Giáo sư bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên - Phó giám đốc Học viện Quân Y 103 nay đã nghỉ hưu đã gắn bó trọn vẹn cuộc đời của mình trong binh nghiệp. Năm 1965, khi ông tốt nghiệp đại học Y Hà Nội và ở lại trường làm Giảng viên cũng là lúc cô sinh viên trẻ Nguyễn Thị Minh Việt - em gái liệt sĩ Nguyễn Như Trang nhập trường.
Năm 1972, bà Minh Việt ra trường về làm giảng viên trường Trung cấp Quân Y I tại Sơn Tây, và sau đó chuyển về Bệnh viện Y học dân tộc Quân đội với cương vị một Trung tá - bác sĩ say mê với công việc. Quen biết nhau từ năm 1965 song đến 10 năm sau, họ mới chính thức kết hôn.
Kết hôn được một năm, bác sĩ Nguyên đi nghiên cứu sinh tại Đức. Năm 1980, bác sĩ Nguyên về nước, năm 1981, sau 6 năm kết hôn, 2 người mới sinh đứa con đầu lòng, 3 năm sau có thêm người con thứ hai. Cả 2 người con của họ đều theo ngành y của bố mẹ.
|
Liệt sĩ Nguyễn Như Trang |
Vào những năm 90, khi hai người con còn nhỏ nhưng vợ chồng bác sĩ Nguyên - Việt đều cùng nhiệt thành tham gia hoạt động tại các tuyến đường Tây Tiến xưa.
Năm 1991, bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên tham gia công tác nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đối với sức khỏe công nhân trồng chè Nông trường Cửu Long (huyện Lương Sơn- Hòa Bình).
Sau đó, ông cùng vợ là Bác sĩ - Trung tá Nguyễn Thị Minh Việt và các chuyên gia là Giáo sư tiến sỹ Lê Thế Trung, Giáo sư tiến sỹ Lê Hồng Lâm cùng tham gia dự án Wishh thuộc trường đại học Illinois Hoa Kỳ tài trợ, về sản phẩm chiết xuất protein từ đậu tương nhằm nâng cao dinh dưỡng bữa ăn trưa học đường cho học sinh miền núi.
Năm 2004 - 2005, nhờ thành công của dự án đó mà 2000 học sinh của 6 trường tiểu học thuộc thị xã Hòa Bình - tỉnh Hòa Bình được hưởng các suất ăn trưa trọn một năm học có thêm protein như trên.
Với họ, ngoài trách nhiệm, lòng say mê với công việc còn là mối gắn kết với một tình cảm thiêng liêng khi người anh cả trong gia đình - một chiến sĩ trong binh đoàn Tây Tiến đã hi sinh anh dũng trong mặt trận Tây Bắc nhiều gian khổ.
Có mặt trong ngày Trưng bày, triển lãm Trung đoàn 52 Tây Tiến tại bảo tàng Hòa Bình, vợ chồng em gái liệt sĩ Nguyễn Như Trang rất vui và xúc động.
Tiếp bước anh mình trên cung đường Tây Tiến, bằng chuyên môn, nghiệp vụ, họ đã đóng góp một phần công sức nhỏ bé mà mang ý nghĩa lớn lao cho người dân nơi đây. Ở trong họ còn là niềm tự hào, sự xúc động khi được nghe vang giai điệu của nhạc phẩm Trấn Biên Cương.
Hiện đã nghỉ hưu nhưng bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên cùng vợ mình vẫn tiếp tục hăng hái tham gia các hoạt động liên lạc cùng những cựu binh Tây Tiến. Họ làm công việc đó không chỉ vì tình cảm riêng của một thân nhân liệt sĩ mà hơn như thế là trách nhiệm, nghĩa vụ của thế hệ đi sau với cha anh đã hi sinh cho độc lập, tự do của ngày hôm nay.
Tình cảm thầy trò ban đầu đã nảy nở và kết thành tình yêu nam nữ, tình đồng nghiệp, vợ chồng mặn nồng, chung thủy. Nói về chuyện riêng của mình, trong ánh mắt của hai con người tóc đã có sợi bạc lấp lánh niềm hạnh phúc giản dị, đẹp đẽ.
Kí ức đẹp đẽ về anh trai - người lính Tây Tiến quả cảm
|
Vợ chồng bác sĩ Việt- Nguyên |
Liệt sĩ Nguyễn Như Trang (anh trai Trung tá - bác sĩ Nguyễn Thị Minh Việt) sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức có tới 11 người con. Thời niên thiếu, Nguyễn Như Trang theo học tại một trường Tư thục ở Thăng Long Hà Nội và là một học sinh xuất sắc.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Nguyễn Như Trang đã bộc lộ năng khiếu âm nhạc - nghệ thuật được thừa hưởng từ bố là thầy giáo Nguyễn Như Hoàn - người đã từng đoạt giải nhất thơ Ngụ ngôn của Hội Khai Trí Tiến Đức.
Năng khiếu âm nhạc sau đó của Nguyễn Như Trang tiếp tục được phát huy và để lại những tác phẩm mang ý nghĩa lịch sử lớn lao sau này cho sự nghiệp bảo vệ biên phòng.
Những năm cả nước sục sôi trong phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp, như bao thanh niên, trí thức yêu nước khác, cậu thanh niên trẻ Nguyễn Như Trang gia nhập bộ đội cứu quốc.
Trẻ tuổi, gan dạ, thông minh, mưu trí, Nguyễn Như Trang được cấp trên tín nhiệm đề bạt chức danh Đại đội trưởng của Tiểu đoàn 212 thuộc Trung đoàn Thủ đô. Ngay trong thời gian này, người chiến sĩ trẻ vinh dự được kết nạp, đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay trên chiến trường không kém phần cam go tại Hà Nội khi đó.
Cho tới đầu năm 1947, người chiến sĩ trẻ Nguyễn Như Trang bất chấp mọi khó khăn, gian khổ, gia nhập đoàn binh Tây Tiến, hướng về chiến trường chiến đấu, bảo vệ biên cương Tổ Quốc thuộc miền Tây bắc.
Bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ và quyết tâm của mình cũng như quyết tâm của đồng đội, người chiến sĩ đã chắp bút, viết thành tác phẩm “Vượt biên thùy”. Tác phẩm được chọn đăng trong cuốn “Đường đi miền Tây” và báo Vệ quốc quân năm 1949.
Đó là suy nghĩ của tuổi trẻ thời đại anh hùng trước sự tác động lớn lao của Cách mạng tháng 8. Câu chuyện của lớp lớp người lính trở về từ biên thùy xa xôi mà anh đã gặp gỡ, chia sẻ đã được trải lòng trên trang giấy.
Tác phẩm của anh đến với bạn đọc như một chứng nhân sống động về cách cảm, cách nghĩ của Tuổi trẻ Việt Nam anh dũng, kiên cường trong chiến đấu và hào hoa, lãng mạn, đầy xúc cảm trong đời sống tinh thần.
Trải qua những trận chiến đấu cam go, ác liệt, người chiến sĩ Nguyễn Như Trang bị thương nặng và được điều trị tại trạm Quân y viện Châu Trang - huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình. Tại đây, anh tận mắt chứng kiến sự ra đi của 200 đồng đội.
Mỗi tiếng cồng tiễn đưa đồng đội về thế giới bên cưa là một tiếng cồng ngân vang, bóp nghẹt trái tim anh. Người chiến sĩ qua cảm đã không hề nao núng mà buông tay súng trước sự ra đi của đồng đội quanh mình.
Tiếng cồng tiễn đưa người lính trở về với Đất Mẹ đã đi vào nhạc phẩm của anh và làm lay động trái tim người nghe.
Không như hai nhạc phẩm trước đó là “Tiếng cồng Quân Y” và “Hành khúc miền Tây” ngay khi ra đời đã được phổ biến và trở thành ca khúc được chiến sĩ Tây Tiến hát vang trong chiến trường, trên đường hành quân.
“Trấn biên cương” lại có chặng đường đến với chúng ta muộn hơn, ngay trong thời bình. Đây là tác phẩm đỉnh cao cũng đồng thời là tác phẩm cuối cùng trước khi người chiến sĩ – nghệ sĩ trở về với Đất Mẹ.
Sau năm 1947, khi sáng tác nhạc phẩm nói trên, giữa năm 1948, người chiến sĩ Nguyễn Như Trang được điều động sang công tác Văn hóa - Văn nghệ quân đội.
Lúc này, Nguyễn Như Trang đang bị thương, anh có tiêu chuẩn được ở lại tuyến sau điều trị. Nhưng, như quyết tâm thư đã viết cùng anh em, đồng đội nơi chiến trường, anh đã không ở tuyến sau trị thương, an dưỡng mà xin được trở về đơn vị chiến đấu.
Và không lâu sau đó, tại địa điểm làng Mu (nay là xã Tự Do, huyện Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình), anh và đồng đội đã chiến đấu kiên cường và hi sinh khi rơi vào trận phục kích của địch. Người lính Tây Tiến Nguyễn Như Trang đã hi sinh anh dũng khi chưa đầy 21 tuổi.
Hành trình để nhạc phẩm đến tay công chúng cũng để lại cho người nghe nhiều suy nghĩ tốt lành về sự tiếp nối một truyền thống lịch sử vẻ vang của một gia đình nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Khi chưa đến được với đông đảo người nghe, nhạc phẩm được gia đình liệt sĩ trân trọng giữ gìn. Mỗi khi gia đình sum họp, quây quần là bố anh - thầy giáo Nguyễn Như Hoàn lại cầm cây đàn kỷ vật mà anh để lại đánh vang nhạc phẩm này.
Những lúc như thế, cả nhà đều lặng đi vì xúc động. Trong thâm tâm, ai cũng suy nghĩ mình phải sống, làm việc ra sao để sự hi sinh của người anh cả không uổng phí.
Sau những phút giây xúc động, những người em của liệt sĩ Nguyễn Như Trang nhận thấy đây là một nhạc phẩm hay, không chỉ mang tính một di vật lịch sử mà còn là một đại diện tiêu biểu nhất của các thế hệ thanh niên đã và đang hăng hái nhập ngũ, lên đường gánh nhận và làm tròn trách nhiệm gìn giữ bình yên nơi biên cương Tổ Quốc.
Vậy là sau hơn 50 năm ra đời, năm 2000, nhạc phẩm đã được những người em trong gia đình gửi tới nghệ sĩ Nhân Dân Lê Dung, nghệ sĩ Nhân Dân Quang Thọ và được thể hiện thành công rồi in thành đĩa CD.
Tháng2/2012, tại Lễ kỉ niệm 65 năm ngày thành lập Trung đoàn 52 Tây Tiến, tác phẩm “Trấn Biên cương” đã đến được với đông đảo người nghe do dàn hợp xướng trường Cao đẳng Văn hóa- Nghệ thuật Tây Bắc biểu diễn dưới sự chỉ huy của nhạc sĩ Văn Hạnh.
Lúc này, những người em của liệt sĩ Nguyễn Như Trang - với tư cách của những công dân yêu nước đã quyết định gửi tặng nhạc phẩm “Trấn biên Cương” cho Bộ Tư lệnh Bộ Đội Biên Phòng.
Mong ước của cả gia đình đã được người em rể là Giáo sư Tiến sỹ bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên – nguyên Phó giám đốc Học Viện Quân Y 103 và em ruột là Nguyễn Như Bích - nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân Dân Tối cao thực hiện.
Họ đã thay mặt gia đình, gửi tặng bản nhạc tới tay Bộ Tư Lệnh Bộ Đội Biên Phòng. Món quà vô giá này đã được Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình, Phó Chính Ủy BĐBP tiếp nhận.
Như vậy, với tư cách những người em, vợ chồng Đại tá – bác sĩ Việt - Nguyên đã làm tròn chữ “Lễ” với người anh của mình. Với tư cách thế hệ đi sau, họ đã không sống phụ công cha anh đi trước đã sống, chiến đấu và hi sinh anh dũng.