Trần Thị Thanh Hương sinh ra trong một gia đình 3 đời theo cách mạng. Năm 1966 khi mới 16 tuổi, chị đã làm đơn tình nguyện xin ra chiến trường.
Chị Hương cười: “Với bản tính của người miền biển, tôi làm trinh sát. Rồi như một định mệnh, lúc hành quân, những lần về phép, tôi gặp những người đồng đội, nhận những lời trăng trối, và từ đó, tôi bắt đầu nuôi nấng những đứa con của lính, nhiều cháu tôi mang cả theo trên đường chiến đấu...”.
Năm 1978, khi cơ thể bị bệnh tật hành hạ, suy sụp, chị Hương đi khám và phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam. Cũng từ đó, chị càng dành nhiều tình cảm yêu thương và chăm lo cho những đứa con tật nguyền của những người đồng đội.
Những trẻ con liệt sỹ không nơi nương tựa, những người đồng đội có hoàn cảnh khó khăn không thể nuôi dạy con, những bé bị chất độc da cam, bị tật nguyền, chị đều tìm đến tận nơi nhận nuôi.
Chị Hương tâm sự: “Tôi đã cảm nhận đến tận cùng nỗi đau, mất mát của chiến tranh. Nên khi xuất ngũ, tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó vì những người đồng đội thân yêu. Và tôi đã nuôi đám trẻ, dạy cho chúng học chữ, dạy chúng biết lao động, biết đứng trên đôi chân của mình, làm việc để sống lương thiện, sống có ích cho cuộc đời sao cho xứng đáng là con của người lính. Đến bây giờ, tôi đã có cả đàn con gần trăm đứa. Có những cháu đã xây dựng gia đình và đảm bảo được cuộc sống...”.
Những ngày đầu vất vả lắm, nghĩ ra việc gì có thể tạo thêm việc làm, có thu nhập nuôi các cháu, chị đâm đầu làm tuốt. Từ đan len, thêu móc, trồng rau xanh, rán bánh... mày mò làm rồi hướng dẫn lại bọn trẻ. Có lẽ suốt ngày quần quật lao động mà dường như chị và bọn trẻ sống cách biệt với thế giới bên ngoài, không biết bon chen, không dối lừa.
Có những đứa thiểu năng trí tuệ, mất vài ba năm chỉ để dạy mỗi việc biết tự tắm rửa, biết ăn cơm, biết chào. Những đứa minh mẫn hơn, bị khuyết tật chân tay lại thường bị mù chữ do không có điều kiện đến trường. Một cuộc chiến đấu mới của người chiến sỹ thời bình lại bắt đầu.
Bệnh tình thất thường khiến chị Hương không yên lòng. Chị chưa bao giờ xa nổi bọn trẻ quá 3 ngày trừ lúc liệt giường trong bệnh viện. Nếu để chúng có cơm ăn, áo mặc, chẳng khó. Song khi thiếu bàn tay yêu thương của chị, bọn trẻ sẽ ra sao?
Nghĩ là làm, chị quyết định về Hải Phòng, mở một công ty cổ phần chuyên trồng nấm ăn, nấm dược liệu để cơ ngơi sau này phát triển, tất cả sẽ dành cho bọn trẻ. Tìm được mảnh đất hoang đầy cát ở phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn, chị lập dự án xin mở “trại” để những đứa trẻ tàn tật sản xuất kinh doanh.
Một cơ sở trồng nấm ăn, nấm linh chi ra đời. Các sản phẩm của trẻ tật nguyền được thị trường chấp nhận. Cứ ngỡ cuộc sống cho bọn trẻ sẽ khá hơn sau bao khó khăn vất vả. Nhưng cuộc đời vẫn chưa thôi thử thách người phụ nữ nghị lực.
Mỗi năm, vài trận bão lớn, lốc xoáy sầm sập đến, nhà tốc mái xiêu vẹo, các lán trồng nấm xơ xác. Bao mồ hôi, nước mắt bỗng chốc tan biến. Cũng có người đến xin lập dự án hàng tỷ đồng đầu tư nhưng lại lợi dụng bọn trẻ để kiếm tiền, đòi chia phần trăm. Chị uất quá, vác đòn gánh đuổi.
Thành phố đã có chủ trương cấp đất lâu dài cho Công ty Thiện Giao, song ở phường Ngọc Xuyên, có vị rắp tâm biến trung tâm đào tạo, nuôi dưỡng trẻ tàn tật thành “địa chỉ đỏ” hòng kiếm tiền trên nỗi đau của bọn trẻ, chị không đồng ý.
Chi Hương bức xúc: "Cái đám chức sắc không còn lương tâm ấy còn chửi đổng tôi là con mụ điên, con mụ gàn dở, sướng mà không biết đường sướng, cứ thích ở như người rừng. Thực tâm, ai chẳng muốn những đứa trẻ thiệt thòi sung sướng. Nhưng các con của tôi, con của những người lính không thể đi xin để tồn tại”. Vì thế, chị càng quyết tâm dạy bọn trẻ, phải làm việc, kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình.
(Theo An Ninh Thủ Đô)