Đăng ngày 11-07-2012 trong chuyên mục Tin tức

Hai anh hùng liệt sỹ nằm lặng lẽ bên di tích lịch sử Truông Bồn

Theo người dân địa phương thì mộ AHLS Hoàng Kim Giao và LS Lương Văn Tín là những phần thi thể nhỏ bé, ngày đó người ta còn nhặt được, đem chia đôi bỏ vào hai quan tài. Phần lớn thi thể các anh tan vào khói bụi. Nơi các anh hy sinh, bây giờ đã được gia đình và người dân địa phương góp sức xây cất mộ phần nhưng chưa xứng với tầm vóc các anh.

Cách khu Trung tâm Di tích lịch sử Truông Bồn gần 1.000m về phía Nam, bên đường 15A thuộc địa phận xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, Nghệ An có hai phần mộ liệt sỹ, trong đó có một người Anh hùng mà tên tuổi gắn liền với chiến công của Viện Điện tử - Viễn thông, Bộ Quốc phòng về đề tài: Giải pháp KHCN công trình nghiên cứu, ứng dụng phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, đảm bảo giao thông năm 1967- 1972. Công trình được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996. Đó là mộ phần của Anh hùng liệt sỹ (AHLS) Hoàng Kim Giao và liệt sỹ (LS) Lương Văn Tín cùng hy sinh lúc 8h30 ngày 30/12/1968 trong khi phá bom từ trường.

Chân dung người anh hùng

Phim tài liệu “Để lại mùa xuân” điện ảnh QĐND, các tác phẩm: “Sống yêu thương và dâng hiến”, “Những bức thư tình thời chiến” - Nhà xuất bản QĐND; “Hoàng Kim Giao chân dung một cuộc đời”- Nhà xuất bản Lao Động... tập hợp những những bức thư của Hoàng Kim Giao, những bài viết, lời kể, tư liệu từ những nhân chứng lịch sử... đã khắc họa nên chân dung AHLS Hoàng Kim Giao với sự trân trọng, thành kính.

Anh sinh năm 1942 tại Đồ Sơn - Hải Phòng, là con trai cả của một gia đình 8 người con. Bố mẹ anh là cán bộ kháng chiến. Năm 1953 anh được Đảng, Bác Hồ đưa vào học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam ở Lư Sơn - Quế Lâm - Trung Quốc. Năm 1958 anh về nước và học tại Trường Bonnal Ngô Quyền, nay là Trường THPT Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Năm 1960 nhập ngũ và là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 1 thiếu sinh quân. Tiếp đó anh được quân đội gửi sang học chuyên ngành vật lý chất rắn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp khóa học, anh được về công tác tại xưởng quân giới, phụ trách kỹ thuật ra đa. Tiếp đó anh được quân đội cho học và tốt nghiệp chuyên ngành vô tuyến điện, Trường ĐH Bách khoa.

Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng lan rộng nhưng không ngăn cản được sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Từ năm 1967, đế quốc Mỹ đã sử dụng mọi thủ đoạn khoa học kỹ thuật, chế tạo nên các loại bom mà chúng rêu rao là “bom nổ theo cơ chế chấn động âm thanh không theo quy luật” như: “bom tinh khôn”, “kẻ hủy diệt”, “kẻ bí ẩn”... đã gây cho chúng ta nhiều tổn thất, tuyến đường Trường Sơn, con đường huyết mạch chi viện cho tiền tuyến nhiều nơi bị tắc nghẽn.

Giải mã vấn đề này rất cấp bách. Từ ngòi nổ quả bom được gửi về, Thiếu úy kỹ sư Hoàng Kim Giao và nhóm nghiên cứu Cục Nghiên cứu, Tổng cục Hậu cần QĐND Việt Nam đã tìm ra nguyên lý gây nổ, làm thực nghiệm thành công trên 3 quả bom lạ trên cánh đồng Thổ Khôi, Gia Lâm, Hà Nội. Tiếp đó là nghiên cứu mạch điện ngòi nổ bom MK42.

Đầu năm 1968, nhóm nghiên cứu đã vẽ được sơ đồ mạch điện, tạo tín hiệu gây nổ và đo đếm các thông số kỹ thuật. Từ kết quả nghiên cứu này, các nhóm nghiên cứu của đơn vị cùng phối hợp định ra cách rà phá bom và áp dụng rộng rãi trên chiến trường…

Không chỉ cùng nhóm nghiên cứu đọ sức với kẻ thù bằng trí tuệ KHKT, Hoàng Kim Giao còn được giao trách nhiệm trực tiếp chỉ huy một bộ phận của nhóm, trong đó có chiến sỹ điều khiển xe phóng từ Lương Văn Tín vào khu 4 thực nghiệm kết quả nghiên cứu phá bom và huấn luyện cho TNXP, dân quân các địa phương cách rà phá bom từ trường, thủy lôi góp phần to lớn cho giao thông thông suốt.

Suốt thời gian dài, anh cùng đồng đội đã phá thành công hàng trăm quả bom cả trên cạn và dưới nước ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Nhưng ngày 30/12/1968, là người chỉ huy, anh giành lấy công việc của chiến sỹ Phạm Văn Cư để tự mình phá một quả bom cắm quá sâu xuống lòng đất với lý do: vợ chiến sỹ Cư vừa sinh con trai, anh muốn chiến sỹ của mình vẹn nguyên trở về. Quả bom bất ngờ phát nổ khi anh đang moi đất nhằm kéo cổ nó lên, thi thể anh và chiến sỹ lái xe phóng từ Lương Văn Tín, tự nguyện cùng anh tham gia phá bom, đã cùng tan vào bụi đất.

Phần mộ AHLS Hoàng Kim Giao và LS Lương Văn Tín do gia đình và người dân xã Nam Hưng xây dựng đúng nơi các anh hy sinh.

Năm 1996, công trình nghiên cứu chống phá thủy lôi và bom từ trường có sự đóng góp to lớn của anh được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Năm 2009, LS Hoàng Kim Giao được phong tặng danh hiệu AHLLVT. Còn LS Lương Văn Tín, quê quán: An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình, những tư liệu về anh còn quá ít ỏi, nhưng sự hy sinh của anh bên cạnh Hoàng Kim Giao cũng xứng danh một người anh hùng.

Cần phải đưa phần mộ những người anh hùng vào quần thể di tích Truông Bồn

Theo người dân địa phương thì mộ AHLS Hoàng Kim Giao và LS Lương Văn Tín là những phần thi thể nhỏ bé, ngày đó người ta còn nhặt được, đem chia đôi bỏ vào hai quan tài. Phần lớn thi thể các anh tan vào khói bụi. Nơi các anh hy sinh, bây giờ đã được gia đình và người dân địa phương góp sức xây cất mộ phần nhưng chưa xứng với tầm vóc các anh. Hai năm lại đây, vào các ngày lễ, tết, Huyện ủy Nam Đàn đã dẫn đầu đoàn công tác của huyện thăm viếng, dâng hương hoa. Quanh mộ các anh là những hố bom còn sót lại.

Qua tìm hiểu được biết: Người dân xã Nam Hưng từ lâu đã ý thức được việc giữ lại vết tích chiến tranh quanh phần mộ của các anh, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nên đã không san lấp những hố bom kia.

Mới đây, huyện Nam Đàn đã có chỉ thị nghiêm cấm việc xâm hại khu chứng tích chiến tranh, quanh phần mộ AHLS Hoàng Kim Giao và LS Lương Văn Tín với niềm tin và hy vọng: Nơi đây sẽ trở thành một di tích lịch sử về người anh hùng của công trình nghiên cứu chống phá thủy lôi từ tính và bom từ trường được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, góp phần phá bom, thông đường cho xe ra tiền tuyến trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Cũng có ý kiến cho rằng: Đều là sự hy sinh anh hùng vì sự thông suốt của cùng một tuyến đường, phần mộ người anh hùng lại nằm kề cận, nên có thể đưa phần mộ này và những hố bom còn gần như vẹn nguyên quanh mộ người anh hùng vào quần thể di tích Truông Bồn, để phần mộ những người anh hùng bớt đi phần cô quạnh