NTLS huyện Đức Huệ (Long An) cách không xa căn cứ Ba Thu (trên đất bạn) nổi tiếng trong chiến tranh. Trong số hơn 2.000 ngôi mộ nơi đây, có gần 1.500 là “vô danh”. Vào cuối thập niên 1970, việc quy tập hài cốt liệt sĩ bắt đầu được tiến hành. Đối với những hài cốt không rõ xuất xứ, những người có trách nhiệm ở đậy lúc ấy đã không ghi “liệt sĩ vô danh” theo thói quen. Ai đó đã nghĩ ra cách ghi rất độc đáo trên mộ bia: “Tên đồng chí gắn liền chiến công quê hương Trung Dũng”. Vào năm 2009, tại NTLS Đức Huệ đã diễn ra một câu chuyện cảm động: Nhờ sự chung sức của cộng đồng, có 7 liệt sĩ thuộc diện “Tên đồng chí đã gắn liền quê hương Trung Dũng” đã được trả lại đúng tên bằng phương pháp xét nghiệm ADN. Họ là những cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 271 – Sư đoàn 5 hy sinh ngày 16.4.1973. Cũng tại NTLS huyện Đức Huệ, có một ngôi mộ lớn của hơn 100 liệt sĩ hy sinh trong trận công đồn đêm 20.4.1968. Mãi đến năm 2000, ngôi mộ tập thể của hơn 100 liệt sĩ mới được tìm thấy và các anh không còn tên riêng nữa!
NTLS Vĩnh Hưng (Long An) là nghĩa trang vùng biên đúng nghĩa, khi chỉ cách biên giới vài cây số. Trong số hơn 3.000 mộ liệt sĩ trong nghĩa trang, có trên 2.000 liệt sĩ “Chưa biết tên”. Trước đây, trên các bia mộ cũng ghi “Liệt sĩ vô danh”, nhưng trong đợt chỉnh trang gần đây, mộ bia được làm mới, không còn chữ “vô danh”, mà thay bằng “Chưa biết tên” hoặc để trống. Ở nơi trang trọng gần tượng đài trong NTLS Vĩnh Hưng có một ngôi mộ lớn của 120 liệt sĩ thuộc C30 và Tiểu đoàn 28 – Sư đoàn 9. Các anh đều có tên tuổi, quê hương, nhưng bây giờ không còn tên riêng nữa!
Bây giờ, dù đã nghỉ hưu, nhưng thỉnh thoảng người cựu chiến binh Huỳnh Văn Đậm (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An) lại cùng các đồng đội đi xe đò vượt 350 cây số đến viếng NTLS thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Vào nghĩa trang, họ đi thẳng đến khu vực mộ liệt sĩ trên mộ bia đều ghi: “Tên anh chị đã gắn liền trong lịch sử”. Ông Đậm rất thú vị với cách ghi mộ “Liệt sĩ vô danh” theo cách này. Cuối năm 1978, ông Đậm và các đồng đội đã “quyết tử” tràn qua sông Giang Thành đánh bọn PolPot, giải phóng thị xã Hà Tiên. Hai người đồng đội thân thiết của ông Đậm đã ngã xuống trên bờ sông. Giữa mịt mù đạn pháo, ông Đậm chỉ kịp gói xác các đồng đội trong tấm ny lon, để nằm bên đôi dép và trái lựu đạn, rồi tiếp tục đánh địch. Thị xã Hà Tiên được giải phóng, ông quay lại bờ sông thì nước lớn đã ngập lênh láng, thi thể các đồng đội đã trôi mất. Sau này, ông Đậm nghe kể, những ngày ấy bà con ở làng chài nơi cửa sông Giang Thành có vớt mấy xác bộ đội và chôn trên bờ sông.
Mấy chục năm qua, người dân địa phương và các cơ quan chức năng Hà Tiên đã nỗ lực quy tập hàng ngàn hài cốt liệt sĩ ở hai bên biên giới để đưa vào NTLS. Những liệt sĩ không tìm được danh tính, trên mộ bia ghi cùng một “tên”: “Tên anh chị gắn liền trong lịch sử”. Bây giờ thỉnh thoảng trở lại thăm Hà Tiên, ghé vào NTLS, đến những ngôi mộ “Tên anh chị gắn liền trong lịch sử”, ông Đậm như được sống bên cạnh những đồng đội thân thiết năm nào.