| “Gặp gỡ” sau hơn 40 năm
Chiều tối 29-1, sau khi xác định một cách cẩn thận các vị trí khả nghi có hài cốt liệt sĩ, đoàn tìm kiếm bắt đầu khai quật, đào 3 hố trong rừng cao su. Bầu trời đầu hôm cuối tháng không trăng, chỉ lờ mờ những ánh sao. Chị Phan Thị Thuộc, quyền Chủ tịch công đoàn NHCSXH Việt Nam, nói như thể với chính mình: “10 ngày nữa là tết rồi. Mong sao tìm được các anh để đón về quê sum họp với gia đình”.
Đêm mùa này ở miền Đông se lạnh nhưng không khí quanh các vị trí khai quật vẫn nóng hừng hực. Ngoài các thành viên đội khai quật còn có khá đông người dân địa phương đến xem, đứng vây quanh các hố khai quật. Từng lớp đất được cẩn thận bốc lên. Gần 19 giờ, tại hố khai quật đầu tiên, một thành viên đội khai quật chợt reo lên: “Đây rồi, dép cao su!”. Dưới lớp đất bazan đỏ thẩm, một đôi dép cao su của bộ đội giải phóng lộ ra. Không khí xung quanh hố khai quật nín lặng như muốn ngạt thở. Mọi người chăm chú quan sát từng động tác của đội khai quật và từng thớ đất được bới lên.
Vài phút sau, dưới hố lộ thêm 3 chiếc bình tông nước bằng nhôm trắng. Sau khi từng chiếc bình tông được gỡ mang lên, dưới nền đất đỏ xuất hiện những thớ đất màu xám. Bằng kinh nghiệm của mình, các thành viên đội khai quật biết rõ đã chạm đến hài cốt của các liệt sĩ. Do đây là hố chôn tập thể, các bộ hài cốt nằm chất chồng lên nhau nên các thành viên đội tìm kiếm hài cốt phải hết sức cẩn thận để xương của liệt sĩ không lẫn vào nhau. Khi bốc đến bộ hài cốt thứ hai, các thành viên trong đội tìm kiếm phát hiện có một đầu đạn đại liên 12,7mm nằm nơi ngực trái của liệt sĩ.
Ngoài ra, tại hố khai quật này còn có thêm một đầu đạn AR15, một số mảnh đạn pháo cùng hai huy chương Quyết thắng đề năm 1968.
Mân mê chiếc bình tông có khắc dòng chữ PH.C.Thành, chị Phạm Thị Hòa, em gái liệt sĩ Phạm Công Thành (thôn Tu Lễ, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nói trong nước mắt: “Hơn 40 năm kể từ khi đất nước thống nhất, gia đình chúng tôi đã đi tìm anh ấy khắp Nam bộ, Tây Nguyên nhưng không ngờ hôm nay gặp được ở đây, thật hạnh phúc biết bao”.
Đến hơn 22 giờ cùng ngày, cả 3 hố khai quật đều phát hiện được hài cốt. Tổng cộng có 15 bộ hài cốt cùng nhiều kỷ vật của bộ đội giải phóng như dép cao su, bình tông đựng nước, sao vàng, huy chương quyết thắng… Trong số các di vật có 4 bình tông nước khắc tên và quê quán của chủ nhân như PH.C.Thành (Hà Tây), Nguyễn Hà (TN), Đặng V.Thảo (Hải Dương), TH.V.Luyến (E2, F9). Công việc tìm kiếm và cất bốc hài cốt đến đây gần như hoàn tất, nhưng cả đoàn không ai chợp mắt được.
Rưng rưng đón các anh về
Thiếu tướng Đỗ Công Mùi, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 3, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, có mặt tại hiện trường cho biết, đây có khả năng là các chiến sĩ bộ đội hy sinh khi tham gia trận đánh cắt đường tiến quân của địch trên QL13 vào An Lộc trong khoảng thời gian từ 1968 - 1972, khi quân và dân miền Đông Nam bộ đẩy mạnh tiến công địch để “chia lửa” với bộ đội ta ở chiến trường Tây Nguyên.
Ông Đặng Văn Hưng, em trai liệt sĩ Đặng Văn Thảo (sinh năm 1945, quê ở thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), bùi ngùi nhớ lại: “Nhà có 5 anh em. Anh Thảo là người thứ ba. Năm 1965, anh Thảo nhập ngũ và gia đình chúng tôi chỉ biết anh vào chiến trường miền Nam rồi mất liên lạc. Mãi đến năm 1972, gia đình tôi nhận được giấy báo tử cho biết anh đã hy sinh ở miền Nam vào năm 1968. Lúc hy sinh, anh Thảo chỉ mới 23 tuổi. Khi đi, anh ấy vẫn chưa có người yêu”.
Đúng 10 giờ sáng 30-1, tại vị trí khai quật, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ bàn giao và truy điệu hài cốt liệt sĩ vừa tìm được tại thị xã Bình Long. Ông Nguyễn Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, xúc động nói: “Để đất nước hòa bình độc lập hôm nay, biết bao chiến sĩ cách mạng đã anh dũng ngã xuống. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tự hào nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ. Trong những năm qua, cùng với công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống cho thương bệnh binh, gia đình chính sách, chúng ta cũng đặc biệt quan tâm đến công tác tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như thời gian đã làm thay đổi địa hình, gây khó khăn cho công tác tìm kiếm, các đồng đội và nhân chứng lịch sử “người còn, người mất” nên gây không ít khó khăn cho công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Vì vậy, vẫn còn những liệt sĩ phải nằm lại đâu đó trên các chiến trường xưa. Việc phát hiện hài cốt liệt sĩ trên địa bàn thị xã Bình Long do Công đoàn NHCSXH tổ chức đã góp phần vào công tác đền ơn đáp nghĩa và tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của địa phương”.
Sau lễ truy điệu, 3 liệt sĩ có tên tuổi và quê quán được thân nhân mang về quê thờ phụng, 12 liệt sĩ (trong đó có 1 liệt sĩ đã biết tên nhưng không có người thân đi cùng để mang hài cốt về và 11 liệt sĩ chưa xác định tên tuổi, quê quán) được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Phước.
|
|
Bà Phan Thị Thuộc, quyền Chủ tịch Công đoàn NHCSXH Việt Nam, cho biết, đây là lần thứ hai Công đoàn NHCSXH Việt Nam tổ chức tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ. Trước đó, vào ngày 30-12-2012, khi tổ chức khai quật tại xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk cũng phát hiện được 31 hài cốt liệt sĩ. | |
|
|
Ng.Việt - T.Nhất