TIN LIÊN QUAN
Bức xúc trước "mánh "kiếm ăn" bằng... ngoại cảm |
|
Một vụ tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm |
Bốc nhầm còn hơn bỏ sót?
Chuyện các nhà ngoại cảm (NC) đi tìm mộ thuê rồi bốc nhầm mộ người khác giờ không còn là hy hữu. Nhiều người dẫu biết đã bốc nhầm mộ vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khấn vong linh người đã khuất đại xá cho, vì đã đào lên rồi "chả lẽ" lại chôn xuống.
Đáng buồn nhất phải kể đến trường hợp của gia đình anh T ở Tân Kỳ, Nghệ An. Nguyên là, nghe người quen mách bảo gia đình anh T đã nhờ một nhà NC ở địa phương tìm giúp ngôi mộ ông bác ruột là LS Hoàng Văn Vĩnh ở Nghĩa trang Cồn Nậy, thôn Võ Xá, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
Không hiểu vì lý do gì, nhà NC lại chỉ dẫn bốc nhầm mộ ông Lê Văn Thành mới mất năm 1999 và chôn ở gần đó. Nếu như không có đơn kiện của gia đình ông Thới (em trai ông Thành), anh T và gia đình mình vẫn tin đó là hài cốt của bác ruột mình…
Chôn một nơi, tìm mộ… một nẻo
Nghe có vẻ như đùa nhưng lại là những chuyện hoàn toàn có thật. Theo phản ánh của anh Nguyễn Văn H (ở Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội), anh hiện là Trưởng Ban liên lạc tìm mộ LS của một trung đoàn ngày trước đóng quân ở khu vực biên giới Việt Lào.
Anh nắm rất rõ địa điểm chôn cất của không ít đồng đội của mình, trước khi chôn anh còn cẩn thận khắc tên từng người rồi bỏ vào một lọ xít tép chôn theo. Ấy vậy nhưng, khi anh và những người thân của các liệt sỹ cất công sang tận đó để đưa các đồng đội về an táng tại nghĩa trang quê nhà thì một số hài cốt đã… không cánh mà bay, chỉ còn trơ lại những hố sâu hoắm.
Ngày 12/02/2012, Ban chỉ đạo Đề án Xác định danh tính LS đã có công văn nêu rõ: Các Bộ, ngành đã thống nhất coi phương pháp xác định ADN là phương pháp chủ đạo xác định danh tính LS. Ngoài ra, còn có các phương pháp khác như: Theo hồ sơ chôn cất; các di vật của LS…; không công nhận danh tính LS bằng phương pháp NC… |
Tương tự là trường hợp của LS Đ.C ở Xuân Hòa, Hưng Nguyên, Nghệ An. Mặc dù hài cốt đã được an táng xong xuôi nhưng hai đồng đội của liệt sỹ này vẫn khăng khăng không phục với lý do: Năm 1964 cả ba ông cùng nhập ngũ cùng nhau.
Năm 1965, trên đường vượt sông, ông C bị lật thuyền đã chết đuối nên hai ông Thành và Thường đã chôn xác ông ở một cánh rừng thuộc tỉnh Samanakhet của Lào, nên việc tìm thấy mộ ông C ở tỉnh Bình Dương, Việt Nam là việc làm rất phi lý.
Cần phải xử lý thích đáng các trường hợp xâm phạm mồ mả
Vô cùng bức xúc trước thực trạng trên, anh H và các thành viên trong ban liên lạc tìm mộ LS gần như mất hết niềm tin vào cái gọi là “khả năng đặc biệt” của các nhà NC. Không chỉ thế, anh Huân còn đề nghị phải chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc các trường hợp nêu trên.
Bộ LĐ, TB & XH đã quy tập được 300.000 ngôi mộ LS, trong đó nhiều ngôi mộ còn thiếu thông tin, kể cả những thông tin xác thực về danh tính LS. Ước tính còn khoảng 200.000 LS vẫn chưa xác định được hài cốt… |
Về mặt pháp lý, Luật sư Lâm Văn Quang, Văn phòng Luật sư Đức Minh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 246 Bộ luật hình sự năm 2009 quy định: Người nào đào, phá mộ, chiếm đoạt các đồ vật ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Theo quy định này thì các hành vi đào mộ, phá mộ, lấy đồ vật bên trong hoặc ở trên mộ là xâm phạm trật tự quản lý công cộng và có thể bị xử lý theo điều luật trên. Kể cả các trường hợp đi tìm mộ của thân nhân bị thất lạc mà đào nhầm mộ của người khác cũng bị coi là hành vi xâm phạm mồ mả và đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm mồ mả được quy định tại điều 246 vì pháp luật quy định người thực hiện hành vi nêu trên buộc phải biết việc làm của mình là xâm phạm đến quyền nhân thân của con người và xâm phạm trật tự quản lý công cộng.
Như vậy, các hành vi nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm và những người cố tình vi phạm sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Cao hơn nữa là những bản án lương tâm và những day dứt ám ảnh theo họ suốt cuộc đời…
Đoan Trang