Đăng ngày 13-08-2012 trong chuyên mục Tin tức

Giám định gien trong tìm kiếm, xác định hài cốt liệt sĩ: Đưa các anh về với lòng đất mẹ!

Với nỗ lực “đưa các anh về với lòng đất mẹ”, thời gian qua, vượt lên mọi khó khăn, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (HTGĐLSVN) đã tích cực vận dụng, đưa công nghệ giám định gien vào xác định danh tính liệt sĩ, giúp nhiều gia đình tìm được hài cốt người thân. Từ hiệu quả của cách làm này, nhiều tổ chức, cá nhân đã ghi nhận và xem đây là phương pháp “khai sinh cho liệt sĩ”.

“Khai sinh cho liệt sĩ”

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Có biết bao bà mẹ, người vợ, người con, thân nhân liệt sĩ... đang ngày đêm khắc khoải, hy vọng tìm được chính xác phần mộ và hài cốt người thân. Chính vì vậy, việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhiều tổ chức chính trị - xã hội cũng đã chủ động, tích cực cùng chung tay vào cuộc. Trong đó, Hội HTGĐLSVN được đánh giá là tổ chức tích cực, hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt, thời gian qua, việc trao hàng loạt kết quả giám định gien xác định đúng danh tính hài cốt liệt sĩ đã khẳng định nỗ lực, trách nhiệm tri ân của cán bộ, nhân viên trong Hội. Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLSVN cho biết:

- Đến nay, chúng tôi đã trao hàng trăm kết quả giám định chính xác danh tính liệt sĩ. Kết quả đó không chỉ là hạnh phúc lớn của gia đình thân nhân liệt sĩ mà còn là niềm vui chung của Hội và toàn xã hội.

Ông Bùi Văn Tuấn, em trai liệt sĩ Bùi Văn Kha (quê ở xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định) là một trong nhiều thân nhân liệt sĩ đón nhận hạnh phúc khi được Hội trao kết quả giám định chính xác danh tính anh trai mình. Ông bộc bạch với chúng tôi:

- Khi được Hội trao kết quả giám định gien xác định mẫu hài cốt lấy từ Nghĩa trang liệt sĩ Bình Long (Bình Phước) là anh trai tôi, gia đình đã tổ chức vào Nam đón anh về quê hương. Thật may mắn khi gia đình đã tìm được anh lẫn trong bao ngôi mộ vô danh khác nhờ phương pháp khoa học đáng tin cậy. Đúng là anh tôi đã được “khai sinh lần hai”.

Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội HTGĐLSVN cùng mẹ và chị liệt sĩ Nguyễn Huy Thông tại buổi trao kết quả giám định gien xác định danh tính liệt sĩ.

Cũng giống như gia đình ông Tuấn, biết bao gia đình đã cất công đi tìm hài cốt liệt sĩ nhưng chưa có kết quả. Thậm chí, có trường hợp đã tìm được phần mộ nhưng chưa chắc chắn về danh tính liệt sĩ. Không ít gia đình phải “ăn quả đắng” vì lâm vào mê tín dị đoan, gây hao người, tốn của mà kết quả tìm kiếm thì vẫn trong tuyệt vọng. Lý giải thực tế này, Đại tá Nguyễn Hùng Phong, Phó Chủ tịch Hội cho rằng, trong chiến tranh hầu hết các liệt sĩ đều được đơn vị gửi giấy báo tử về gia đình. Nhưng do yêu cầu bảo đảm tuyệt mật thông tin nên giấy báo tử thường chỉ ghi tên, còn phiên hiệu đơn vị, địa điểm trận đánh hoặc nơi chôn cất các anh đều được ghi bằng ký hiệu... Đó là khó khăn lớn cho gia đình và xã hội trong quá trình tìm kiếm, xác định hài cốt liệt sĩ. Chính vì vậy, Đại tá Nguyễn Hùng Phong khẳng định:

- Với những phần mộ liệt sĩ vô danh thì việc giám định gien sẽ là phương pháp chính xác nhất giúp gia đình liệt sĩ xác định đúng danh tính người thân.

Tấm lòng của những người đồng đội

Tiến hành nhiều hoạt động và phần việc có ý nghĩa lớn cho xã hội, gia đình liệt sĩ và đồng đội như vậy, nhưng với những người đang công tác ở Hội thì khó khăn vẫn chồng chất. Vừa qua, trong lần phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, được trực tiếp gặp gỡ, chuyện trò với những người trong cuộc, chúng tôi mới hiểu tường tận điều kiện công tác, cũng như nỗi niềm chung của cán bộ, nhân viên nơi đây. Thật khó có thể tin khi nguồn kinh phí chủ yếu chi cho mọi hoạt động đều do các thành viên một tay huy động, kêu gọi sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm... Hơn nữa, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phương tiện đi lại của Hội cũng lắm khó khăn, thiếu thốn. Khó và khổ là vậy nhưng khi chúng tôi bày tỏ sự sẻ chia, Đại tá Nguyễn Hùng Phong nở nụ cười đôn hậu, chân chất trải lòng:

- Với những người lính từng một thời trận mạc thì khó khăn thường nhật có quản gì. Điều kiện vật chất hạn hẹp một chút, nhưng bù lại chúng tôi có thế mạnh về con người. Bởi lẽ anh em trong Hội chủ yếu là bộ đội nghỉ hưu - là đồng đội của các liệt sĩ. Hơn nữa, mọi người công tác là trên cơ sở tự nguyện, là nghĩa cử và tấm lòng dành cho những người đã ngã xuống...

Cũng theo anh Phong, những lúc khó khăn, vất vả nhất, các thành viên trong Hội lại động viên nhau phải đoàn kết, đồng lòng như lúc ra trận. Hơn nữa, con số 135.000 liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi, quê quán cứ như thúc giục những người được may mắn trở về sau chiến tranh phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa trong công tác Hội.

Với cách nghĩ và quyết tâm đó, hơn 10 năm qua, Hội đã tư vấn cho hàng nghìn gia đình, “khai sinh” cho hàng trăm trường hợp, trả lại tên cho liệt sĩ trong niềm xúc động khôn tả của người thân. Trong đó, với những trường hợp giám định gien (ADN), Hội hỗ trợ 100% kinh phí cho gia đình liệt sĩ. Ngoài ra, Hội còn tổ chức tốt việc khảo sát thực trạng gia đình liệt sĩ, đề xuất lên Quốc hội sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi Người có công. Tích cực chuẩn bị tham gia thực hiện hai đề án lớn của Chính phủ: Đề án tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định danh tính liệt sĩ.

- Kết quả hoạt động của Hội đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, nhưng thời gian tới, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa. Với chúng tôi, còn sống là còn tri ân đồng đội! - Đồng chí Chủ tịch Hội giọng nghẹn ngào, run run như nói thay cho tấm lòng và quyết tâm của những người nơi đây.

Trước lúc chia tay Hội HTGĐLSVN, trong khói hương trầm mặc, chứng kiến những người lính già tóc bạc lặng lẽ và nghiêm trang bên bàn thờ Tổ quốc - nơi đặt hương hoa viếng anh linh các liệt sĩ, chúng tôi cảm nhận chắc chắn một điều rằng: Tất cả họ tuy khác nhau về thế hệ, cương vị công tác nhưng lại có chung nguyện ước là sớm được đón các liệt sĩ trở về với đất mẹ thân yêu.

Bài và ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN