Đó là những câu nói mà những người lính trở về thường nói với nhau sau ngày 30/4/1975 lịch sử. Thế nhưng, còn những người đã hy sinh cho ngày Chiến thắng vĩ đại ấy của dân tộc thì họ sẽ nói với nhau thế nào khi họ vẫn nằm đâu đó trong lòng đất Mẹ…
Mỗi khi nghĩ tới điều này, trong sâu thẳm trái tim tôi luôn văng vẳng những câu ca trong lời bài hát Người Mẹ Của Tôi của nhạc sĩ Xuân Hồng: “… thời gian trôi qua, vết thương trên thịt da đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng, mẹ vẫn còn nặng mang …”. Vâng! Chiến tranh đã lùi xa gần 4 thập kỷ nhưng còn đó những nỗi đau. Trong mỗi thôn xóm của làng quê miền Bắc vẫn thấp thoáng những mẹ già cô đơn mong được đón những đứa con đã hi sinh vì Tổ Quốc về với mẹ cho dù chỉ là nắm di cốt để mẹ yên lòng ra đi. Vẫn khắc khoải trong lòng những người bố già nua khát khao được đón con về trước khi về với tiên tổ.
Các anh còn ở nơi đâu?
Theo thống kê của Cục Người có công, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì hiện trên cả nước có 318.953 ngôi mộ liệt sĩ khuyết danh hoặc chưa đủ thông tin và 237.297 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Tức là, hiện có 556.250 liệt sĩ, khoảng một nửa trong tổng số liệt sĩ đã hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc còn chưa được an nghỉ. Tức là, 556.250 gia đình đã cống hiến con em, chồng, cha của mình cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc, còn chưa được biết người thân của mình đã ngã xuống và nằm lại ở nơi đâu?
Tuy rằng Bộ Quốc Phòng là đơn vị chủ chốt trong công việc quy tập mộ liệt sĩ, nhưng gần đây đã có không ít các tổ chức và cá nhân tham gia tìm kiếm mộ liệt sĩ, giúp hàng vạn gia đình tìm được mộ con em mình hi sinh sau 4 thập niên thất lạc, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Trong số những cá nhân luôn trăn trở, tích cực tham gia vào công việc đền ơn đáp nghĩa ấy không chỉ là phía Việt Nam, những đồng đội, người thân của các liệt sỹ mà còn cả những tổ chức, những cá nhân người nước ngoài – những người từng chứng kiến hoặc nắm giữ thông tin về các liệt sỹ. Những thông tin và công sức của họ có thể giúp tìm lại được hài cốt các anh, nhưng cũng có thể chưa thể tìm lại được ngay bởi thời gian đã lùi lại quá xa, mọi thứ đang mờ dần... Nhưng, tấm lòng và sự nhiệt tình của họ chính là phương thuốc hữu hiệu nhất để hàn gắn vết thương trong lòng những gia đình đã hy sinh con em mình cho Đất nước hôm nay.
Nỗi trăn trở của một cựu binh Australia
Tôi muốn kể thêm ở đây về một cá nhân là người bên kia chiến tuyến nhưng tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ một cách thành tâm và đầy nhiệt huyết, đó là ông Brian J. Cleaver (Cựu chiến binh Quân đội Hoàng Gia Australia).
Ông Brian tham chiến tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Ngày 29/5/1968, ông chứng kiến lính Australia chôn tập thể 42 thi hài liệt sĩ thuộc E141 và E165 của Sư đoàn 7 vào một hố bom tại căn cứ Balmoral của Australia nằm ở Bàu Hang (Xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Hết nghĩa vụ 2 năm làm lính, ông trở về nước.
Ám ảnh với những hậu quả của chiến tranh khiến Brian không một ngày yên ổn. Ông quyết định dành dụm tiền bạc và quyết tâm trở lại Việt Nam để tìm lại cái “hố bom nghiệt ngã” năm xưa. Thế nhưng, đã 10 năm liên tiếp quay lại Bàu Hang để cùng phía Việt Nam tìm kiếm nhưng Brian cùng đoàn tìm kiếm vẫn không tìm lại được 42 người lính ở hố bom năm ấy.
Xin trích một đoạn độc thoại trong nhật ký của Brian: "Hình ảnh 42 binh sĩ bị chôn vùi trong một hố bom lớn mà cho đến nay dường như không được ai biết đến luôn ám ảnh, bám riết tâm trí tôi. Vì thế, tôi quyết định phải trở lại khu vực này để hy vọng tìm ra họ. Có tìm lại được họ thì tôi mới thực sự thanh thản. Tôi đã quyết định dành 10 năm trong quỹ thời gian cuối cuộc đời tôi để thực hiện việc này".
Trong 10 năm, Brian đã tổ chức 4 cuộc tìm kiếm có sự kết hợp của nhiều tổ chức và cá nhân. Đặc biệt, đợt tìm kiếm lần thứ ba hồi tháng 1/2011 có sự tham gia của Viện Vật lý Địa cầu, Viện phòng trừ Mối và Bảo vệ Công trình, Viện Địa chất và Địa lý biển của Việt Nam bằng phương pháp Ground Penetrating Radar (Dùng sóng radar quét thấm đất) để đánh dấu vị trí các hố bom trong cả khu vực Bàu Hang.
Tại cuộc tìm kiếm thứ tư cuối tháng 3/2013 vừa rồi, tôi gặp lại Brian với gương mặt già nua hơn hẳn hai năm trước. Khi được hỏi vì sao ông tâm huyết với việc tìm kiếm hài cốt 42 liệt sĩ đến như vậy, Brian trả lời: "Tại sao ư, đơn giản là họ còn có mẹ, có cha, có những người anh em và những người này có quyền được biết người thân của họ đang yên nghỉ ở đâu và những gì đã xảy ra với những người ruột thịt của họ trước đó để họ được yên lòng...”.
Đẹp thay hai chữ “Tình người”
Sau 11 ngày đào bới 13 hố bom với khoảng trên 200 m3 đất, đợt tìm kiếm thứ tư này vẫn không mang lại kết quả như kỳ vọng của chúng tôi. Một cán bộ Đại sứ quán Australia nói rằng: "Chúng tôi cùng phía Australia đã hết mình trong việc tìm kiếm 42 hài cốt liệt sĩ. Nhân chứng có, các hình ảnh ghi nhận ngay sau trận đánh có, tọa độ của hố bom có, phương tiện công nghệ cao có... nhưng vẫn không có kết quả. Chắc chắn là phải sai ở một điều gì đó... Tuy không tìm được hài cốt 42 liệt sĩ nhưng sau 4 cuộc tìm kiếm, đoàn chúng tôi cũng làm được nhiều thứ, ít nhất mọi người cũng biết được hai chữ "tình người" trong con người Brian nói riêng, Quân đội Australia nói chung và tất cả chúng ta ở đây".
Tôi nhìn trong con mắt Brian niềm thất vọng não nề. Trước khi ra về ông đã gửi cho tôi một văn bản song ngữ độc thoại khá dài về nỗi niềm sau cuộc chiến. Ông tâm sự: "Sức khỏe và tinh thần của tôi không cho phép tôi trở lại Việt Nam một lần nữa để giúp bạn tìm kiếm 42 hài cốt những người lính Việt Nam. Trong tương lai, nếu bạn cần thêm thông tin về căn cứ Balmoral tại thời điểm đó (1968), hãy cứ liên hệ với tôi bất cứ lúc nào, khi tôi còn có mặt trên đời này". Brian còn hứa sẽ cung cấp các tài liệu liên quan đến liệt sĩ của Việt Nam hi sinh khi tham chiến với Quân đội Australia trong những thập niên 60-70 của thế kỷ trước...
Nguyễn Lê
(Bình Dương, tháng 4/2013)