Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Đứa con trai của đồng đội

Ông Cương chăm chú đọc mấy bộ hồ sơ phạm nhân từ cấp dưới gửi lên. Bao giờ cũng vậy, thói quen của ông là phải trực tiếp nghiên cứu tìm hiểu phần trích ngang lý lịch của tội phạm, dù việc này đã được bộ phận tiếp nhận phạm nhân làm chu đáo và có báo cáo bằng văn bản. Bởi hơn hai mươi năm làm quản giáo, rồi bây giờ là Giám thị trại giam, ông quá hiểu về bọn tội phạm. Đa số chúng rất ranh ma xảo quyệt, nhưng cũng có những người phạm tội chỉ vì một lý do rất đơn giản. Với những người như thế, cần phải tạo ra con đường ngắn nhất để họ có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Đó là cái tâm của người làm nghề coi tù mà ông đã có thâm niên và dạn dày kinh nghiệm.

Chợt ông dừng lại khá lâu bên hồ sơ của phạm nhân Trịnh Văn Cải. Cái tên quen quen ông đã nghe đâu đó mà không sao nhớ nổi. Đọc tiếp một lúc, ông mới giật mình. Phần ghi tên bố là Trịnh Văn Huấn - liệt sĩ, hy sinh tại chiến trường B3. Cải phạm tội trộm cắp tài sản và chống người thi hành công vụ, chịu mức án phạt tù hai năm, vừa mới nhập trại hôm qua. Chả lẽ Cải là con của người đồng đội mình năm xưa?

Suy nghĩ một hồi, ông quyết định gọi điện thoại về phòng trực ban. Mấy phút sau, người quản giáo cùng với phạm nhân Cải đã có mặt. Ông Cương mời Cải vào phòng. Nhìn khuôn mặt Cải cúi gằm vì sợ sệt, một lần nữa ông Cương sửng sốt, linh tính mách bảo quả thật không sai. Đứng trước mặt ông là người thanh niên hai mốt tuổi, đúng bằng cái tuổi của ông cách đây hơn ba chục năm. Khuôn mặt của người bạn chiến đấu với ông ngày xưa xuất hiện như thôi miên ông, làm ông đau nhói đến tận gan ruột. Huấn ơi, sao lại xảy ra nông nỗi thế này. Cũng tại mình vì quá tham công tiếc việc, mà đến tận hôm nay lại gặp cậu trong tình huống oái oăm này sao. Cuộc đời quả thật có những éo le mà lỗi của mình là rất lớn. Biết làm sao đây?

Tự nhiên ông thấy hoa mắt chóng mặt, gọi ngay người chiến sĩ dẫn Cải về phòng giam. Còn ông gục xuống bàn, thổn thức.

Huấn và Cương là chiến sĩ cùng tiểu đội trinh sát trong đội hình tiến công của Sư đoàn 316 vào giải phóng Buôn Ma Thuột hồi tháng 3 năm 1975. Trước khi nhập ngũ, Cương là chàng sinh viên trường Luật. Vóc dáng thư sinh trắng trẻo như con gái, vào chiến trường vẫn tinh khôi chuyện yêu đương. Còn Huấn thì ngược lại. Là nông dân chính gốc, da dẻ đen thui như màu đất vùng trũng quê anh. Lẽ ra Huấn được tạm hoãn nhập ngũ vì là con một. Nhưng là trai thời chiến, người người ra trận, mình ở nhà không đành nên anh viết đơn bằng máu đến mấy lần mới được cấp trên đồng ý. Và để mẹ được yên lòng, Huấn đã cưới cô bạn láng giềng để chăm mẹ những ngày anh xa vắng. Bà cụ cũng ưng cái bụng lắm.

Huấn vốn con nhà lao động nên nhanh chóng làm quen với môi trường mới, trong khi Cương lại rất khổ sở với những bài tập chiến thuật vất vả. Nhiều hôm nhìn Cương cứ ngồi ôm chân xuýt xoa vì đau nhức, Huấn không quản ngại tìm kiếm các loại cây thuốc dân gian để đắp chân cho bạn. Những việc nào giúp được Cương là anh không nề hà gì. May mắn là sau thời gian huấn luyện, cả hai cùng được biên chế về một đơn vị trinh sát và tham gia chiến dịch Tây Nguyên.

Đêm trước xảy ra trận đánh, trong khu rừng khộp mùa khô xao xác lá. Bầu trời hôm đó trong xanh đến lạ. Đu mình trên chiếc võng dù, Huấn và Cương thủ thỉ đủ chuyện trên trời dưới đất. Huấn nói với Cương:

- Cương ơi! Không biết rồi tình hình sẽ ra sao. Nếu còn sống, Cương hãy tìm về quê an ủi mẹ và cô Na nhé. Cô ấy đã mang giọt máu của mình trong bụng. Khi ra đi, mình dặn nếu sinh con trai đặt tên là Cải với ý muốn là mong nó biết nghe lời mẹ và bà. Còn nếu sinh con gái đặt tên là Thảo như sự mong ước đứa con thảo hiền với mọi người.

Cầm bàn tay bạn mà lòng Cương cứ bồi hồi. Với Cương, dù có xảy ra chuyện gì cũng còn đỡ vì nhà anh có năm anh chị em. Còn Huấn chỉ có một, Cương khe khẽ gật đầu. Đêm đã khuya nhưng không ai chợp mắt nổi.

Và điều không hay đã xảy ra. Trận đánh đó, Huấn hy sinh trước "cửa mở" khi anh lao lên đặt quả mìn định hướng để quét đám dây thép gai bùng nhùng cho bộ binh xông vào đánh chiếm dinh lũy của bọn ngụy. Anh bị trúng đạn khi cửa mở được khơi thông. Trận đó Cương cũng bị thương, nhưng may ở phần mềm nên điều trị vài tháng ở bệnh viện là khỏi. Miền Nam giải phóng, anh được bố trí làm cán bộ quân quản thành phố rồi sau chuyển sang ngành Công an và công tác cho đến hôm nay.

... Sau một ngày đường vất vả, ông Cương đã có mặt tại nơi ở của bà nội Cải. Một ngôi nhà tuy nhỏ nhưng xinh xắn giữa vườn cây trái sum sê. Ngôi nhà tình nghĩa của mẹ liệt sĩ im ắng tĩnh mịch. Nghe tiếng gọi ngoài cổng, một bà cụ lật đật chạy ra. Thoáng thấy bóng người mặc sắc phục cảnh sát, như một phản xạ, tự nhiên bà cụ lùi lại, ông Cương nhanh miệng:

- Con chào mẹ a!

- Không dám, chào anh công an. Anh tìm tôi có việc gì không?

Ngực ông đau nhói. Người mẹ tưởng ông tìm bà chắc thằng Cải lại có chuyện gì rắc rối nên lời chào có vẻ không được mặn mà lắm, thay vào đó là thái độ cảnh giác của một người vốn chịu nhiều phiền toái do thằng cháu đích tôn gây ra. Ông lại trách mình, nếu mặc thường phục chắc sẽ hay hơn trong cuộc gặp gỡ này.

- Thưa mẹ! Con là công an nhưng con là bạn chiến đấu ngày xưa của Huấn, chắc Huấn có viết thư về kể với mẹ rồi. Mẹ còn nhớ không ạ?

- Sao? Anh là Cương thật chứ?

- Dạ! Con là Cương đây!

Bà cụ già trân trối nhìn ông Cương một hồi rồi bất ngờ ôm chầm lấy anh, rơm rớm nước mắt. Bạn của con bà đã về với bà. Nó lại là công an, chắc sẽ giúp bà dạy dỗ thằng Cải thành người rồi.

Ông Cương theo chân bà cụ vào nhà, rồi xin phép được thắp nén hương cho bạn. Trên ban thờ, di ảnh của liệt sĩ như cứ nhìn anh đầy trách móc nhưng cũng đầy lòng vị tha. Ông hiểu Huấn bao giờ cũng thế, không để bụng cái gì. Ông lại thấy mình thật có lỗi với bạn nhiều quá.

Qua chuyện trò với bà cụ, ông hiểu hoàn cảnh của gia đình bà. Thì ra, sau mãn tang chồng sáu năm, cô Na mới xin phép mẹ đi bước nữa. Thực ra chuyện này là do bà nhiều lần gợi ý. Phụ nữ với nhau, bà hiểu lắm chứ. Có điều, bà xin phép Na cho bà giữ Cải lại để cửa nhà thêm ấm cúng. Vả lại, nếu trái gió trở trời còn có người chăm sóc. Hơn nữa, nó là cháu đích tôn, phần mộ tổ tiên là nó phải hương khói chứ ai vào đấy nữa. Vậy là cô Na gạt nước mắt lên xe theo hạnh phúc mới. Lấy chồng xa, thỉnh thoảng Na mới về thăm hai bà cháu một lần, cho bà vài trăm bạc, món quà cho con rồi trở lại nhà.

- Cũng tại mẹ cưng chiều nó quá nên nó sinh hư hỏng con à!

Thằng Cải sống với bà nội, thực tình thì nó rất thương bà nhưng những đam mê của tuổi trẻ còn hấp dẫn nó đến lạ. Nó bỏ học khi hết cấp 2, dù đã được ưu tiên tuyển thẳng lên cấp 3 vì là con liệt sĩ. Thường ngày, Cải lêu lổng với đám bạn xấu, tụ tập nhậu nhẹt quán xá liên tục. Bần cùng sinh đạo tặc. Khi hết tiền thì xoay sang trộm cắp. Lúc đầu thì là những thứ lặt vặt, sau bọn chúng táo tợn dám cướp của khách qua đường ở những nơi hẻo lánh. Trong một lần bị cảnh sát bao vây, bọn chúng đã hung hãn dùng vũ khí tấn công, làm một đồng chí bị thương nặng. Vụ này Cải phải chịu mức án hai năm tại trại giam nơi ông làm Giám thị.

Từ hôm đó trở đi, người ta thấy phạm nhân Trịnh Văn Cải được kèm cặp đặc biệt hơn so với các phạm nhân khác. Đi đâu, làm gì đều có quản giáo theo sát. Nếu Cải có gì sơ suất hay tỏ ý ương ngạnh là bị nhắc nhở kịp thời. Trong một lần đi chặt cây bạch đàn về làm chuồng nuôi gà cho trại, không may Cải chặt dao vào tay, máu chảy lênh láng. Người cán bộ đang lúi húi băng vết thương cho hắn, chợt thấy ông Cương xuất hiện cùng cô y tá bệnh xá. Ông Cương lo lắng khi thấy vết thương khá sâu, máu chảy nhiều, làm khuôn mặt của Cải tái dại đi. Người y tá nhanh chóng làm công việc cầm máu rồi cùng Cải lên xe về bệnh xá điều trị vết thương. Những ngày sau, hễ rảnh là ông lại ghé thăm Cải với tình cảm hết sức chân thành như cha con, bác cháu. Câu chuyện ông hay nói đến nhất là về cha nó. Ông gợi cho Cải về hình ảnh người cha với sự hy sinh là để mong đất nước được độc lập, cuộc sống của mọi người được tốt đẹp hơn. Hình như trong sâu thẳm của tâm hồn, Cải đã dần ý thức về những việc làm mà thời gian qua nó đã mắc phải. Ông gợi cho nó những mong muốn của cha nó trước khi sinh nó ra và cái tên mà từ khi còn trứng nước nó đã có rồi. Cải nghe và ân hận lắm. Nó hứa với ông, sẽ cải tạo tốt để sớm trở về chăm sóc bà nội.

Sau hơn một năm thụ án, Cải được ra tù trước thời hạn. Ngày lên chào bác Cương để về nhà, Cải mới được ông Cương kể hết những chuyện của ông và bố nó ngày trước. Những năm tháng chiến đấu ác liệt nhưng gắn bó giữa ông và bố nó. Đồng thời, ông nhận Cải làm con nuôi như tâm nguyện của bố Huấn trong cánh rừng khộp năm nào trước lúc bị hy sinh. Cải nghe kể như vậy, tự nhiên ôm chầm lấy ông, nức nở:

- Bố!

Ông Cương khẽ gỡ tay nó, dặn về thăm bà xem sức khỏe thế nào rồi hãy quay lại trại để ông bố trí việc làm cho và lúc đó sẽ đón bà cụ lên để dễ bề chăm nom. Đưa chiếc khăn mùi-soa lau nước mắt cho Cải, ông Cương khích lệ:

- Can đảm lên con trai, sao khóc nhè thế! Thôi, con chuẩn bị rồi bố chở ra bến xe!

Cải quệt nhanh dòng lệ, nhanh chóng mang hành lý lên vai, cùng bố nuôi lên đường. Hai người bịn rịn chia tay nhau, chiếc xe đò đã chạy khá xa, vẫn thấy bàn tay Cải đưa ra vẫy vẫy. Ông Cương mỉm cười gật gật đầu.

Truyện ngắn của Đinh Xuân Tiễn