Lịch sử anh hùng
Toàn khu vực Ba Hòn (Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo) có hàng chục hang lớn nhỏ (còn gọi là lò ảng). Các hang này đều do các tảng đá lớn nhỏ tự nhiên ghép lại chồng lên nhau, tạo ra hệ thống hang liên thông rất hiểm trở. Vì thế, trong chiến tranh, nơi đây được chọn là trạm dừng chân dưỡng quân, nơi tiếp đón cán bộ cách mạng từ Trung ương vào để kết nối với tuyến đường 1C từ Campuchia và kinh Vĩnh Tế về đến căn cứ rừng U Minh.
Lịch sử đã ghi nhận, trong 21 năm chống Mỹ cứu nước, xứ hang hòn nhỏ bé này đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn, chất hóa học khai hoang của quân thù. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện Hòn Đất anh hùng đã anh dũng đánh trả hơn 300 cuộc càn quét quy mô lớn của địch.
Với nhiều người dân Hòn Đất, nữ anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng là một ký ức lịch sử không thể nào quên. Đó là vào ngày 29/12/1961, khi địch phát hiện một số đơn vị của ta đang trú quân tại vùng Ba Hòn, Tiểu khu Rạch Giá huy động một số đơn vị quân chủ lực, bảo an và “thanh niên cộng hòa” mở cuộc hành quân với quy mô lớn nhằm xóa sổ điểm trú ẩn trọng yếu Ba Hòn. Sau khi dùng hỏa lực tấn công nhiều ngày liền, địch dùng rơm, rạ, vôi bột, đổ thêm xăng đốt ở miệng hang. Trong khi đó, lực lượng ta hết lương thực, nên không thể cầm cự, phải tìm đường rút lui vào hang. Trong trận này, chị Phan Thị Ràng đang làm nhiệm vụ Trưởng ban Thanh vận của huyện đã lọt ổ phục kích và rơi vào tay địch.
“Cái chết của Chị Sứ trong phim Hòn Đất (đạo diễn Hồng Sến) thật nhẹ nhàng so với sự hy sinh của chị, người con gái xứ hòn mới 25 tuổi đã không tiếc máu xương của tuổi thanh xuân. Sau khi bắt được chị Phan Thị Ràng, bọn giặc đã đánh đập rất dã man, hành hạ, thẻo thịt cho đến chết. Sau đó, bọn chúng cho treo xác chị lên cây xoài (gần mộ Chị Sứ bây giờ), nhằm phục kích bắt các đồng chí ta đến nhận xác”, ông Vũ Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hòn Đất, đồng đội của chị Ràng bùi ngùi nhớ lại.
Phó chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, ông Nguyễn Ngọc Quyết cho biết, thời gian qua, chính quyền địa phương đã đầu tư tôn tạo và mở rộng trên 5 ha Khu di tích Chị Sứ dưới chân Hòn Đất, với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Khu di tích gồm nhà tưởng niệm, khu trưng bày di tích, tượng đài chiến thắng, nhà mồ, sân bãi, đường vòng quanh hòn…, tạo thành một quần thể di tích nguy nghi và tâm linh. Qua đó, tạo thuận lợi cho hàng chục ngàn người từ khắp nơi đổ về cúng viếng và vui chơi nhân dịp lễ giỗ Chị Sứ được tổ chức long trọng vào ngày 9/1 Âm lịch hàng năm, với các hoạt động lễ hội, cúng viếng, sinh hoạt văn hóa - thể thao, giải trí, du lịch…
Vẻ đẹp bất tận
Hòn Đất, Hòn Me, Hòn Quéo nằm sát nhau trên dải đất liền gần bờ biển. Lên đến gần đỉnh Hòn Đất, du khách sẽ gặp một tảng đá lớn, phẳng, rộng hàng chục mét vuông. Đứng ở đây có thể thỏa sức ngắm biển cả và đồng bằng bao la. “Dân địa phương gọi nơi đây là Điện Mặt Trăng, vì vào đêm rằm, ánh trăng sáng như đèn điện, du khách có thể ngồi viết hay đọc thơ cho nhau, với bốn bề gió lộng”, ông Quyết hào hứng cho biết.
Điểm du lịch không thể bỏ qua khi du khách đến Ba Hòn, đó là Trunng tâm Phát sóng truyền hình nằm trên đỉnh Hòn Me cách mặt đất khoảng 200 m. Đến khoảng lưng chừng Hòn Me, du khách ghé thăm Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, hiện nuôi chứa và bảo tồn một số loài gấu quý hiếm. đỉnh Hòn Me có khu trưng bày chứng tích chiến tranh gồm máy bay, xe tăng, súng pháo hạng nặng… Đây cũng là điểm dừng chân để thưởng thức những món đặc sản địa phương. Sau bữa trưa no bụng ở đỉnh Hòn Me, dưới bóng râm cổ thụ lộng gió, chiếc võng đong đưa du khách vào giấc trưa an lành.
Trên đường từ Hòn Me qua Hòn Quéo nơi cửa biển, du khách đi qua chùa Khmer và những xóm làng thanh bình với đa số là người dân tộc Khmer hiền hòa chất phát và nhiều làng nghề truyền thống như đan đệm lát, nắn nồi đất thủ công, xóm đánh lưới ghẹ, ghe câu cá biển gần bờ… Với những loại hải sản như ghẹ tươi sống, tôm tích, nghêu sò, cá tươi…, du khách được trực tiếp tận tay lựa mua của ngư dân ngay bến sông cửa biển rồi mang vào quán ăn xung quanh Hòn Quéo để thưởng thức và ngắm những con thuyền nhỏ đang lướt sóng ra khơi như bức tranh thủy mặc.
Văng vẳng đâu đó tiếng chuông chùa từ trên đỉnh Hòn Quéo ở độ cao vài chục mét. Sau hàng trăm bậc thang, du khách lên đến ngôi chùa Kỳ Viên Tự khang trang và thanh tịnh nhìn ra biển cả mênh mông. Và cùng với hương khói nơi cửa thiền, du khách được tịnh tâm hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên bất tận…