Ngư dân Đà Nẵng đưa áo phao lên tàu để tiếp tục bám biển, vươn khơi xa (ảnh: Công Bính)
"Mặt trận" giữa trùng khơi
Âm hưởng buồn xót từ câu ca “… Lấy chồng nghề ruộng em theo/ Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” bao đời nay vẫn là nỗi niềm đau đáu khôn nguôi với những người phụ nữ làng chài, mà duyên phận gắn họ với những con người suốt đời ăn sóng, nói gió - các ngư dân.
Trong thời chiến, thế trận lòng dân của chúng ta không bao giờ thiếu lực lượng ngư dân dũng cảm bám các tuyến đường trên biển, bám ngư trường, chung lòng dốc sức “chia lửa” với tiền phương. Còn nói tới các ngư dân bám biển hiện nay dù là trong thời bình, nhưng khi bầu không khí trên Biển Đông đang “nóng bỏng”như thế này thì hẳn ai cũng có thể hiểu rằng sóng gió giữa trùng khơi với ngư dân không đáng lo ngại bằng các tình huống phức tạp có thể nảy sinh bất cứ lúc nào…
Có lẽ cũng bởi thế mà đông đảo bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ ủng hộ trăn trở của bạn Hưng Tú thể hiện qua đề nghị “công nhận liệt sĩ cho những ngư dân trên biển bị tử nạn và công nhận thương binh cho ngư dân bị thương khi bị “tàu lạ” đánh chìm…” (được dẫn trong bài Blog “Ngư dân là chiến sĩ” của tác giả Lê Chân Nhân)
Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh sự cần thiết có những chính sách kịp thời, giúp bà con ngư dân phát huy vai trò của mình trong các nỗ lực bám biểm, bảo vệ ngư trường:
Chính sách ưu đãi cho ngư dân lúc này thật cần thiết và cấp bách, nhằm khuyến khích bà con trang bị tàu vỏ sắt công suất lớn để không bị "tàu lạ" lấn lướt. Tất cả vì: "Còn ngư dân, còn ngư trường, còn chủ quyền biển đảo".
Lê Tuấn Anh lưu ý:
Tôi hoàn toàn nhất trí. Theo tôi, vấn đề này đáng ra phải làm từ lâu rồi, nhưng muộn còn hơn là không. Làm được điều này cũng là thể hiện sự chia sẻ, cảm ơn của toàn dân đối với những ngư dân không quản ngại khó khăn, gian khổ. Thậm chí sẵn sàng hy sinh cả thân mình khi vẫn hàng ngày bám biển, góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo cho đất nước.
Thu Trang phân tích về vai trò của ngư dân trong lĩnh vực có tầm quan trọng lớn là phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh biển đảo:
Tại sao chúng ta luôn chiến thắng trong thời kì kháng chiến, trong khi quân dân ta khi đó còn rất đói khổ? Đó là bởi chúng ta đã coi bất cứ con người yêu nước nào cũng là một chiến sỹ cách mạng, kể từ trẻ em cho tới người già, nông dân- công nhân- trí thức... và bất kể lĩnh vực nào cũng là 1 mặt trận. Vậy thời đại hôm nay khi đất nước đang ở trong tình thế khó khăn, mỗi ngư dân cũng đang là một chiến sỹ cách mạng. Giống như những anh hùng trên mặt trận thì cầm súng, khi trở về đời thường lại là những con người rất mực hiền hòa... Tôi kính phục các chiến sỹ và ngư dân ở các vùng biển, đảo. Mong sao nhà nước ta sẽ làm gì để cho họ thấy rõ hơn những sự cống hiến, hi sinh của mình thật đáng tự hào. Cảm ơn bài viết rất hay của bạn.
Nguyễn Đình Duyệt nêu thêm ý kiến:
Tôi hoàn toàn nhất trí với những đề xuất trên, vì có như thế người ngư dân vừa có thể làm kinh tế, vừa góp phần bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước còn nên huấn luyện, hỗ trợ kinh phí cho các ngư dân nâng cao cả về kiến thức quân sự lẫn trí tuệ... Có như vậy, khi gặp bất trắc họ có thể tự bảo vệ chính mình và đóng góp công sức tốt hơn cho nỗ lực bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc VN thân yêu.
Hương Thu nhất trí:
Tôi cũng đồng ý vì mỗi người có lòng yêu nước, có ý chí chiến đấu vì chủ quyền đất nước thì họ đều xứng đáng được tôn vinh là chiến sĩ.
Nam Hải liên hệ:
Rất hay! Theo tôi, nếu đưa ngư dân ra bám biển bảo vệ chủ quyền thì phải có chiến lược bảo vệ họ và phải coi họ như những NGƯỜI LÍNH (được hưởng mọi chế độ chính sách mà những người lính được hưởng).
Ngoc Thien bỏ thêm 1 phiếu rất có sức nặng:
Còn tôi là lính Hải quân. Đọc bài viết này, tôi cũng rất đồng ý với quan điểm của tác giả và rất mong được sự đồng thuận của tất cả mọi người dân Việt Nam .
Nguyễn Nguyên Hoàng khẳng định:
Mỗi khi có giặc, nhân dân ta từ già trẻ, gái trai đều là chiến sỹ, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ quê hương, đất nước. Ngày nay tuy Tổ quốc đã thái bình nhưng vẫn còn những vấn đề phức tạp trên biển đảo. Nhà nước đã có những kế sách nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân đánh bắt cá, khai thác hải sản. Tuy nhiên theo tôi nghĩ, vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn để tăng cường sức mạnh tập thể, sức mạnh của đội ngũ những người làm ăn trên biển. Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn Hưng Tú về việc Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất đối với họ. Chúng ta nên coi họ là lực lượng "dân quân trên biển". Những sự hy sinh, mất mát của họ cần được trân trọng, cần được ghi nhận và đáp đền xứng đáng. Sự hy sinh của họ trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo nên được coi là những chiến sỹ hy sinh vì độc lập, chủ quyền của đất nước, cần được truy tặng danh hiệu liệt sỹ. Toàn dân Việt Nam ta cần coi họ là những chiến sỹ trên tuyến đầu. Các bạn thử nghĩ xem: Những người mẹ, người vợ, người con của họ sẽ nghĩ như thế nào nếu chúng ta không làm như vậy???
Nguyễn Nhật Anh đồng tình:
Bạn Lê Chân Nhân đã sử dụng tiêu đề hay lắm: "Ngư dân là chiến sỹ"! Đã coi họ là những người chiến sỹ thì chúng ta cần ghi nhận công lao, trân trọng và ghi nhận những mất mát về tinh thần, vật chất mà họ phải gánh chịu. Cần tôn vinh sự hy sinh của họ vì sự bình yên của biển đảo, sự toàn vẹn của đất nước. Đó cũng là một trong những nội dung cơ bản của chính sách đối với hậu phương của Nhà nước ta. Tôi rất đồng tình với ý kiến của bạn Tú.
Công Bằng chung quan điểm:
Tôi thấy ý kiến của các bạn rất hay. Tôi cũng rất mong Đảng và Nhà nước sẽ có thêm các hỗ trợ và chính sách xứng đáng cho ngư dân. Mỗi lần ra biển với ngư dân hiện nay có thể coi là một lần xung trận, khi họ ngày đêm bám biển bất chấp hiểm nguy… Ngư dân của chúng ta không chỉ đánh cá để mưu sinh, mà họ ra khơi cũng là góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền của VN với Hoàng Sa và Trường Sa.
Sức mạnh đoàn kết toàn dân
Cũng xoay quanh chủ đề đang được đông đảo người dân rất quan tâm này, lại xuất hiện thêm nhiều sáng kiến, ý tưởng hay xuất phát từ kho trí tuệ phong phú của nhân dân:
Nguyễn Văn Hinh một lần nữa nhấn mạnh sức mạnh đoàn kết toàn dân:
Bài viết rất có ý nghĩa. Tôi hy vọng Quốc hội, Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu để chia sẻ bằng những hành động cụ thể nhiều hơn nữa với những mất mát của các ngư dân bám biển. Họ vừa góp phần làm giàu cho đất nước, vừa cũng như các chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Qua bài viết này tôi hy vọng toàn dân ta tiếp tục tăng cường đoàn kết, chung sức chung lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước….Không có gì bằng sức mạnh toàn dân.
Đỗ Kim Anh nhấn mạnh thêm về sự cần thiết huấn luyện ngư dân thành lực lượng dân quân tự vệ:
Nhà nước ta đã có Pháp lệnh về Dân quân tự vệ. Nếu những ngư dân được biên chế thành các đội dân quân tự vệ hoạt động ngay trên các tàu đánh cá, như vậy khi gặp hiểm nguy, bị đe dọa... nếu họ vì bảo vệ tính mạng, tài sản cho ngư dân mà bị thương hoặc hy sinh thì đương nhiên cần được công nhận là thương binh, liệt sỹ. Riêng tôi thì thấy họ rất xứng đáng được ghi nhận như thế. Về sự ủng hộ chung của toàn dân ta với bà con ngư dân lại là chuyện khác, điều đó thể hiện sự chia sẻ của nhân dân cả nước về vật chất, tinh thần để giúp họ bớt khó khăn. Đương nhiên, việc có công nhận những người mất (hay bị thương) là LS (hay thương binh) không thì còn phụ thuộc vào những văn bản quy định, các hướng dẫn của Nhà nước. Dù sao đi nữa, tôi cũng ủng hộ ý kiến này.
Ngô Phương Lan nêu cụ thể về khuôn khổ cần thiết:
Những mất mát về con người, vật chất trên biển xảy ra trong nhiều tình huống. Để biết được có cần ghi nhận những ngư dân hy sịnh trên biển là liệt sỹ hay không thì cũng còn phải bàn và có những quy định rất cụ thể. Trước mắt theo tôi, các địa phương nên thành lập các ngư đoàn đánh cá, trong mỗi ngư đoàn cần thành lập đội dân quân tự vệ để xử lý mọi tình huống khi cần thiết. Khi đã làm được như vậy, nếu có các trường hợp hy sinh thì ta cứ theo Luật mà làm, các chiến sỹ dân quân tự vệ hy sinh đương nhiên sẽ được ghi nhận là liệt sỹ. Đối với các ngư đoàn sự mất mát về con người, về tài sản cũng cần được địa phương, nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ. Có như vậy ngư dân VN mới yên tâm bám biển, sát cánh cùng các chiến sỹ hải quân bảo vệ vùng biển của đất nước.
Nguyễn Văn Dậu đánh giá cao ý tưởng, đồng thời góp ý thêm các chi tiết:
Ý tưởng của bạn Lê Chân Nhân rất phù hợp trong thời điểm hiện nay. Bạn Đỗ Kim Anh nêu vấn đề cũng rất đúng. Lực lượng dân quân tự vệ nếu được tổ chức lại sẽ là hạt nhân trong việc chỉ huy, phối hợp triển khai các hoạt động tự vệ trên tàu của chính họ và cả của các tàu bạn mỗi khi gặp sự cố trong quá trình đi biển. Cần tổ chức lại và huấn luyện, trang bị thông tin liên lạc, có thể trang bị vũ khí tối thiểu nhưng chỉ được sử dụng trong trường hợp đặc biệt và khi có lệnh của một cấp cần thiết nào đó. Cần có thêm các chính sách hỗ trợ, vì ngoài ý nghĩa về mặt tài chính khi gặp rủi ro còn có ý nghĩa quan trọng khác là động viên, khuyến khích và khích lệ lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm của ngư dân trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn vừa cập đảo trong chuyến ra khơi khai thác hải sản dài ngày trên biển (ảnh: Văn Mịnh, báo Quảng Ngãi)
Chính sách và lòng dân
Đúng là để có được những quy định, chính sách mới không phải là việc đơn giản hoặc một sớm một chiều có thể quyết định ngay. Trình tự thủ tục là cần thiết, nhưng điều được người dân quan tâm hơn nhiều là sự hợp lòng dân để có được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân. Có vậy các quy định, chính sách mới không chỉ là “trên giấy” mà có ý nghĩa thiết thực và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Vũ Thị Thủy: Tôi nghĩ việc suy tôn liệt sỹ hay không là thuộc công việc của cơ quan chức năng chính quyền, nhưng cũng nên xem xét làm thế nào hợp với lòng dân... Còn với mỗi người dân VN yêu nước, biết nhường cơm sẻ áo, biết tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, vì sự vẹn toàn lãnh thổ thì tôi tin trong trái tim họ luôn hiển hiện một tượng đài ghi nhận công lao của những người đã hy sinh trên biển… Như những ngôi mộ gió dân ta dựng lên từ thời xa xưa... vẫn sẽ tồn tại mãi mãi... Đó mới là điều quan trọng nhất….
Nguyễn Sỹ Tỉnh: Họ vươn khơi xa để kiếm kế sinh nhai, nhưng đồng thời trên tàu, thuyền của họ lá cờ đỏ sao vàng lúc nào cũng bay phấp phới, góp phần khẳng định chủ quyền đối với vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Đảng và Nhà nước đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của họ và có những chính sách như: Hỗ trợ xăng dầu, tín dụng ưu đãi đóng mới tàu, thuyền, hỗ trợ khắc phục hậu quả bão tố, rồi phát động phong trào “Tấm lưới nghĩa tình”, “Góp đá cho Trường Sa” … Nhưng theo tôi nghĩ, như thế mới là trước mắt, nhất thời. Đảng và Nhà nước cũng nên nghiên cứu đến chế độ thương binh, liệt sỹ đối với các "chiến sỹ ngư dân”. Nếu cơ chế chính sách chưa có thì chúng ta có thể đề ra quy định mới, thậm chí Luật hóa, để ngư dân yên tâm bám biển.
Nguyễn Phương Thảo: Theo tôi, các nhà hoạch định chính sách thuộc Bộ LĐ-TB&XH nên đề xuất vấn đề này từ lâu rồi. Bộ có cả một Cục chính sách với những người có công mà. Nhưng chắc rằng ý kiến của chúng ta cũng sẽ được xem xét, quyết định vì nó hợp lòng dân, nó đúng với suy nghĩ của nhiều người vì chắc ai cũng cho rằng những ngư dân đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển đang bị đe dọa lấn chiếm cũng như là các CHIẾN SỸ! Bản thân họ có thể bị thương tích, bị hy sinh bất cứ lúc nào và gia đình họ sẽ phải chịu mất mát lớn về tài chính, về tình cảm bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ mọi sự đóng góp, ủng hộ bà con ngư dân lúc này là cần thiết, nó không khác gì việc "cùng chia lửa với tiền phương" thời chiến tranh. Xin cảm ơn tác giả đã đề xuất một ý kiến hay cho một vấn đề rất thời sự hiện nay.
Trần Thanh Huyền: Tôi chia sẻ quan điểm của bạn Lê Chân Nhân. Sự hy sinh của những ngư dân trên biển xứng đáng được vinh danh, nhưng làm như thế nào cũng cần có thời gian, có sự cân nhắc, bàn luận. Tuy nhiên việc Nhà nước, chính quyền các cấp và toàn dân VN ta cần làm lúc này là chia sẻ cùng các gia đình NGƯ DÂN - CHIẾN SỸ cả về tinh thần và vật chất. Theo tôi những ngư dân đang ngày đêm hoạt động trên những vùng biển có sự đe dọa tranh chấp, lấn chiếm đang phải chịu muôn vàn khó khăn, nguy hiểm ... Và với họ, mọi sự giúp đỡ đều rất đáng quý và rất cần thiết.
Rõ ràng vai trò của lực lượng ngư dân bám biển lại một lần nữa được thể hiện ở vị thế nổi bật trong "thế trận lòng dân" của chúng ta hôm nay.
Kiều Anh