Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Năm tháng lùi xa, nỗi đau còn đó

Phòng truyền thống của Lực lượng Công an Cao Bằng trang trọng ghi danh trên bảng vàng 34 liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong số đó, duy nhất chỉ có một liệt sĩ hy sinh trong chiến đấu chống tội phạm. Đó là Trương Văn Đăm, quê ở xóm Luống Nọi thuộc xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, Tỉnh Cao Bằng.

Chuyện về tấm gương chiến đấu và hy sinh của liệt sĩ Đăm đã xảy ra cách đây một phần tư thế kỷ. Khi ấy báo chí chưa có điều kiện phản ánh đầy đủ về hành động dũng cảm của các chiến sĩ Công an huyện Hòa An trong một cuộc truy bắt tên tội phạm có lệnh truy nã đã làm đồng chí Trương Văn Đăm hy sinh và đồng chí Nông Văn Tuất bị thương. 25 năm sau, tôi mới có dịp tìm hiểu kỹ để viết về câu chuyện này.

Bản Luống Nọi nằm bên đường Hồ Chí Minh đã được nâng cấp rải nhựa phẳng lì. Trải qua công cuộc đổi mới, ở miền quê nổi tiếng cây thuốc lá này đã có nhiều thay đổi. Từ khi được Nhà nước đầu tư về kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm thuốc lá, người nông dân ở đây đã giàu lên nhanh chóng, nhiều nhà xây mọc lên khang trang. Nhiều gia đình sắm được ti vi, xe máy và những tiện nghi đắt tiền. Căn nhà của chị Nông Thị Lại, vợ liệt sĩ Trương Văn Đăm được xây từ nguồn hỗ trợ Quỹ Nghĩa tình đồng đội của lực lượng Công an khiêm tốn nằm bên tỉnh lộ rẽ lên xã Đào Ngạn. Sau nhà là dãy núi đá vôi, phía trước là cánh đồng trải một mầu vàng chanh mát mắt của những thửa ruộng thuốc lá đang mùa thu hái. Cả bản ngan ngát hương thơm của thuốc lá lan tỏa từ những chiếc lò xấy cá nhân. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có lò xấy riêng, có như vậy mới tự chủ động được quá trình sản xuất.

Dù nỗi đau đã dần vơi đi nhưng ký ức về sự hy sinh dũng cảm của người chồng yêu thương trên mặt trận chống tội phạm sẽ vẫn mãi còn trong nỗi nhớ của chị Lại, đủ để chị tự hào, nhắc nhở mình luôn sống cho xứng đáng. Chị Lại nhớ mãi cái ngày định mệnh ấy: Đó là ngày 25/10/1986. Tiết trời cuối thu ở vùng cao đã se lạnh, khi đang hái lúa nếp ngoài đồng, chị chợt nghe thấy một tiếng nổ ở làng bên rồi đột ngột nhận được tin sét đánh: Anh Đăm bị thương nặng. Chị bỏ việc chạy ngay đến hiện trường. Trước mắt chị là một cảnh tượng hết sức tang thương: Anh Đăm ngất xỉu, chân bị nát bươm vì sức công phá của quả lựu đạn. Bên cạnh đó, anh Tuất cũng bị thương, cả hai đều trong tình trạng máu me đầm đìa. Chị ào vào ôm lấy chồng, khóc nức nở. Trong cơn hoảng loạn chị vẫn nghe được câu chuyện qua lời kể của những người chứng kiến sự việc: Trong lúc Đăm cùng Tuất thực hiện nhiệm vụ truy bắt tên tội phạm có lệnh truy nã thì bị tên tội phạm liều lĩnh dùng lựu đạn chống trả. Những người dân đã xúm vào mỗi người một tay giúp đưa Đăm đi cấp cứu tại Bệnh viện Nà Giàng, nhưng vì vết thương quá nặng, bị mất máu nhiều nên anh đã hy sinh khi mới tròn 31 tuổi. Cảm kích trước tấm gương chiến đấu hy sinh dũng cảm của người chiến sĩ Công an, đồng bào địa phương và Công an huyện Hòa An đã long trọng tổ chức tang lễ tiễn đưa liệt sĩ Trương Văn Đăm đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Để giữ cuộc sống yên bình cho người dân , máu của người chiến sĩ Công an vẫn tiếp tục đổ. Trong ảnh: Một phiên chợ ở Cao Bằng (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Ở độ tuổi ngoài ba mươi, một mình nuôi hai con còn thơ dại giữa thời buổi kinh tế cực kỳ khó khăn, lắm lúc chị Lại tưởng chừng không vượt qua nổi. Chị bảo: "Lúc anh Đăm hy sinh, nhiều lúc em muốn chết theo luôn nhưng cứ nghĩ đến hai đứa con thơ dại, hai giọt máu còn lại của anh ấy mà em cố gắng vượt qua tất cả".

Cùng sát cánh với Đăm trong cuộc truy bắt tên tội phạm và bị thương là Nông Văn Tuất, quê ở xã Đức Long, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Nhớ cũng độ này cách đây hai năm, tôi đến thăm anh ở bản Khau Huổng. Trong căn nhà tình nghĩa do lực lượng Công an trao tặng, Tuất đang lúi húi giúp con đưa thuốc lá vào lò. Lâu không gặp, nom Tuất gầy yếu nhiều. Với dáng người thấp, nhỏ, nước da tái nhợt, lưng hơi gù trong những bước đi chậm chạp càng làm cho anh già hơn nhiều so với tuổi.

- Sức khỏe kém lắm rồi anh ạ - Tuất thổ lộ - Hồi bị thương xuống điều trị ở Bệnh viện 198 - Bộ Công an, các bác sĩ phẫu thuật chỉ gắp được những mảnh to thôi, những mảnh nhỏ thì họ bảo còn nhiều, nếu lấy ra được hết thì phải bới tung cả cơ thể. Sức vóc yếu, thôi đành phải chấp nhận sống chung với những mảnh đạn vậy.

Năm 1981, Tuất được chỉ huy Công an huyện Hòa An cử đến làm Cụm trưởng An ninh liên hoàn an toàn số 2 gồm các xã Đại Tiến, Ngũ Lão, Đức Xuân có trụ sở đóng tại xóm Nà Vỉnh thuộc xã Đại Tiến. Sau đó, do tính chất phức tạp của địa bàn giáp ranh với xã Phù Ngọc thuộc huyện Hà Quảng - là địa bàn nằm trên trục đường từ biên giới vào nội địa - nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Bọn tội phạm đã lợi dụng địa bàn giáp ranh để làm nơi trú ẩn. Xét thấy đây là địa bàn xung yếu nên chỉ huy Công an huyện đã điều động Nông Văn Tuất tăng cường thêm cho cụm.

"Cuộc truy bắt tên tội phạm nguy hiểm đó sẽ mãi là kỷ niệm không thể nào quên được trong cuộc đời tôi" - Tuất kể - "Ngày 24 tháng 10 năm 1986, khi chúng tôi đi cơ sở về đến nhà anh Đăm thì đã nửa đêm. Dưới ánh sáng đèn dầu mờ mờ, bốn mái đầu chúng tôi chụm vào nghe Đăm thông báo: "Qua nguồn tin cơ sở cung cấp thì hiện nay có tên tội phạm truy nã đang ẩn náu ở khu vực các xóm Cốc Chủ, Khau Mắt. Sáng mai, tôi sẽ kiểm tra lần cuối nguồn tin này. Nếu xác định chính xác nơi ẩn náu của đối tượng thì tổ chức bắt ngay. Chúng ta cần chuẩn bị chu đáo phương án hành động".

Tối hôm đó, chúng tôi cùng ngủ ở nhà Đăm. Sáng hôm sau thức dậy thì chị Lại, vợ anh Đăm đã chuẩn bị cho chúng tôi bữa cơm khá thịnh soạn, có cả cơm nếp, thịt gà. Chúng tôi cùng gia đình ăn cơm vui vẻ, ngon lành, chẳng ai mảy may nghĩ đó là bữa cuối ăn cùng anh Đăm. Cơm nước xong, cả tổ chúng tôi cải trang lặng lẽ đến nhà người quen ở bản Cốc Chủ để chờ anh Đăm đi kiểm tra lại nguồn tin. Gần đến trưa mới thấy anh trở về thông báo: "Tên Liêu Văn Khì là tội phạm truy nã nguy hiểm đã xuất hiện trên địa bàn. Tôi vừa nắm tin chính xác, hiện hắn đang tổ chức hút thuốc phiện tại một nhà dân. Nhiệm vụ của chúng ta là phải bắt khẩn cấp ngay, vì chúng đang ẩn náu trong nhà dân nên hành động của chúng ta phải rất thận trọng, hết sức tránh tổn thất cho gia đình. Tôi cùng anh Tuất sẽ tiếp cận để bắt đối tượng, còn anh Nghiệp và anh Số có nhiệm vụ cảnh giới ở vòng ngoài sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết".

Sau khi đã thống nhất phương án, tôi cùng anh Đăm đi thẳng đến ngôi nhà mà tên Khì đang ẩn náu. Theo phân công, tôi đi thẳng vào lối cửa trước, còn Đăm bí mật vào từ phía cửa sau. Nghe tiếng gọi, cô con dâu đang nấu rượu trong nhà ra mở cổng. Từ phía cửa sau, Đăm cũng bí mật đột nhập vào nhà. Biết tên Khì đang cùng hai người nữa tổ chức hút thuốc phiện ở trong buồng nên anh Đăm cảnh giới ở ngoài, còn tôi thận trọng tiến vào. Nhận ra có Công an, tên Khì tỏ ra luống cuống. Tôi hô:

- Các anh tổ chức hút thuốc phiện là vi phạm pháp luật, tất cả ngồi im.

Tên Khì vờ cầm chiếc ấm pha trà đi thẳng ra bể nước để rửa. Tôi bám theo:

- Khì, anh bị bắt, phải theo tôi về Công an huyện ngay.

Tên Khì vùng chạy ra cửa trước thì gặp Đăm chặn lối. Hắn quay lại, tay móc vào cạp quần lấy ra một quả lựu đạn, giơ lên tuyên bố:

- Chúng mày cứ vào rồi ta cùng chết.

Trước tình huống xảy ra ngoài dự kiến, tôi nhảy vào ôm chặt tên Khì như phản xạ tự nhiên:

- Anh Đăm ơi! Tước lấy quả lựu đạn trong tay nó.

Trong nháy mắt, tôi nhận ra quả lựu đạn đã bị giật nụ xòe và đang xì khói khét lẹt. Tôi cố dồn toàn bộ sức lực gỡ lựu đạn khỏi tay tên Khì để ném ra ngoài mà không được. Trong tích tắc, tôi hiểu thời gian từ khi giật nụ xòe đến khi nổ chỉ có 7 giây. Chắc Đăm cũng nhận ra điều đó nên bất chấp nguy hiểm, anh nhảy vào dùng chân đá quả lựu đạn đang xì khói trong tay tên Khì. Đúng lúc quả lựu đạn phát nổ. Một tiếng nổ inh tai đã làm cho cả căn nhà đầy khói đen mù mịt. Sức ép của quả lựu đạn làm tôi bị chảy máu mồm, người loạng choạng, mảnh đạn làm quần áo rách bươm. Tôi nhận ra Anh Đăm đã bị nát hết chân đang nằm bên vũng máu, tên Khì cũng bị nát bàn tay phải đang quằn quại, rên rỉ.

Cùng lúc đó đồng đội là Nghiệp và Số đã vào hỗ trợ đưa tôi đi bệnh viện tỉnh cấp cứu. Còn anh Đăm và tên Khì bị chảy máu nhiều đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Nà Giàng. Nhưng do vết thương quá nặng, anh Đăm đã trút hơi thở cuối cùng trong chiều ngày hôm đó. Sau khi sơ cứu tại Bệnh viện tỉnh, tôi được chuyển về điều trị tại Bệnh viện 198 - Bộ Công an, tổng cộng thời gian mất gần sáu tháng. Còn tên Liêu Văn Khì, do vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt nghiêm trọng nên đã bị TAND tỉnh Cao Bằng xử tử hình.

Câu chuyện xảy ra cách đây đã 25 năm. Để giúp thân nhân thương binh, liệt sĩ vơi đi phần nào những đau thương, mất mát, ngành Công an đã thường xuyên tổ chức thăm hỏi, làm nhà tình nghĩa, quan tâm tuyển đặc cách Trương Khánh Hùng - con trai liệt sĩ Đăm và Nông Văn Diệu - con thương binh Tuất vào Công tác trong ngành. Khi tôi viết câu chuyện này thì biết tin Tuất cũng đã qua đời trong một cơn đau tái phát. Chúng ta không mong có những tổn thất, nhưng thực tế máu người chiến sĩ công an vẫn âm thầm đổ trong thời bình…

Tháng 7 năm 2011