Đăng ngày 28-07-2012 trong chuyên mục Tin tức

Sự lãng quên nguy hiểm

Năm ngoái, ngày 17/6/2011, báo Quân đội nhân dân đã đưa tin “Một nghĩa trang liệt sĩ bị lãng quên”. Đó là “Nghĩa trang liệt sĩ thuộc xã Sơn Hạ, một xã miền núi của huyện Sơn Hà - Quảng Ngãi, nơi an nghỉ của gần 200 liệt sĩ, trong những năm gần đây đã bị xuống cấp nghiêm trọng và trở thành nơi chăn thả trâu bò…”. Tin này đã gây sốc, khiến người ta nhớ đến bao nhiêu sự lãng quên khác.

Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương hy sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma. “Khi quân Trung Quốc xông vào cướp cờ. Trần Văn Phương lao vào giằng giật lại lá cờ Tổ quốc. Anh đã cuốn cờ Tổ quốc quanh mình và hét vang: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo!”. Tấm gương anh hùng sáng chói ấy cả nước đều ghi nhớ. Thế mà tại nghĩa trang liệt sĩ xã Quảng Phúc (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), khi xây dựng lại ngôi mộ, người ta đã tước bỏ hai chữ anh hùng. Nhà báo Phạm Phú Thép đã vất vả ngược xuôi, hết về huyện lại lên tỉnh ròng rã một năm trời mới trả lại hai chữ anh hùng trên bia mộ liệt sĩ Trần Văn Phương. Chuyện nghe như đùa mà có thật, một sự thật đắng ngắt.

Một sự thật khác cũng đắng không kém, đấy là câu chuyện người anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh, người lính đầu tiên ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới phía Bắc, ngày 25/8/1978. Khi đó hàng nghìn bài báo, bài thơ và bài hát đã viết về anh. Thế nhưng kể từ 1990, tất cả bỗng chìm vào lãng quên. Chỉ hai năm gần đây mới có đôi bài báo nhắc đến người anh hùng ấy một cách rất dè dặt. Và Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh - bài hát nổi tiếng một thời, lời ca yêu nước hào hùng của những người lính và tuổi trẻ nhiều thế hệ, cũng bỗng biến mất tăm không dấu vết.

Cách đây hai năm, tháng 7/2010, tại Khánh Khê (Lạng Sơn), nhà báo Đỗ Hùng đã phát hiện tấm bia ghi chiến công của bộ đội ta tại cuộc chiến tranh biên giới 1979: “Nơi đây Sư đoàn 33 đã đánh bại và chặn đứng quân Trung Quốc xâm lược”, bốn chữ “Trung Quốc xâm lược” đã bị đục bỏ (ảnh). Sự đục bỏ lịch sử trắng trợn và thảm hại đó khiến dân chúng choáng váng và đau đớn.

Từ những sự thật đắng cay và đau đớn kể trên buộc ta phải đặt câu hỏi: Liệu trên khắp sáu tỉnh biên giới phía Bắc còn bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ bị bỏ quên như nghĩa trang Sơn Hà - Quảng Ngãi (*)? Bao nhiêu anh hùng liệt sĩ bị đục bỏ hai chữ anh hùng, liệt sĩ như mộ của Trần Văn Phương? Bao nhiêu tấm gương anh dũng hy sinh chống quân xâm lược như Lê Đình Chinh từng đi vào sử sách đã bị nhanh chóng lãng quên? Và nói như nhà thơ Thanh Thảo, có bao nhiêu “Liệt sĩ đã ngậm cười nơi chín suối bao nhiêu năm, song vẫn chưa chính thức nhận được danh xưng “Liệt sĩ”?”.

Bất luận vì lý do gì, sự lãng quên các anh hùng liệt sĩ là bất nghĩa và vô ơn. Còn như lãng quên, lãng tránh hay đục bỏ lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc là một tội ác. Khi Biển Đông đang dậy sóng, nhà cầm quyền Trung Quốc đang ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông, thì đó là sự lãng quên cực kỳ nguy hiểm.

………

* Nhà báo Mai Thanh Hải đã phát hiện hai nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) bị bỏ quên. Đó là NTLS phường Duyên Hải, TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai và NTLS xã Lệ Mỹ, H.Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Qua những bức ảnh anh ghi lại, người ta thấy sự hoang tàn, lạnh lẽo. Thậm chí cái ổ khóa cửa vào nghĩa trang đã hoen rỉ.

Nguyễn Quang Lập