Đăng ngày 10-02-2013 trong chuyên mục Tin tức

Bóng hồng trong cuốn nhật ký Trở về trong giấc mơ

Đọc nhật ký thời chiến "Trở về trong giấc mơ" của liệt sĩ Trần Minh Tiến, người đọc dễ dàng cảm nhận được cuộc đấu tranh nội tâm giằng xé của chàng trai trẻ khi phải đối diện giữa một bên là khát vọng tình yêu lứa đôi và bên kia là ý thức dâng hiến đời mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Trong cuốn nhật ký đầy xúc động này, người lính trẻ đã nhắc đến một người con gái có tên Lưu Liên, người được dành tặng một tình yêu rất sâu sắc.

Kỷ vật thiêng liên

Phải sau nhiều lần xác minh địa chỉ, tìm hỏi đường, chúng tôi mới đến được tận nơi bóng hồng năm nào của chiến sĩ trẻ Trần Minh Tiến đang sinh sống. Thiếu nữ Lưu Liên năm nào giờ đã 68 tuổi, tóc đã chạm hơi sương nhưng vẫn còn đó nét thanh tú mà thời gian không thể làm mất đi. Từ mái tóc, ánh mắt, nụ cười của bà đều toát lên vẻ đẹp thanh cao của một tiểu thư khuê các xuất thân trong một gia đình tư sản nức tiếng ở Hà Đông một thuở.

Bằng sự chân thành và giọng nói ấm áp, truyền cảm bà Lưu Liên đã dẫn dắt chúng tôi trở lại những câu chuyện xúc động xung quanh cuốn nhật ký thời chiến nổi tiếng này. Bóng hồng xưa hiện đã có một gia đình đầm ấm, con cháu đề huề và thành đạt. Chuyện tình đầy xúc động giữa bà với tác giả của cuốn nhật ký năm nào được nhiều người biết đến và tôn trọng, riêng bà xem mối tình này “là kỷ niệm đẹp không phai” về một thời tuổi trẻ "không thể nào quên".

Những kỷ vật thiêng liêng ghi dấu tình yêu một thời.

Bà Lưu Liên còn tiết lộ rằng, những trang chép bằng tay của liệt sĩ Trần Minh Tiến hiện luôn được bà lưu giữ cẩn thận. Bà Lưu Liên đã đưa cho chúng tôi xem bản gốc. Đó là một cuốn sổ tay được bọc cẩn thận. Lần giở ra xem, chúng tôi xúc động trước những nét chữ gọn gàng, được ghi chép cẩn thận của tác giả. Chúng tôi hiểu rằng, đây là những trang viết nghiêm túc, cẩn thận, chỉn chu, xuất phát từ đáy lòng nhằm truyền tải một thông điệp rất thiêng liêng tới người yêu. Trân trọng tình cảm của người đã khuất, cuốn nhật ký được bà Lưu Liên cất giữ rất cẩn thận. Qua nhiều năm tháng nhưng cuốn nhật ký gần như nguyên vẹn, nét chữ còn rõ ràng, sạch sẽ.

Bà cũng tâm sự rằng, để được tồn tại đến ngày nay và được xuất bản đến với người đọc, người bà mang ơn nhất chính là người chồng đáng kính của bà. Theo lời kể của bà Lưu Liên, vào thời điểm năm 1971, miền Bắc lũ lớn. Nước sông Hồng lên cao, nguy cơ vỡ đê đe dọa đến Hà Nội. Một phương án được đưa ra, sẵn sàng phá đê sông Hồng, đoạn Thạch Thất để cứu Hà Nội. Nhận được tin, thầy giáo Hùng - chồng của bà Lưu Liên liền về quê Quốc Oai để lấy đồ đạc chạy lũ. Căn nhà của hai người ở quê có nhiều đồ đạc, nhưng thầy giáo Hùng nhất quyết chỉ mang theo chiếc rương đựng kỉ vật của liệt sĩ Trần Minh Tiến.

Lúc đó, bà Lưu Liên thực sự bất ngờ và xúc động trước hành động của chồng mình, bà chia sẻ với chúng tôi: "Lúc đó tôi cố gặng hỏi chồng mình, sao anh không mang theo thứ khác. Chồng tôi trả lời, các thứ khác anh có thể làm và mua được, còn kỷ vật của anh Tiến nếu anh không mang lên cho em thì em sẽ hận anh cả đời". Nhắc đến đây, giọng bà Lưu Liên nghẹn lại vì xúc động, bà thổ lộ: "Sau lần đó, tôi càng yêu thương và kính trọng người chồng của mình nhiều hơn".

Để giải thích cho lý do vì sao bà Lưu Liên đã quyết định gửi xuất bản cuốn nhật ký của liệt sĩ Trần Minh Tiến, bà tâm sự, sở dĩ bà làm việc này vì hi vọng khi cuốn nhật ký sẽ đến được tay những đồng đội từng chiến đấu cùng với liệt sĩ Trần Minh Tiến. Nhờ đó mà bà Lưu Liên có điều kiện gặp được những đồng đội từng sát cánh chiến đấu với người yêu cũ năm nào. Mục đích chính là để bà có thể biết đích xác thông tin địa danh nơi tác giả đã hi sinh. Và từ đó, bà Lưu Liên có cơ hội hoàn thành tâm nguyện thực hiện được lời hứa với người yêu trước khi chia tay lên đường vào Nam chiến đấu.

Bà Lưu Liên chia sẻ, trước khi lên đường vào Nam, tác giả của cuốn nhật ký nhắc lại rằng: "Nếu sau này anh hi sinh, em hãy đi tìm mộ của anh. Và chỉ có em mới đưa được anh về với quê hương miền Bắc". Lời hẹn ước với người yêu trước lúc chia xa, nó đã trở thành nỗi trăn trở không dứt trong bà Lưu Liên đằng đẵng nhiều năm trời. Và chính bà đã quyết định xuất bản cuốn nhật ký này như một cách để có thể giúp bà đi tìm phần mộ của người yêu cũ.

Chân dung bà Vũ Thị Lưu Liên.

Chuyện tình thời chiến

Trong cuốn nhật ký, chiến sĩ trẻ Trần Minh Tiến đã ghi chép lại một cách chân thực những tháng ngày luyện quân trước khi lên đường ra trận. Theo bà Lưu Liên, mục đích của tác giả là để giúp người yêu hiểu được thế nào là đời lính. Thông qua trang viết, anh muốn làm cho người yêu của mình vơi đi nỗi buồn vì trước đó cô quyết tâm xin vào bộ đội nhưng không thành. Cũng qua cuốn nhật ký, chiến sĩ trẻ Trần Minh Tiến cũng giãi bày tâm sự của mình để mong người yêu hiểu, tại sao tác giả không muốn đi tới hôn nhân. Mặc dù, tình yêu trong tác giả đã hết sức sâu sắc.

Nhắc tới kỷ niệm cũ, bà Lưu Liên nói rằng, hồi đó Trần Minh Tiến là một người tầm thước, da ngăm đen, tính tình sôi nổi, hay cười. Đặc biệt có chiếc răng khểnh rất duyên, có tài đá bóng giỏi. Trong khi bà Lưu Liên là một thiếu nữ mảnh dẻ, xinh đẹp, múa dẻo, hát hay nổi tiếng. Tuổi thơ của Trần Minh Tiến vất vả, lăn lộn kiếm sống bằng nghề bán lạc rang tại thị xã Hà Đông. Còn bà Lưu Liên là tiểu thư khuê các, con của một nhà tư sản nổi tiếng ở Hà Đông lúc đó. Hai người cùng học chung trường phổ thông Lê Hồng Phong ở Hà Đông. Cứ ngỡ sự khác biệt về xuất thân làm họ không thể gần nhau nhưng "tình yêu vốn không thể lý giải". Và chuyện tình giữa tiểu thư Lưu Liên và cầu thủ bóng đá giỏi Trần Minh Tiến cũng vậy.

Hai người có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi học trò trong sáng. Theo hồi ức của bà Lưu Liên: "Mỗi lần Trần Minh Tiến đi đá bóng giao lưu với đội bóng trường khác, bà phải viện lý do để trốn nhà đi cổ vũ. Còn khi bà biểu diễn văn nghệ, Trần Minh Tiến lại tìm cách trở thành khán giả ngồi ngay ở hàng ghế đầu tiên". Cứ thế, thời phổ thông hai người quấn quýt lấy nhau. Gia đình bà Lưu Liên cố ngăn cấm nhưng bạn bè cùng trang lứa lại rất ngưỡng mộ và vun đắp cho hai người.

Khi ra trường, Trần Minh Tiến nhập ngũ, luyện quân ở Sơn Tây, còn tiểu thư Lưu Liên làm kế toán ở Xí nghiệp ươm tơ, huyện Hoài Đức. Thời gian này, họ ít được bên nhau nhưng tình cảm đã rất sâu sắc. Tiểu thư Lưu Liên giục người yêu tiến hành cưới: "Tôi muốn trước khi lên đường, Trần Minh Tiến yên tâm đã có tôi ở quê chăm sóc mẹ già nhưng anh ấy tìm cách né tránh, không đề cập trong những lần hai người được gặp nhau". Sau nhiều lần chờ đợi, đến đầu năm 1968, tiểu thư Lưu Liên quyết định một mình âm thầm chuẩn bị mọi thứ cho đám cưới. Nhưng oái ăm thay, khi mọi việc đã được chuẩn bị gần hết thì đơn vị của Trần Minh Tiến được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu gấp.

Trước khi lên đường ra chiến trường, tiểu thư Lưu Liên và chiến sĩ trẻ Nguyễn Minh Tiến chỉ có một buổi để giãi bày tâm sự. Chính hôm đó Trần Minh Tiến đã trao lại cuốn nhật ký này để tặng người yêu. Và tiểu thư Lưu Liên tặng lại cho người yêu một chiếc khăn tay thêu bông hoa hồng màu tím và lời hẹn: "Nếu anh không về, khi nào em nhận được kỷ vật của anh từ tay đồng đội có nghĩa lúc đó anh đã hi sinh và em đừng chờ đợi anh nữa...".

Trích những dòng viết đầy tâm trạng trong cuốn nhật ký

"Lưu Liên ơi! Em đừng để anh trở thành kẻ yếu hèn theo định mệnh. Nhưng vì thủy chung với tình yêu, anh phải suy nghĩ nhiều. Anh muốn Lưu Liên hiểu rằng chúng ta là những người yêu cái đẹp, muốn hưởng thụ nhất. Thật đau khổ khi ta phải từ bỏ những ý định nóng hổi nhất. Nhưng biết làm sao trước nhiệm vụ ta phải dẹp tất cả để ra đi. Như vậy không phải là tự dối lương tâm mình mà cũng không phải vì danh dự hão huyền. Ta ra đi để làm đúng bổn phận, trách nhiệm của người lính. Ta ra đi để mang sức mình một cách hăng hái nhất hiến dâng cho cách mạng, cho Tổ quốc".

Như Hải