Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

'Liệt sĩ' về làng sau 30 năm mất tích

Vào một ngày cuối thu 2007, sau 30 năm “liệt sĩ” Nguyễn Văn Cầu bỗng trở về nơi chôn rau cắt rốn, trước sự ngạc nhiên, sửng sốt của người dân làng biển xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Nghe tin “liệt sĩ” Cầu về làng, bà con làng biển kéo đến rất đông hỏi thăm sức khỏe. Người chị gái của anh Cầu tên Phượng nước mắt xen lẫn niềm vui: “Cầu bị thương ở đầu, trí nhớ kém lắm, nhiều người tới hỏi thăm khiến nó như rối tung cả lên, chẳng biết đường nào trả lời nữa.”

Anh Cầu sinh năm 1957, trong gia đình có 6 anh chị em, cha mẹ mất sớm nên anh chị em đều phải tản tác đi làm thuê ở đợ. Ngày 10/10/1977 anh xung phong lên đường nhập ngũ. Năm 1979 anh cùng đồng đội hành quân sang Campuchia chiến đấu ở cao điểm 273, nơi từng được mệnh danh là “cối xay thịt”. Đạn pháo địch nã vào cao điểm hết ngày này sang đêm khác, cây cối, đất đá bị xới tung, băm nát.

Trong một trận đánh ác liệt, Cầu đã bị mảnh đạn pháo trúng vào đầu. Anh được chuyển về điều trị tại Bệnh viện 1/5 Sài Gòn (được giám định thương binh loại 3). Sau đó 9/1980 khi bình phục, anh lại được chuyển sang Campuchia chiến đấu cùng đơn vị cũ.

Bước ngoặt cuộc đời anh là khi chiến tranh kết thúc, tháng 8/1982 anh được phục viên về nước. Khi đoàn xe chở những người lính Việt Nam từ Campuchia trở về đến huyện Bình Minh (Hậu Giang) thì dừng lại để nghỉ. Anh xuống xe đi tiểu tiện, vết thương bỗng tái phát khiến anh quỵ xuống ngất lịm không hay biết, hết thời gian nghỉ, đoàn xe lăn bánh bỏ anh lại một mình.

Khi tỉnh dậy vết thương lại hoành hành, đầu óc như quay cuồng khiến anh mất trí nhớ. Anh đi lang thang mọi ngóc ngách, ngả đường ai cho gì ăn nấy, giấy tờ mất hết, giọng khản đặc nói không rõ, mọi người nhìn anh như một gã tâm thần. Đêm đến anh leo lên cây dừa (giống dừa Hậu Giang cây thấp) vắt mình lên đó ngủ. Anh kể: “Vẫn có những lúc tỉnh táo, nhưng thấy thân phận mình sức tàn lực kiệt. Vết thương luôn hoành hành, khi trái gió, trở trời như có hàng nghìn cây kim đâm vào đầu khiến tôi lại quên hết mọi thứ.”

Sau 3 năm lang thang, anh may mắn gặp được ông Ba Hen. Ông đưa anh về Cà Mau làm mướn cho ông. Sau đó một thời gian anh đã "để mắt" và yêu một người phụ nữ cùng làm thuê tên Nguyễn Thị Huê quê ở Hoa Lư, Ninh Bình. Ông Ba Hen đã đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người, rồi làm cho đôi vợ chồng mái lều tranh bên bờ kênh... Chung sống với nhau vợ chồng anh đã sinh 6 người con. Đứa đầu bị chết, đứa thứ hai mắc bệnh đao, mấy đứa còn lại đều thất học. Mấy người cùng ấp cho rằng có lẽ các con anh bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố.

Cuộc sống của anh ở huyện Thới Bình, Cà Mau càng ngày càng trở nên khốn khổ, làm thuê, làm mướn, bắt ốc bắt cua cả ngày vẫn không thể đủ nuôi đàn con ốm yếu. Trong lòng anh luôn đau đáu nghĩ tới quê hương, nhiều đêm anh đã cố gắng nhớ ra tên đất, tên làng mình, rồi gửi biết bao lá thư nhưng đều nhầm địa chỉ.

Khát khao cháy bỏng là được một lần về quê hương luôn thôi thúc, anh đã tâm sự với bà con lối xóm về cảnh ngộ của mình, họ thương tình ủng hộ, đóng góp cho anh được hơn 1 triệu đồng để anh tìm về quê đoàn tụ.

Chị Phượng kể: "Sáng đó trời mưa khá to, thấy người đàn ông gầy gò chỉ vận mỗi quần đùi, áo rách, kẹp bên hông một gói ni lông lừ đừ tiến vào cổng, tưởng người ăn mày sai con cho bơ gạo, người đàn ông không nhận mà kêu tôi bằng chị: "Chị có nhận ra em không? Thằng Cầu em trai của chị đây mà! Tôi dụi mắt, nhìn kỹ, trong giây lát hai chị em ôm chầm lấy nhau nức nở. Rồi cả nhà đều khóc!"

Trên bàn thờ tấm bằng liệt sĩ ghi công mang tên Nguyễn Văn Cầu đã được hạ xuống. Nhưng hiện nay anh không còn một thứ giấy tờ nào xác nhận thời gian trong quân ngũ của mình. Cố gắng lục lại trí nhớ, anh cũng chỉ còn nhớ được tên hai cán bộ cấp trên của mình là đại đội trưởng Cường và chính trị viên Hợp.

Anh Đặng Sĩ Đạo ở xã bên trước đây cùng đơn vị với anh Cầu cho biết: "Tôi đã huấn luyện ở Hải Phòng, chiến đấu ở cao điểm 273 cùng với anh Cầu. Anh Cầu chính là người đã hướng dẫn, giúp đỡ tôi vào Đảng. Trước đây thỉnh thoảng anh em vẫn gặp nhau, nhưng chiến tranh ác liệt quá, anh Cầu bị thương nên không có điều kiện gặp nhau nữa. Sau này về mới biết tin anh Cầu bị mất tích."

Chị Phượng cùng với anh Cầu đã lên xe vào Cà Mau. Chị Phượng quyết định đưa gia đình anh Cầu trở về quê hương để sinh sống đoàn tụ.

Trước sự việc hy hữu này, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó bí thư huyện Quỳnh Lưu nói: “Đây là hoàn cảnh thương tâm mà mỗi chúng ta cần phải trân trọng, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để hoàn thành thủ tục làm chế độ cho anh Cầu".

(Theo VTC)