Trời đổ mưa bất chợt, hai người phụ nữ vội vã lao ra sân thu sào lạc đang phơi dở nắng. Tấm lưng còng của bà mẹ già như càng oằn xuống dưới làn mưa mỏng. Ngôi nhà trên đỉnh ngọn đồi nằm giữa thôn Hoàng Mai 2, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có 2 người đàn bà khắc khổ, một già, một trung niên nương tựa vào nhau, cùng nuôi dạy những đứa con của khôn lớn, tiếp bước người cha anh hùng.
Hai người phụ nữ và dấu ấn đau buồn
Con đường đến thôn Hoàng Mai 2 chạy ven bờ sông, lắt léo. Đường đất đỏ dính mưa khiến từng đoạn ướt nhẹp, trơn trượt. Cả khoảng sân rộng trước ngôi nhà của gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Tiền chứa đầy lạc. Chị Nguyễn Thị Hạnh ôm đứa cháu mới được tuổi rưỡi mặt lấm lem. Chị Hạnh sai thằng cháu: “Vào gọi cụ ra có khách”.
Bà cụ Nguyễn Thị Hiên, mẹ anh Tiền vừa nghỉ trưa. Tôi bảo chị cứ để cụ nghỉ nhưng chị bảo: “Cụ đã ăn cơm đâu. Cụ vừa nhặt lạc xong, mệt quá nên đi nằm đấy!”. Thằng bé lẫm chẫm nghe lời bà, chạy vào buồng gọi cụ. Bà cụ Hiên bước ra tiếp khách, tấm lưng còng gập. Cụ than vãn: “Dạo này đau lưng quá. Xương cốt nó cứ buồn bực”. Cô con dâu ngồi bên cạnh giải thích: “Mấy hôm nay cụ đỡ hơn rồi. Cụ vừa nằm trên giường cả tháng vì đau xương đấy”. Đau thế mà thấy con dâu vất vả, cụ lại lọ mọ giúp con nhặt lạc đến quá trưa, mâm cơm để nguội ngắt. Hai người phụ nữ, một già một trẻ ấy trông khắc khổ, già đi trước tuổi. Sự vất vả, nhọc nhằn như hiện rõ trên nét mặt và mái tóc loăn xoăn của chị Hạnh.
|
Bà Nguyễn Thị Hiên và chị Nguyễn Thị Hạnh (mẹ và vợ liệt sỹ Nguyễn Văn Tiền) hạnh phúc bên cháu trai. |
Người ta bảo, 99% người phụ nữ tóc xoăn tự nhiên là khổ, chẳng rõ có đúng không? Chồng làm cái nghề đi liên miên, chẳng giúp gia đình được việc gì. Không có người đàn ông trong nhà, việc nhà rồi cả một mẫu ruộng đều một tay chị thu vén. Thế nên mọi công việc từ nhẹ đến nặng, chị làm tất. 29 tuổi, chồng chị hy sinh khi đứa con nhỏ đang là một mầm sống trong bụng, đứa lớn mới học xong lớp 2. Một mình ở vậy nuôi con nhỏ, cùng bố mẹ chồng lo cho 7 cô em gái, cuộc đời của chị dành hết cho những đứa con và làm tròn bổn phận của người dâu cả.
Bà cụ Hiên cứ nhìn hướng vào chị Hạnh rồi luôn miệng nhắc: “Tội bà ấy!”. Cụ kể lại dấu ấn không thể quên vào một ngày trong năm 1990 khi đứa con trai độc nhất hy sinh. “Hôm đó tôi đi trông đứa cháu ở làng bên cạnh. Tự nhiên thấy thằng con rể chạy đến gọi: “Bà ơi, bà về ông bảo gì ý”. Tôi như linh tính có điều gì xảy ra, vội vàng đi về. Vào đến sân đã thấy người quen, người lạ đứng lố nhố trong nhà. Tôi bước lên bậc gạch đến 3 lần mà không được. Chân cứ líu ríu vào nhau. Rồi biết tin thằng Tiền mất, cứ thế mỗi mẹ con (bà Hiên và chị Hạnh) một giường”. Khi đồng đội đến nhà báo tin chồng mất, chị Hạnh vẫn đang cày ruộng trước nhà. Mang nguyên cả bộ quần áo lấm lem vào nhà, bàng hoàng nghe tin dữ rồi chị như bất động trên giường…
Thời điểm cuối những năm 1980, đầu 1990 bãi vàng Na Rì là điểm nóng về hoạt động của tội phạm. Lực lượng Công an tỉnh Bắc Thái lúc đó phải liên tục tập trung lực lượng đấu tranh ổn định tình hình an ninh. Trong một đợt truy quét trấn áp tội phạm năm 1990, bị lực lượng Công an tấn công quyết liệt, đối tượng tội phạm trong bãi vàng manh động dùng súng bắn trả. Đồng chí Nguyễn Văn Tiền đã anh dũng hy sinh! Bao nhiêu dự định dở dang, ngôi nhà mái ngói đã xuống cấp nghiêm trọng chưa có dịp tu sửa, mong ước dạy môn võ cổ truyền cho cậu con trai đành để lại…
Theo bước chân người cha anh hùng
Tôi gặp Nguyễn Văn Hải khi anh đang thực tập tại Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội - đơn vị cũ của cha anh, liệt sỹ Nguyễn Văn Tiền. “Em còn nhớ lắm. Hôm đó là ngày 15 hay 16/8, em đến trường chuẩn bị khai giảng năm học mới vào lớp 3. Bác em làm ở trạm xá xã đi xe đạp đón em về. Về nhà thấy đông người lắm, ai cũng khóc. Tối hôm đó các bác ở Công an tỉnh đón mẹ con em lên tỉnh. Hôm sau làm lễ truy điệu bố em tại trụ sở Công an tỉnh rồi mới đưa bố em về nhà” - Hải kể lại.
Ký ức của đứa con về hình bóng của người cha quả cảm vẫn còn nguyên vẹn: “Bố em rất giỏi môn vật cổ truyền. Em được nghe ông bà kể lại, có năm, xóm Cúng, xã Đào Xá (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) tổ chức hội, bố tham gia thi đấu vật, phát hiện có đối tượng ném mìn, bố đã ném mìn đi chỗ khác rồi khống chế đối tượng”. Hải thích nhất là được bố đưa lên tỉnh chơi, vào cơ quan của bố. Nhìn thấy bố và các chú, các bác Công an mặc quân phục, cậu đã ước ao sau này được trở thành một chiến sỹ Công an như bố.
|
Nguyễn Văn Hải đang phấn đấu để xứng đáng với người cha liệt sỹ. |
Trong tâm trí của đứa con, liệt sỹ Nguyễn Văn Tiền là một chiến sỹ Công an quả cảm, được mọi người quý mến. Hải tâm niệm: “Bố mất, em biết là không gì bù đắp nổi, phải cố gắng học hành. Bố là tấm gương để chúng em phấn đấu, thường xuyên tu dưỡng rèn luyện”. Công việc của người chiến sỹ Công an vất vả và nguy hiểm khác hẳn trong trí tưởng tượng của trẻ con. Nhưng công việc đó là niềm tự hào của Hải.
Học cấp 3 xong, Hải đăng ký thi vào ngành Công an. Sau 2 năm được huấn luyện ở Trường Cảnh sát Đặc nhiệm, Hải về Phòng bảo vệ Công an tỉnh. Năm 2004 cậu thi đỗ vào trường Trung học Cảnh sát nhân dân 1. Năm 2006 ra trường, Hải nhận công tác tại Đội Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Phú Bình. Công tác tại đây được 3 năm, Hải tiếp tục thi và học chuyên tu tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Sắp tốt nghiệp, Hải trở về đơn vị bố thực tập. Ở đó em cảm thấy gần gũi và được các bác là đồng đội của bố năm xưa dìu dắt. Dù bước chân vào ngành chưa lâu nhưng Hải cũng đã có thành tích được ghi nhận. Năm 2009, trong đợt tấn công trấn áp tội phạm, bắt 4 đối tượng truy nã, vượt chỉ tiêu, Nguyễn Văn Hải được nhận giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh. Cậu em trai thứ hai của Hải hiện cũng đang công tác tại Đội An ninh, Công an Thành phố Thái Nguyên.
Nhìn Hải, tôi nhận thấy sự chững chạc hơn so với tuổi. Cậu tâm sự về gia đình, trách nhiệm đối với em, với mẹ, gia đình và với cả người cha đáng kính. Tâm sự về những đứa con của mình, mẹ Hải tỏ vẻ hài lòng. Chị tâm sự: “Các cháu có công việc ổn định, lại được theo nghề của bố là tôi mãn nguyện rồi. Vào ngày lễ, hay những dịp kỷ niệm, các chú các bác Công an ở Thái Nguyên và cả Hà Nội cũng về thăm mẹ con, bà cháu tôi”.
Ngày đồng chí Nguyễn Văn Tiền mất, gia đình gặp nhiều khó khăn, có lúc gia đình phải ăn sắn thay cơm. Nhưng bên cạnh gia đình luôn có đồng đội của anh Tiền động viên, giúp đỡ. Ngôi nhà tình nghĩa của Bộ Công an được dựng lên sát nếp nhà cũ đã giúp gia đình anh có điều kiện ở tốt hơn. Sự tri ân của những người đồng đội giúp gia đình anh cảm thấy ấm áp và vợi bớt nỗi mất mát tưởng như không gì so được.
Kỷ vật duy nhất còn lại của liệt sỹ Nguyễn Văn Tiền là chiếc đồng hồ SK anh đeo trong lúc hy sinh. Thỉnh thoảng, những đứa con của anh vẫn lấy ra đeo để nhớ đến hơi ấm của cha. Hải tiết lộ: “Cái đồng hồ vẫn chạy chị ạ. Kỳ lạ thế!”. Trên bàn thờ, tấm ảnh liệt sỹ Nguyễn Văn Tiền treo trang trọng như vẫn dõi theo những người thân yêu của mình hàng ngày, hàng giờ. Dường như anh luôn ở bên mẹ và vợ của mình, động viên để họ có thêm sức mạnh nuôi những đứa con, đứa cháu ngoan ngoãn, trưởng thành. Những đứa con ấy đã sống bằng tình yêu thương của bà, của mẹ và sự kính trọng, tự hào về người cha anh hùng. Họ đã tiếp bước người cha, nối tiếp tinh thần quả cảm, kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, quên mình vì cuộc sống bình yên cho nhân dân