Đăng ngày 26-07-2012 trong chuyên mục Tin tức

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện tốt hơn nữa công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong tình hình mới

Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng kiến lớp lớp thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi; với ý chí kiên cường, bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã không tiếc máu xương, công sức của cải để giữ gìn độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn. Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân ta đã viết nên những trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Để có được những chiến công vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ; những bậc ông bà, cha mẹ; những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi… tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”.

QĐND - Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng kiến lớp lớp thế hệ người Việt Nam với tinh thần yêu nước, thương nòi; với ý chí kiên cường, bất khuất và lòng thủy chung, nhân hậu đã không tiếc máu xương, công sức của cải để giữ gìn độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, xây đắp giang sơn. Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân ta đã viết nên những trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Để có được những chiến công vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sĩ; những bậc ông bà, cha mẹ; những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi… tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”.

Cán bộ Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) trao quân trang - quà của Bộ Quốc phòng tặng các thương binh, bệnh binh đang điều trị tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đức Dục

Để đời đời ghi nhớ và tôn vinh sự hy sinh, công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, đầu tháng 7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập Ban vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” và ngày 27-7 hằng năm đã được chọn là “Ngày Thương binh toàn quốc”; tháng 7-1955, được đổi tên là “Ngày Thương binh-Liệt sĩ”. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bày tỏ lòng biết ơn và tri ân công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước đã hy sinh xương máu và cống hiến tuổi xuân, sự sống của mình vì sự trường tồn của dân tộc.

Phát huy truyền thống tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là lực lượng đi đầu, nêu cao trách nhiệm trong thực hiện công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đề xuất với Đảng, Nhà nước kịp thời ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Chỉ tính từ năm 2005 đến nay, đã đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách ưu đãi Người có công; ban hành các văn bản giải quyết chính sách cho các đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Cam-pu-chia có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; chế độ hưu trí đối với quân nhân thuộc diện nêu trên có 20 năm trở lên phục vụ quân đội đã phục viên, xuất ngũ; chế độ, chính sách đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với quân nhân thôi phục vụ tại ngũ, sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần, sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng; các chế độ, chính sách đặc thù quân sự, chính sách động viên, thu hút với các lực lượng làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển đảo… Những kết quả đạt được trong thực hiện công tác chính sách của toàn quân đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, chấp nhận hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong giai đoạn mới của đất nước, kết quả của công tác chính sách quân đội và hậu phương quân đội đã góp phần thiết thực bảo đảm an sinh xã hội; củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng; góp phần xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ LLVT trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng với việc thực hiện công tác chính sách, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong toàn quân. Các đơn vị quân đội không chỉ là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện, mà còn chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” liên tục, sâu rộng, thiết thực với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, thể hiện sâu sắc trách nhiệm chính trị, nghĩa tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Đến nay, toàn quân đã tổ chức chăm sóc, phụng dưỡng hơn 1.400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu hơn 1000 con liệt sĩ; tiếp nhận và bố trí việc làm cho 140 con đẻ của thương binh, bệnh binh nặng đang điều trị tại các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh trên toàn quốc; vận động cán bộ, chiến sĩ và huy động nhiều nguồn lực đóng góp tiền cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 420 tỷ đồng; tặng hơn 24.000 sổ tiết kiệm; tặng quà, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, vườn cây, ao cá với tổng trị giá hơn 300 tỷ đồng; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 300.000 lượt người; giúp các đối tượng chính sách hơn 200.000 ngày công lao động… Đặc biệt, thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, toàn quân đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình toàn quân xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội gắn với phương châm xã hội hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Theo đó, chương trình đã nhận được sự ủng hộ tích cực tự giác, tự nguyện của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội và các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Trong 7 năm (2005-2011), toàn quân đã triển khai xây dựng được hơn 6.500 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội tặng các đối tượng chính sách, người có công, quân nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng trị giá hơn 220 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, toàn quân đã tự nguyện quyên góp, tặng quà các đối tượng chính sách với số tiền gần 10 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 250 nhà tình nghĩa, nhà đồng đội với tổng trị giá hơn 15 tỷ đồng…

Các phong trào, cuộc vận động “Đền ơn đáp nghĩa” do các đơn vị quân đội khởi xướng, tổ chức có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, thu hút được nhiều người tham gia, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tiêu biểu như Đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Thông qua thực hiện, hàng nghìn hộ đồng bào nghèo ở địa bàn biên giới, hải đảo, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách đã có nhà ở ổn định; nhiều công trình dân sinh như xây cầu, làm đường, xây trường học, bệnh xá quân dân y kết hợp được triển khai thực hiện và đưa vào sử dụng, góp phần rất quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nhiều địa phương; đẩy nhanh mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới; tạo môi trường thuận lợi để đất nước phát triển… Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đặc biệt là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào và Cam-pu-chia đã đạt được những kết quả rất thiết thực. Toàn quân đã tìm kiếm, quy tập được 581.390 hài cốt liệt sĩ (trong đó ở Lào là 32.452; ở Cam-pu-chia là 49.928; ở Nga là 6 và trong nước là 499.004 hài cốt liệt sĩ). Có gần 117.200 hài cốt liệt sĩ xác định được danh tính…

Trong những năm tới, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước tiếp tục phát triển với nhiều thuận lợi, song cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức mới. Để tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, với trách nhiệm và tình cảm thiêng liêng, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng sau đây:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 523/CT-QUTW, ngày 2-12-2011 của Quân ủy Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2011-2015. Cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện tốt công tác chính sách nói chung, công tác thương binh, liệt sĩ, hậu phương quân đội nói riêng; qua đó thấy rõ giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác chính sách, công tác thương binh, liệt sĩ, hậu phương quân đội và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà là đạo lý của mỗi cán bộ, chiến sĩ toàn quân đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, trên cơ sở đó tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới.

Hai là, bám sát thực tiễn, tình hình của đất nước, quân đội, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, ưu đãi người có công; chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với tiến trình cải cách chính sách xã hội của Nhà nước và đặc điểm của quân đội là “ngành lao động đặc biệt”. Hướng nghiên cứu, đề xuất cần ưu tiên, bổ sung chế độ, chính sách đối với các đối tượng làm nhiệm vụ đặc thù, nhiệm vụ mới, cán bộ, nhân viên đang công tác ở những địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo; chính sách tinh giản biên chế, thu hút, khuyến khích người tài, có nhiều cống hiến, cán bộ khoa học, đội ngũ thợ lành nghề và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trong quân đội. Đặc biệt, cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số chính sách thời gian qua, phổ biến, nhân rộng cách làm hay, ý tưởng sáng tạo, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện các chế độ, chính sách.

Ba là, tiếp tục phát động phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" sâu rộng trong toàn quân, cùng toàn dân chăm sóc người có công với nước, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu", làm cho mỗi gia đình người có công "yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội", như Bác Hồ đã căn dặn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi đóng quân thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với nước và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi, không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách; tích cực tham gia và làm tốt hơn công tác tu bổ, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính liệt sĩ theo đề án được Bộ Chính trị thông qua; thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng, đưa về quê hương.

Năm là, quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho những người có công và con em của các đối tượng chính sách, giúp đỡ thiết thực và có hiệu quả các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Triển khai đồng bộ các biện pháp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 97/CT-BQP ngày 18-7-2011 của Bộ Quốc phòng về việc giải quyết việc làm cho con đẻ thương binh, bệnh binh ở các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh trên cả nước.

Công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là những hoạt động thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hiếu nghĩa bác ái của dân tộc Việt Nam. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác chính sách và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong tình hình mới. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần nêu cao trách nhiệm, cùng với toàn dân tổ chức phong phú, sâu rộng các hành động thiết thực, hiệu quả, có giá trị nhân văn sâu sắc, tôn vinh và tri ân công ơn to lớn đối với các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người có công với nước đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng NGÔ XUÂN LỊCH, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị