Đăng ngày 12-02-2013 trong chuyên mục Tin tức

Nhật ký Đặng Thùy Trâm khuấy động nước Nga

Cuối cùng thì cái “nợ tình cảm” kéo dài tới 6 năm của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cũng được trả và cái Tâm của những người con Việt ở Nga cũng được đền đáp, với sự giúp đỡ của không ít những nhà văn nổi tiếng, những nhà ngôn ngữ học tài ba xứ Bạch Dương.

Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga.

Tháng 9/2012, Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã khuấy động nước Nga…

Đã biết vì sao Việt Nam chiến thắng

Ngày 15/9/2012, Hội trường Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga tưng bừng, nhộn nhịp bởi một sự kiện trọng đại: Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản bằng tiếng Nga ra mắt bạn đọc. Lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, các quan chức thành phố Matxcơva, các cựu chiến binh, những chuyên gia Nga từng công tác tại Việt Nam, các sinh viên và cả những giáo viên một số trường phổ thông Nga…, họ cầm cuốn sách trên tay với một sự trang trọng, thành kính. Là một con dân nước Việt, điều này khiến tôi không khỏi bồi hồi.

Mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm phát biểu tại lễ ra mắt cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga.

Thân mẫu của Anh hùng liệt sĩ Đặng thùy Trâm (bà Doãn Ngọc Trâm) cũng có mặt. Mặc dù đã 88 tuổi nhưng bà vẫn minh mẫn tuyệt vời. Cảm động nhìn những người Nga cầm quyển nhật ký mang cái tên rất Nga: “Nhật ký một bác sĩ trong chiến tranh”, bà Trâm nghẹn ngào: “Sang đến đất Nga vô cùng tươi đẹp, gặp những người Nga nhân hậu, tôi mới hiểu vì sao con gái tôi từng yêu nước Nga đến như vậy. Con tôi chưa một lần đến nước Nga, tôi sang thay cho nó”.

Lật từng trang nhật ký, Chủ tịch Hội cựu chiến binh Nga và chuyên gia Nga từng công tác tại Việt Nam – ông Kolexnhic N.N xúc động: “Đã lâu lắm rồi, tôi mới được đọc một cuốn sách như vậy. Tôi có cảm tưởng Anh hùng Đặng Thùy Trâm viết dành cho chúng tôi, những người từng có mặt tại Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”.

Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Còn ông Glazunop E.P, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị Nga Việt cho rằng: “Chúng tôi khâm phục những người Việt Nam. Đọc cuốn nhật ký này, bạn đọc Nga sẽ hiểu vì sao nhân dân Việt Nam chiến thắng”.

“Dịch cuốn nhật ký không đơn giản tý nào, vì trong nhật ký cách xưng hô không thống nhất nên rất khó chuyển ngữ. Nhiều câu chữ tác giả dùng cách nói riêng của mình nên dịch cũng khó khăn. May mà sau đó anh Huy Hoàng mời thêm TS Lê Văn Nhân đang dạy ở trường Đại học Vladivostok cùng dịch nên công việc mới thuận lợi hơn. Tuy nhiên sau đó rắc rối lại phát sinh bởi xuất hiện hai phong cách dịch khác nhau. Để khắc phục điều này, anh Hoàng phải cùng hai nhà văn nổi tiếng ở Nga đã phải biên tập theo một phong cách chung, lúc đó mới đạt yêu cầu”.

(PGS.TS Annatoli Socolop, người tham gia dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm)

Cô giáo Grigorevna, Hiệu trưởng Trường phổ thông 282 thì khẳng định: “Tôi sẽ cho học sinh của trường đọc cuốn sách này. Thế hệ mới cần phải biết Việt Nam”. Tri ân tấm lòng của cô, mấy hôm sau nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và anh Đỗ Quý Dương - Chủ tịch CLB may Thăng Long đã mang sách đến tặng thư viện và các giáo viên của trường.

Món nợ tình sáu năm

Khi gặp nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, người tổ chức dịch cuốn sách, tôi hỏi anh: “Ai là người có ý tưởng dịch cuốn nhật ký sang tiếng Nga?”.

Nhà thơ Huy Hoàng không giấu nổi xúc động kể rằng, năm 2005, trong chuyến bay từ Matxcơva về Hà Nội, khi đèn trong máy bay đã tắt để hành khách ngủ, anh thấy cô tiếp viên lui vào ngồi một góc và chăm chú đọc sách. Một lúc sau thấy cô có vẻ mệt mỏi nên Huy Hoàng đến gặp cô để mượn cuốn sách mà cô đang đọc. Đó chính là cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nhà thơ đã đọc một mạch không nghỉ và ý tưởng dịch ra tiếng Nga ra đời từ đó.

Về đến Hà Nội, Huy Hoàng tìm gặp nhà thơ Vũ Quần Phương và thầy giáo dạy thời phổ thông Phan Huy Tuấn. Cả nhóm tìm đến nhà bà Doãn Ngọc Trâm thắp hương cho chị Trâm và hứa sẽ dịch cuốn nhật ký ra tiếng Nga, để nhân dân Nga hiểu thêm về cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc ta. Hứa là thế nhưng mãi 6 năm sau nhà thơ Huy Hoàng mới hoàn thành được tâm nguyện của mình. Tất cả cũng là vì hai chữ “kinh phí”! Sau 5 năm tìm kiếm, may mắn mỉm cười với anh khi Câu lạc bộ may Thăng Long ra đời vào tháng 5/2011.

Chủ tịch Đỗ Quý Dương đã đưa vấn đề dịch nhật ký Đặng Thùy Trâm vào cuộc họp Ban chấp hành CLB và được mọi người nhiệt tình ủng hộ. Anh phấn khởi bay về Việt Nam xin phép gia đình tác giả và khi trở lại nước Nga, bên tổ chức dịch và bên tài trợ đã ký văn bản ghi nhớ với sự chứng kiến của Đại sứ Phạm Xuân Sơn. Đầu tháng 8/2011 công việc bắt đầu.

Niềm tự hào viễn xứ

Tôi gặp Phó Giáo sư, Tiến sĩ Annatoli Socolop - người tham gia dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Anh vẫn trẻ trung, vui vẻ như mười mấy năm về trước khi tôi gặp anh ở Viện Phương Đông học. TS Socolop hồ hởi: “Khi anh Huy Hoàng đưa cuốn sách, tôi đọc qua đã thích rồi nên khi anh Hoàng đề nghị dịch, tôi đồng ý ngay. Tôi cảm phục bác sĩ Đặng Thùy Trâm và cũng muốn người Nga hiểu thêm về sự dũng cảm của người Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ”.

PGS.TS Annatoli Socolop (trái) và tác giả bài viết.

Với sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Thế giới, Trung tâm văn hóa Đông Tây ở Việt Nam, ngày 24/7/2012 cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Nga được ra mắt tại thư viện Hà Nội, nhân Ngày Thương binh liệt sĩ và cũng là ngày sinh nhật lần thứ 70 của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Các quan chức nhà nước, báo chí, khách mời đến dự đông hơn gấp đôi so với dự kiến. Ai cũng xúc động và muốn có được một cuốn sách nên mang đến 450 cuốn sách vẫn không đủ phát cho tất cả mọi người.

Nhìn cuốn sách được đặt trên giá sách ở vị trí trang trọng bên cạnh những tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn Nga, niềm tự hào trong tôi dâng trào. Tôi thầm cảm ơn những tình cảm và sự hỗ trợ to lớn của nước Nga và nhân dân Nga trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ lâu dài và gian khổ của dân tộc.

Đình Lâm