Những thương binh lại có dịp hồi tưởng tự hào về cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc mà họ đã đóng góp bằng máu xương của chính mình, đồng thời lại nhớ về những đồng đội không bao giờ trở về với gia đình, người thân và bè bạn. Cũng đã có nhiều cựu chiến binh lại hành hương về "miền cỏ cháy" để tìm đồng đội đã hy sinh mà hiện chưa tìm thấy được mộ phần. Dù biết rằng, đồng đội họ đang yên nghỉ nơi vạt rừng, khe suối nào đó, cũng là yên nghỉ trên đất mẹ Việt Nam, nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm kiếm tìm để đưa họ trở về gần gũi hơn với người thân và đồng đội.
Không phải dịp này, Đảng, chính quyền và nhân dân mới tưởng nhớ, mới tri ân những người có công với nước. Đảng đã có chủ trương, Nhà nước đã có chính sách quy định chế độ cụ thể đối với những người có công, những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và các nạn nhân chất độc da cam. Ngoài trách nhiệm thường xuyên quanh năm, ít nhất mỗi năm ba lần có những hoạt động tri ân cao điểm là tháng 7, nhân Ngày Thương binh - liệt sỹ; dịp kỷ niệm thắng lợi Cách mạng Tháng Tám và nhất là dịp tết cổ truyền của dân tộc.
Chính sách hậu chiến của Nhà nước chắc chắn chưa thể vẹn toàn, nhưng cũng tạo rất nhiều điều kiện để các cấp, các ngành và nhân dân thể hiện các hình thức tri ân đối với tất cả những người có công với đất nước. Hàng chục năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và gia đình người có công với nước. Tuy đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chính sách đãi ngộ người có công từng bước được hoàn thiện theo hướng diện ưu đãi ngày càng được mở rộng, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từng bước được nâng lên, theo hướng cao hơn mức lương tối thiểu chung và luôn ở mức cao nhất trong các chính sách xã hội.
Chính sách hậu chiến không đơn thuần chỉ là chính sách tri ân, mà còn là kế sách bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc. Những hoạt động tri ân của chúng ta là hành xử theo lương tâm của con người và đạo lý của dân tộc: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”.
Như thế, chính sách hậu chiến của ta, về tâm linh và đạo lý là vì những người đã hy sinh vì nước, còn về trách nhiệm là vì những người đang sống, trước hết để cuộc sống của những thân nhân các liệt sỹ được động viên về vật chất và tinh thần, về truyền thống là vì giữ gìn và nhân lên giá trị nhân văn của dân tộc và vun đắp sức mạnh dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống yêu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, vượt qua muôn vàn thử thách, hy sinh giành được những thắng lợi vĩ đại làm nên Thời đại Hồ Chí Minh - Thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây nam, biên giới phía Bắc, gìn giữ toàn vẹn non sông là những minh chứng cho bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong gần một thế kỷ qua, kể từ khi có Đảng lãnh đạo.
Chúng ta tự hào về những kỳ tích của nhân dân ta trong thế kỷ XX. Ngược dòng lịch sử, chưa thấy một dân tộc nào trên Trái đất này mà chỉ trong thời gian chưa đầy một trăm năm đã phải gánh chịu biết bao đau thương, mất mát, hậu quả của 4 cuộc chiến tranh lớn nhỏ nói trên. Dù đất nước đã đạt những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, dù nhà cửa, đường sá, cầu cống bị bom đạn tàn phá đã được xây dựng lại, nhưng những vết thương lòng đâu dễ hàn gắn ngay được. Một số gia đình người có công với nước còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vật chất, trong chăm lo sức khỏe khi đau yếu, trong chữa trị những vết thương do chiến tranh để lại. Vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi, nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất được hồ sơ để được hưởng chế độ và đến nay vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính, đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân và xã hội. Những gì còn băn khoăn, trăn trở, chắc chắn Nhà nước sẽ sớm hoàn thiện, bổ sung chính sách theo hướng ưu việt hơn.
Dư âm những hoạt động tri ân trong tháng 7 vừa qua luôn đọng lại sự cảm động sâu sắc trong lòng nhân dân. Nhưng chính dư âm làm nên sự cảm động sâu sắc ấy buộc chúng ta suy nghĩ về một cách tri ân mà ít người đương thời chú ý. Đó là trách nhiệm phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh xương máu của những người đã ngã xuống để đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Họ ngã xuống để hôm nay chúng ta có trách nhiệm xây dựng đất nước. Đảng ta cũng đang gương mẫu chỉnh đốn đội ngũ để xứng với xương máu, sức lực của biết bao đồng chí, đồng bào. Nhiều câu hỏi cuộc đời được đặt ra khi suy tư về sự tri ân đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân trong bối cảnh “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...” (NQ số 12/TƯ; phần Tình hình và nguyên nhân).
Những câu hỏi cuộc đời ấy là gì? Thử so sánh hai mặt tương phản đến phản cảm trong hành xử nhân cách làm người đối với một hiện tượng xã hội - lịch sử của dân tộc qua một vài nét chấm phá sau:
- Xưa, những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản và nhân dân chấp nhận súng gươm, máy chém, lao tù; những chiến sĩ ra trận chấp nhận hy sinh vì một lý tưởng cao đẹp là giải phóng dân tộc; thì nay, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng”.
- Xưa, bao đồng chí, đồng bào ý thức được sự hy sinh cuộc sống của mình để Tổ quốc được bình yên, nhân dân có điều kiện lao động hòa bình kiến thiết đất nước, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, thì nay, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng …”.
- Xưa, dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc của Đảng, cả nước ra trận giành chiến thắng huy hoàng và biết bao người đã nằm xuống cho màu cờ cách mạng mãi đỏ tươi, thì nay, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp… chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí...”.
- Xưa, những cán bộ trung kiên một lòng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng con người, góp phần làm sáng lên đạo đức và văn minh của Đảng, thì nay, “có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp… tùy tiện, vô nguyên tắc...”.
Bức tranh xưa và nay trên, phải chăng, cho ta nỗi niềm trăn trở sau:
- Không biết những người thuộc “một bộ phận không nhỏ” ấy khi đi thăm các gia đình thương binh, liệt sỹ, khi cúi đầu mặc niệm tưởng nhớ những anh hùng, liệt sỹ giữa những nghĩa trang, có nơi còn trắng những hàng bia không chữ, đã nghĩ những gì về bản thân mình? Trước anh linh các liệt sỹ họ có phút giây nào xấu hổ về sự suy thoái nhiều mặt của mình hay không? Họ có nhận ra hành động vô ơn của mình hay không? Không ai biết được, ngoài họ. Nhưng ngay việc ân hận, xấu hổ với chính mình cũng không làm nổi thì tâm hồn ấy đã chết! Trong số họ, không phải không có những người hơn một lần nói về tri ân những người có công với nước. Nhưng trong việc làm thì như Đảng ta nhận định: Chạy chức, chạy quyền, vơ vét cho đầy túi tham về quyền lực và vật chất. Đảng biết. Dân biết. Lịch sử dân tộc đâu dễ bỏ qua. Trớ trêu thay, miệng nam mô ráo hoảnh trước dân!
- Anh linh những anh hùng, liệt sỹ hẳn không thể ngậm cười nơi chín suối khi biết trong đội ngũ đang đi tiếp con đường chiến đấu hy sinh vì dân của mình lại có “một bộ phận không nhỏ” vô cảm, vô hồn, vô ơn thế. Chắc các anh buồn lắm.
- Xét về chiều sâu lịch sử hoạt động của Đảng ta, giai đoạn hiện nay Đảng đang đứng trước sự suy giảm lòng tin của những đảng viên chân chính và nhân dân. Mà niềm tin ấy lại là tố chất làm nên sức mạnh của dân tộc. Đảng ta phải khẩn trương giáo dục “một bộ phận không nhỏ” ấy biết tri ân đồng chí, đồng bào đã hy sinh vì đất nước này một cách xứng đáng hơn, người hơn, nhất là một bộ phận lãnh đạo, quản lý.
Nghị quyết số 12/TƯ “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vừa là một vũ khí từng bước làm cho trong Đảng không còn “một bộ phận không nhỏ” ấy nữa, nhằm củng cố, xây dựng Đảng ta trong sạch hơn, vững mạnh hơn, đạo đức hơn, văn minh hơn, vừa là kế sách củng cố niềm tin nơi đảng viên và nhân dân. Đồng thời, Nghị quyết số 12/TƯ cũng là cứu cánh, là tiếng chuông thức tỉnh, là cơ hội sám hối cho những ai thuộc “một bộ phận không nhỏ” phải biết tự giác kiểm điểm theo tinh thần nghị quyết này mà tu thân cho xứng đáng với những người đã ngã xuống vì non sông đất nước. Tự giác là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thắng lợi của nghị quyết. Đó là cách tri ân có đạo đức và trách nhiệm nhất. Có như thế, mỗi dịp tri ân những người đã ngã xuống vì sự phồn vinh của đất nước, sẽ không còn bức tranh vừa phản cảm, vừa hài và vừa buồn. Đảng ta khẳng định, phải dựa vào dân để chỉnh đốn Đảng. Tư tưởng ấy sẽ giúp Đảng ta thành công.