Đăng ngày 10-02-2013 trong chuyên mục Tin tức

Nơi tên anh đã thành tên đất nước

Xuân Trường là bí danh của Hoàng Văn Nhủng, liệt sĩ đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Tên anh đã thành tên quê hương, đất nước, Đồng Mu xưa nay đã đổi sang xã Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng).

1. Anh quê ở bản Nà Nghiềng (Sóc Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), sớm giác ngộ cách mạng, là 1 trong 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Sau trận đánh Phay Khắt, Nà Ngần thắng lợi, cả đội củng cố lực lượng hành quân lên đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc, Cao Bằng).

Đồn Đồng Mu đóng ở đồi cao, có vị trí như một cái yết hầu kiểm soát các tuyến đường thông sang huyện Hà Quảng và cả sang tỉnh Bắc Kạn. Xác định được tầm quan trọng của đồn, Pháp bố phòng nhiều lô cốt, lỗ châu mai, giao thông hào chằng chịt. Pháp còn ném vào đây rất nhiều lính khố đỏ, lính dõng do đích thân 3 tên sĩ quan da trắng chỉ huy. Tối 4/2/1945, như kế hoạch đã định là đội sẽ đột nhập chiếm nhà chỉ huy, đánh dập đầu địch để các hướng khác cùng nội công ngoại kích tiêu diệt các vị trí còn lại.

Khi tiểu đội của Xuân Trường, Quang Trung, Nam Long đang xâm nhập vào đồn thì bị phát hiện, địch hỏi "Ai?". Đồng chí Nam Long bình tĩnh trả lời: "Chúng tôi là Việt Minh đến lấy súng của Pháp chứ không đánh các anh em!". Lập tức lựu đạn quăng ra tới tấp, hàng chục họng súng của giặc xối xả bắn thẳng vào đội hình. Tình huống hiểm nghèo nằm ngoài kế hoạch nhưng anh em vẫn xung phong, đánh giáp lá cà. Xuân Trường dẫn một tổ đột nhập theo lối cửa sổ, dùng súng hạ gục tên đốc gác. Súng hết đạn chưa kịp thay, không ngại ngần anh rút ngay thanh kiếm trực chỉ nhà chỉ huy xông tới. Giặc rút vào cố thủ trong lô cốt, dùng ưu thế hỏa lực quyết liệt chống cự. Một viên đạn bắn xuyên qua ngực khiến Xuân Trường gục xuống. Tổ tiếp ứng bên ngoài chạy tới, Xuân Trường gượng dậy nói: "Mình bị bắn rồi, cậu lấy ngay súng của mình, đánh đi!". Đồng đội chạy tới định xốc anh lên để cứu chữa liền bị gạt phăng: "Đánh đi, đừng băn khoăn gì về mình…".


Xuân Trường chốn thanh bình

…Ngày 19/8/1961, liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng được cấp Bằng Tổ quốc ghi công, được công nhận là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên anh đã thành tên quê hương, đất nước, Đồng Mu nay đã đổi thành xã Xuân Trường, dư âm của cái tên xưa chỉ còn trong câu ca: “Rét Đồng Mu, sương mù Lũng Pán”. Ở Xuân Trường quanh năm như trong nồi luộc bánh, mịt mờ sương khói. Mùa hè nắng mấy tối đến cũng phải đắp một lượt chăn đơn, mùa đông lạnh tê tái, tuyết băng đóng thành lớp trắng lóa trên những tán cây, đỉnh núi.

2. Đồn Xuân Trường quản lý 24 mốc, 20,3 km đường biên trên địa bàn hai xã Khánh Xuân và Xuân Trường.


Di tích bia đá đồn Đồng Mu

Tôi cùng anh Nông Văn Hà, chính trị viên đồn, đến thăm nhà ông Tô Cắm Thình ở xóm Nà Đoỏng. Lão Thình cậm rập ra tận chân cầu thang nhà sàn ôm chầm lấy anh như người ông lâu ngày mới được gặp cháu. Lão cười, răn reo cả những vết hằn năm tháng. Một tấm lưng còng dựa vào một tấm lưng thẳng và vững chãi. Bếp lửa cháy rần rật. Rượu rót cứ tràn trề. Mùi ngô nếp nướng thơm quyện chật cả gian nhà ong ong khói… Con trai mất, ông Thình sống cùng con dâu. Ông già người Tày 80 tuổi đã sống trong những ngày như mơ kể từ khi ngôi nhà cũ nát được bộ đội thay thế bằng một căn nhà vững chắc. Bộ đội còn tặng ông một bộ chăn màn, ti vi, đầu chảo từ hồi Xuân Trường điện còn chưa về tới.


Ông Thình nắm tay bộ đội Hà như người ông gặp cháu

Hiện tại có tất cả 10 căn nhà mái ấm biên cương được biên phòng dựng cho đồng bào nghèo ở Khánh Xuân và Xuân Trường. Người ta vẫn còn nhớ rõ mùa đông trước, một đoàn người Dao, cả già lẫn trẻ ở Lũng Quẩy thuộc xã Khánh Xuân lếch thếch đi bộ 4 - 5 tiếng đến đồn. Những đôi môi tím tái. Những hàm răng lạch cạch va vào nhau. Những cái tay rung lên cầm cập. Họ chỉ nói mỗi câu: “Rét quá bộ đội ơi”. Anh em vội vã lấy chăn bông, quần áo cũ phát cho đồng bào.

Kể từ đó, mỗi khi gió lạnh về, đi tuần tra ngoài súng ống, lương khô, anh em còn gùi theo cả ba lô quần áo ấm để gặp người già, trẻ em, học sinh sẵn sàng phát cho. Trong một buổi đi tuần như thế qua xóm Cà Lò, xã Khánh Xuân, vào gia đình ông Chảo Khỉ Nhàn thấy quần áo cả nhà đã rách, buộc chằng, buộc đúm bằng dây vì đứt hết cả cúc, bộ đội thương quá phát cho quần áo ấm. Cầm tấm áo mà ngỡ ngàng cảm động, vội nướng ngô mời bộ đội ăn no lòng, vội xăm xắn tình nguyện dẫn đường, phát lối đi khó.

Lịch sử biên phòng Cao Bằng còn ghi những chuyện kỳ tích về lòng yêu nước, về những cụ già lúc bờ cõi bị xâm lăng sẵn sàng nằm dưới bánh xe chở lính ngoại bang ngăn không cho chúng di chuyển, về những phụ nữ lấy thân mình ôm cả quả bộc phá không cho giặc kích nổ, phá mốc đường biên…

Ở xóm Xà Phìn xã Xuân Trường có ông Chảo Khỉ Chìu dù tuổi cao, không ai nhờ vả nhưng mỗi lần đi lấy củi, đi làm nương đều ghé vào kiểm tra cột mốc. Từ nhà ông đến mốc biên mất mấy tiếng luồn rừng, vượt dốc. Đến mốc, ông rút dao phát cây xung quanh, lấy khăn mặt cẩn thận lau từng vết bụi trên phiến đá hoa cương, tỉ mẩn sờ xem nó lành hay đã mẻ. Đối người đàn ông mù chữ này cột mốc như một người thân, dăm ba ngày không nhìn thấy mặt nhau là nhớ, là mong, là nôn ruột phải lên mà thăm hỏi. Người già đưa bảo vệ biên giới vào hương ước các làng bản, người lớn kể cho con cháu nghe về đường biên, về cái cây, mỏm đá này là của ta, của bạn.

3. Ông Nông Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường, bảo với tôi rằng xã nhà có 4.200 khẩu, 18 xóm trong đó 3 xóm giáp biên, từ năm 2010 điện lưới quốc gia về, cuộc sống người Tày, Nùng, Mông, Dao có nhiều đổi khác.


Bộ đội khám bệnh cho dân

Tôi đến trường cấp 1, cấp 2 nơi có những học sinh 4 giờ sáng vào rừng lấy củi để vẫn kịp giờ lên lớp, nơi có những giáo viên chấp nhận ở trong những khu nhà tạm thưng ván thấp lè tè để nuôi ước mơ gieo chữ giữa vùng biên. Tôi đến Trạm quân dân y gặp y sĩ Nông Văn Hòa đang miệt mài thăm khám cho lũ lượt bà con. Tôi đến nhà anh Lãnh Văn Tân ở xóm người Tày Nà Chộc. Vụ này anh Tân thu 100 bao thóc, dưới sàn có 10 con lợn ụt ịt, ngoài sân đàn gà, ngỗng cứ kiu kiu, quang quác. Anh chị có 4 người con, 3 đứa đã làm giáo viên, đứa út đang sinh viên, là gương hiếu học tiêu biểu của cả Xuân Trường.

Giữa đồn và người dân hình thành một sợi dây liên kết như máu thịt. Đám cưới, đám hiếu, nhà mới dân đều mời đồn. Tết, Hội phụ nữ xã cử nhau người mang gạo, mang lá, kẻ chẻ lạt lên đồn tấp nập gói bánh chưng. Đêm giao thừa, già trẻ, gái trai bản trên, xóm dưới ùn ùn kéo về đồn chung tay dựng hội. Sau màn hái hoa dân chủ là những điệu hát lượn, hát cọi, hát nàng ới, múa khèn vui trắng đêm, vui suốt sáng…