Đăng ngày 09-08-2012 trong chuyên mục Tin tức

Đi tận nơi, về tận nhà

“Năm nay mẹ đã 90 tuổi rồi, các con về thăm mẹ chật nhà thế này, mẹ mừng lắm. Chưa bao giờ, căn nhà tranh của mẹ lại được tiếp nhiều khách từ Hà Nội về đông đến thế. Ước gì, mẹ tìm được hài cốt thằng Nguyễn Trọng Lại, để thắp nén hương cho nó đỡ tủi. Nó hy sinh đã hơn 40 năm rồi mà chẳng chịu báo mộng cho mẹ biết, nó nằm ở nơi đâu” – mẹ Phạm Thị Thẩm, ở thôn 9, xã Quảng Giao (Quảng Xương, Thanh Hóa) nói những lời gan ruột như vậy khi tiếp Đoàn cán bộ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Bộ Quốc phòng và Sở Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đến thăm.

Cuộc đời mẹ Thẩm, qua những lời tâm sự của mẹ, như cuốn phim trôi chậm về quá khứ. Thời chống Pháp, chống Mỹ, mẹ Thẩm và chồng đều làm cán bộ xã, hai người con trai thì một người đi bộ đội, một người đi TNXP. Chẳng may, cả hai anh đều “trở về” với mẹ bằng tấm giấy báo tử. Người chồng của mẹ chẳng may mất sớm, mẹ làm cán bộ xã được 13 năm thì nghỉ nên chưa đủ điều kiện làm chế độ hưu địa phương. “Thu nhập” của mẹ giờ chỉ duy nhất là suất tiền tuất nuôi dưỡng liệt sĩ. Tuổi 90, lưng còng, tóc bạc, cuộc sống tằn tiện nhưng mẹ chỉ canh cánh bên lòng về đứa con hy sinh mà chưa tìm thấy hài cốt. Mẹ bảo: “Mẹ chắc không còn cơ hội nhìn thấy thằng Lại trở về. Nhưng nay, bất chợt có các con mãi tận Hà Nội cất công về thăm, mẹ cũng thấy được an ủi”.

Đoàn công tác trò chuyện trong ngôi nhà tranh của mẹ Phạm Thị Thẩm.

Mẹ Thẩm chỉ là một trong nhiều địa chỉ tri ân bằng cách làm mới mà BHXH Bộ Quốc phòng tiến hành. Trong chuyến đi thăm, tặng quà đối tượng là mẹ, vợ liệt sĩ của BHXH Bộ Quốc phòng mà chúng tôi được tham gia, qua 3 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và Thanh Hóa, tỉnh nào cũng có những bà, những mẹ mà cảnh đời và sự cống hiến, hy sinh của họ khiến chúng tôi bùi ngùi, xúc động. Mẹ Nguyễn Thị Kim, ở thôn 6, Quảng Giao, Quảng Xương (Thanh Hóa) năm nay đã vào tuổi 92, mấy hôm liền bị mệt nằm một chỗ nhưng khi có Đoàn đến thăm, mẹ bắt con cháu đỡ dậy, gắng gượng tiếp khách. Mẹ bảo: “Có bộ đội đến nhà, mẹ như thấy cái cảnh ngày xưa, ngày mẹ tiễn thằng Bàn đi bộ đội…”. Còn bà Trần Thị Chín, vợ liệt sĩ Khúc Ngọc Tuyền ở xã Thụy Sơn, Thái Thụy (Thái Bình) vẫn sống một mình kể từ ngày chồng hy sinh. Bà kể: “Ông ấy hy sinh khi tôi mới ngoài 20, một mình tôi nuôi dạy hai con gái nên người, nay hai cháu lấy chồng ở xa, tuổi già, bệnh tật thường xuyên. Giờ tai điếc, mắt mờ, lại vừa phải phẫu thuật cắt đi một quả thận nhưng vẫn tự chăm sóc mình. Hai cô con gái hoàn cảnh còn khó khăn, không muốn phiền đến các con trừ khi ốm nặng”.

Neo đơn là hoàn cảnh chung của hầu hết các bà, các mẹ mà chúng tôi đã gặp trên hành trình tri ân. Bà Lê Thị Dứa, vợ liệt sĩ Lê Văn Bảo và bà Nguyễn Thị Đà, vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Chương cùng ở thôn Tiền Vĩ, xã Thanh Hải (Thanh Hà, Hải Dương) có mối quan hệ thông gia thật đặc biệt. Vốn người cùng thôn, lại cùng chịu cảnh mẹ góa, con côi khi chồng hy sinh, hai bà cùng chấp nhận ở vậy nuôi con ăn học. Hồi đó, Hưng Yên có chủ trương để con các liệt sĩ học chung một lớp nhằm tạo điều kiện ưu đãi về chính sách. Con của hai bà, một gái, một trai, cùng tuổi, cùng chung một lớp, lại chung cảnh ngộ nên tình yêu đến với họ rất đẹp, rất tự nhiên. Mấy chục năm qua, từ ngày làm thông gia với nhau, hai bà lấy làm hạnh phúc vì cả hai đứa con đều rất có trách nhiệm trong chia sẻ những nỗi đau, mất mát của hai người mẹ. Có điều, họ thoát ly, đi bộ đội xa nhà nên hai bà đều chịu cảnh “sớm trưa một mình”. Khó khăn, vất vả là thế nhưng nỗi niềm lớn nhất của các bà, các mẹ là vẫn hướng về những người chồng, người con của mình đã hy sinh vì Tổ quốc. Đúng như tâm sự của bà Lê Thị Tỵ, vợ liệt sĩ Hoàng Văn Tuất ở Thanh Hà, Hải Dương: “Tôi giờ bị tai biến, lại ở một mình, nhiều người nhìn vào chắc cũng ái ngại nhưng tôi thì chỉ lo cho ông ấy. Giấy tờ nói ông hy sinh năm 1970 ở nam Khe Sanh, tôi suốt đời không ra khỏi lũy tre làng, đâu biết Khe Sanh ở đâu mà tìm. Chỉ lo ông ấy chưa được quy tập, nằm một mình nơi góc suối, ven rừng thì tội lắm”.

Là người nhiều năm làm công tác chính sách, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh éo le của các đối tượng nhưng Đại tá Đặng Văn Duy, Phó giám đốc BHXH Bộ Quốc phòng nói rằng: “Chưa có chuyến đi tri ân nào để lại cho tôi nhiều xúc động đến thế. Tôi càng hiểu ra rằng, việc thăm hỏi, động viên, tặng quà các mẹ, các gia đình chính sách ở nước ta chưa bao giờ là đủ”.

Sở dĩ, chuyến đi thăm tận nơi, về tận nhà của Đoàn lần này lại tìm đúng những “địa chỉ đỏ” là sáng kiến của tập thể cán bộ, nhân viên BHXH Bộ Quốc phòng. Theo đó, cơ quan đã phát động phong trào mỗi cán bộ, nhân viên tìm hiểu ngay trong gia đình, dòng họ, quê hương mình có địa chỉ gia đình chính sách nào thực sự khó khăn để đến thăm, tặng quà. Chính cách làm ấy đã giúp cơ quan tìm ra được những “địa chỉ đỏ” thực sự, nơi đang rất cần sự tri ân kịp thời. Khi đã có danh sách cụ thể, BHXH Bộ Quốc phòng đã vận động, liên kết với Sở Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhằm tạo ra những món quà nhiều ý nghĩa (ngoài quà tặng của BHXH Bộ Quốc phòng, mỗi địa chỉ được tặng 4 đến 5 triệu đồng). Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Phó giám đốc Sở Giao dịch nói: “Chúng tôi rất cần những địa chỉ tri ân nhưng lại không có điều kiện khảo sát, xác minh. Qua sự phối hợp với BHXH Bộ Quốc phòng trong đợt tặng quà những người vợ, người mẹ liệt sĩ lần này, chúng tôi rất xúc động và cũng rất vui vì tấm lòng “đền ơn đáp nghĩa” của cán bộ, nhân viên Ngân hàng đã đến được chính xác nhưng nơi cần nhất”.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng