Bà con tại đây cho biết trận lũ lụt sau cơn bão số 2 hồi tháng 8, UBND huyện Kỳ Anh phân bổ về hai đợt gạo cứu trợ. Đợt đầu, vào khoảng 15/8, Kỳ Thọ được nhận 1,5 tấn chia cho những người bị thiệt hại vì lũ mỗi nhân khẩu 390 gram (chưa đến 4 lạng).
Với lượng gạo này, mỗi người chỉ đủ nấu cháo trong hai bận. Sau một tuần, xã được nhận một tấn gạo cứu trợ đợt hai. Số gạo này xã không chia cho dân mà đem bán. Một người trung niên đang dọn cây đổ trong vườn khẳng định: “Hôm đó xã bán một tấn, nhà tôi cũng mua được 1 bao 50 kg...”.
Phóng viên đóng vai một ông chủ thầu đang làm đường trên Kỳ Tây đi mua gạo về cho công nhân làm đường ăn để hỏi tiếp thông tin.
Tiếp xúc với một phụ nữ làm nghề kinh doanh gạo nhà ở cạnh nghĩa trang liệt sỹ huyện Kỳ Anh, chị cho biết: “Nghe tin xã bán gạo cứu tế, tôi tức tốc đến với ý định mua cả tấn về bán lẻ kiếm đồng lời. Xuống gặp cán bộ ở UBND xã, họ phát giá bán trọn gói 1 tấn được 5 triệu đồng. Tôi trả giá 4,8 triệu đồng... Chồng tôi quyết định sẽ đến lấy cả tấn. Rất tiếc khi chúng tôi đến thì nhiều người đã mua hết gần 1/3. Chỉ còn lại khoảng 7 tạ, vợ chồng tôi mua luôn...”.
Ông Phạm Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thọ, thừa nhận: "Lãnh đạo xã có bán một tấn gạo cứu tế của huyện chia về nhưng vẫn cất tiền ở đó để rồi khi ai đói, cần thiết thì xã phát tiền cho dân để họ đong gạo tiện hơn vì giá cả thị trường không chênh nhau bao nhiêu. Nếu để gạo lâu sợ mốc. Tại thời điểm ấy người dân Kỳ Thọ không còn ai khó khăn nữa".
Khi được hỏi người dân đang đói, chính quyền không chia nốt cho những người có hoàn cảnh khó khăn mà lại đem bán, ông Bí thư Đảng ủy lại “chối quanh” cho rằng số gạo ấy trên chia về cho xã là để làm việc khác, ví dụ như trả công cho người làm đường.
(Theo Tiền Phong)