1. “Ông định rước... ma về nhà à!”, bà xã đã trách ông như thế khi biết quyết định biến tư gia thành bảo tàng lưu giữ các kỷ vật của những chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Ông là Lâm Văn Bảng – Giám đốc Bảo tàng, nguyên Hạt trưởng hạt 5, QL1A.
Chẳng là năm 1985, khi sửa cầu Giẽ, đơn vị thi công phát hiện quả bom 500 bảng Anh dưới lòng sông. Sau khi được xử lý an toàn, ông Bảng mang bom về trưng bày tại cổng cơ quan và ghi lên đó dòng chữ “Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”. Ông không ngờ sự việc đã thu hút rất đông nhân dân địa phương, người qua đường vào tham quan. “Nhắc đến bom đạn, người ta nghĩ ngay đến chiến tranh tàn ác. Nhìn thấy quả bom, tôi đã khóc. Ký ức một thời đọa đày trong nhà tù đế quốc cứ dội về!” - ông Bảng bồi hồi nhớ.
|
Ông Bảng giới thiệu ý nghĩa của hiện vật |
Năm 1963, ông làm công nhân ở Đoạn quản lý QL Hà Đông, phụ trách tuyến đường 75 từ Vân Đình – Cầu Giẽ (thuộc Hà Tây cũ). Đến năm 1965, ông nhập ngũ tại đơn vị C16, E52, F320, rồi di chuyển vào chiến trường miền Đông Nam bộ. Trong trận đánh đợt 2 cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, ông đã bị thương nặng và nằm bất tỉnh dưới hố bom. Ông Bảng cho biết - “Ngày hôm sau tôi tỉnh dậy thì bị địch bắt vào trại giam Biên Hòa. Đến tháng 10/1970, tôi bị đưa tới nhà lao trên địa phận xã An Thới, Phú Quốc”. Kể từ đây, người chiến sỹ Lâm Văn Bảng cùng đồng đội phải chịu nhiều kiểu tra tấn như thời trung cổ. Bẻ răng đóng đinh vào đầu nhốt vào chuồng cọp rồi dội nước sôi, moi gan, dí điện vào mang tai..., những kiểu cực hình tàn bạo của bọn đế quốc đâu có làm nhụt tinh thần đấu tranh của những người cộng sản vốn dũng cảm, kiên trung.
Hồi tưởng lại những tháng ngày “sống không bằng chết” nơi “địa ngục trần gian”, nước mắt ông cứ ứa ra, chan chứa! Chúng tôi ngồi lặng im để cảm nhận được hết những xúc cảm về một thời bi tráng đang truyền tới từng đầu dây thần kinh. “Máu xương của đồng bào, đồng chí đổ xuống mảnh đất này để chúng ta sống trong hòa bình, ấm no. Vì vậy, họ là một phần trong máu thịt tôi và các bạn. Đâu phải là ma, họ là anh hùng!”, ông Bảng quả quyết.
2. Trở về sau Hiệp định Paris với những vết thương khắp người, ông được cử đi học Trường Trung cấp Kỹ thuật cầu đường rồi về làm Hạt trưởng hạt 5, QL1A. Mặc dù công việc “bám” đường rất vất vả, đồng lương eo hẹp nhưng ông vẫn tâm nguyện cao cả, nhân văn này. Những trăn trở của người thương binh 1/4 nặng lòng với đồng đội đã dần nhận được sự đồng cảm của bà xã. Vậy là mỗi khi sinh hoạt Ban liên lạc tù binh Việt Nam thời kỳ chống Mỹ, ông Bảng lại chia sẻ ý tưởng với mọi người. Thậm chí nghe phong thanh ai đó đang giữ kỷ vật chiến tranh là ông lại lên đường tìm đến với mục đích xin về tập kết tại nhà.
|
|
Nhớ lại chuyến đi lên vùng Yên Thế, Bắc Giang tìm lại bạn tù Lê Văn Phong – người cất giữ tập tài liệu giảng dạy chính trị, ông xúc động: “Hôm đó là trưa tháng 5, trời nắng gắt, tôi phải đi bộ hơn 10km đường rừng mới vào được nhà ông Phong. Mình chỉ mang theo chai nước và ít lương khô, đến nhà gặp gia đình bạn đang ăn cơm với rau muống luộc chấm muối trắng. Chúng tôi òa lên khóc rồi ôm chầm lấy nhau.
Sau lần ấy, ông quyết tâm đi nhiều hơn, vừa để thăm đồng đội, vừa sưu tầm những hiện vật thời chiến. Một kỷ niệm khác được ông chia sẻ, phải mất hơn 10 ngày chủ nhật đạp xe ròng rã về xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai để thuyết phục gia đình người đồng đội cũ Nguyễn Văn Dư trao Lá cờ Đảng để đưa vào bảo tàng. “Trong nhà tù Phú Quốc, lá cờ Đảng dùng để kết nạp đảng viên, truy điệu những đồng chí hy sinh. Vì vậy đây là sự kết tinh của linh hồn rất nhiều đồng đội. Sau rất nhiều lần đến gặp và giải thích, gia đình anh Dư đã trao cho chúng tôi trong nước mắt”, ông Bảng cho biết.
Hiện tại, Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày đã thu thập được hơn 3.000 hiện vật có giá trị. Những chuồng cọp giam cầm, lá cờ Đảng vẽ bằng máu của tù binh..., tất cả là minh chứng tố cáo tội ác dã man của kẻ thù, đồng thời thể hiện tinh thần kiên trung bất khuất của người chiến sỹ cách mạng. Bước thấp, bước cao đến từng hiện vật trưng bày, ông chia sẻ: “Nhiều khách tham quan bảo tàng đã chia sẻ chỉ thực sự thấu hiểu nỗi đau khi đến đây. Tôi cảm thấy hạnh phúc về những hiện vật vì có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau. Tôi cùng các đồng chí khác sẽ tiếp tục sưu tầm hiện vật để bảo tàng phong phú hơn, chỉ sợ đôi chân không bước tiếp được nữa”.
Ngọc Khánh