còn đồng trinh!
Dù nay đã đến tuổi “xưa nay hiếm”, trong tôi vẫn giữ mãi hình ảnh cô giáo thân yêu, đang tuổi thanh xuân như khi cô dạy dỗ và chăm sóc mình. Noi gương cô, trước đây trong giảng dạy tôi đã tận tình với công việc, nay về hưu, tham gia Câu lạc bộ sức khỏe Người cao tuổi của phường, tôi vẫn hăng say rèn luyện TDTT và nhiệt tình với vai trò Phó chủ nhiệm CLB, lòng vẫn không nguôi nhớ và cảm phục cô giáo cũ của mình.
Mã số: 324