Người viết bài này cũng từng tham gia quân ngũ nhưng may mắn không thành thương binh và nhất là không thành... liệt sĩ để còn ngồi đây viết mấy dòng này.
Nhiều chuyện buồn lắm!
Nhiều bạn của tôi không có được may mắn đó, họ mãi mãi không trở về với người thân. Mặc dù không trực tiếp cầm súng trên chiến trường, nhưng nhiệm vụ chúng tôi thực hiện khi đó không kém phần nguy hiểm và có đồng đội đã chết.
Trong số những người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường có người thân của tôi. Bà cô ruột tôi góp 4 người con trai cho chiến tranh, 2 anh may mắn sống sót trở về và bây giờ thành những... "ông lão dong trâu đi bừa" hàng ngày, tiếp nối truyền thống là "con ông lão năm xưa đi cày" [1] .
Còn 2 người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến địa, đến giờ vẫn không tìm thấy hài cốt. Hai liệt sỹ - 1 trong chiến tranh biên giới tây- nam, 1 trong chiến tranh biên giới phía bắc.
Cứ mỗi năm khi ngày 27/ 7 đến, bà cô tôi lại như người mất hồn, lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng khi đài, TV ồn ào tin trao quà cho gia đình thương binh liệt sĩ. Có lần bà bảo tôi: "Con sống sót trở về là nhờ tổ tiên phù hộ đấy".
Tôi "vâng" và cũng chẳng biết làm cách gì động viên bà, vì bà đã quá mệt mỏi với những câu động viên mà nghe hệt như trên TV mấy ngày trước rồi.
Tội nghiêp cho cụ, những ánh đèn flash quá chói chang với thị lực của người 90 tuổi bị dựng dậy một cách khó nhọc để chụp ảnh với mấy ông cán bộ tặng quà làm bà cụ mất mấy hôm mới nhìn lại được bình thường. Khi chụp ảnh, họ cố ý để cô tôi cầm chiếc phong bì giơ ra trước ông kính, cũng với nét mặt hớn hở của mấy quan chức.
Năm nào cũng thế, cứ thấy họ đến là cô tôi khóc nhiều hơn và cứ như muốn định đi trốn. Chả hiểu vì sao...
Cách đây mấy năm, cô tôi bị đau bụng phải đi viện cấp cứu. Con trai cụ, một "ông lão đi bừa", giơ giấy giới thiệu chứng nhận mẹ liệt sĩ và nói với bệnh viện: "Mẹ tôi đau lắm lịm đi từ mấy tiếng nay." Bệnh viện trả lời ráo hoảnh: "Giở giở đấy thôi, già thế này rồi cấp cứu làm gì."
Sau đó "ông lão đi bừa" khác cũng là con bà cụ nháy ông anh cất giấy chứng nhận đi và thay bằng 1 "phong thư", thế là cô tôi được khám cấp cứu ... Từ ngày đó, cô tôi bảo mấy ông con đừng bao giờ đưa cụ đến bệnh viện nữa, nếu có đau chết thì thôi.
|
Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn ngày 26/7. Ảnh: Nguyễn Phúc/ Thanh Niên |
Cũng như bao làng quê khác, quê tôi cũng có nhiều chuyện buồn lắm. Một chuyện buồn nữa là chuyện về "anh hùng xi măng", hàng xóm nhà vợ tôi.
Trước đây, dân quê vợ tôi gọi anh bằng cái tên Anh hùng chống Tàu, nhưng lâu nay không biết do ai bảo lại gọi anh bằng cái tên "uyển ngữ" ấy vì anh được phong Anh hùng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc năm 1979.
Ngày đó, xóm làng trở nên huyên náo vì những chuyến xe U-oát của cán bộ Huyện đội hay Tỉnh đội về thăm. Họ còn cho địa phương biết sẽ mở một con đường mới chạy thẳng đến tận nhà người anh hùng này...
Tiếp đó, không rõ đó là sáng kiến của ai mà anh còn được dựng tượng bằng xi-măng trong sân ủy ban xã.
Không lâu sau đó anh hy sinh. Tất cả vẫn như xưa, không có đường mới nào được mở. Vợ anh phải đi bước nữa, chỉ còn anh hùng xi-măng thì vẫn thấy đứng đó một mình. Nghe đâu chuyện dựng tượng sau đó bị phê phán là vi phạm quy định gì đó và có nguy cơ bị tháo dỡ.
Nơi nơi mọc lên những căn nhà 4-5 tầng của những người có tiền. Căn nhà bố mẹ anh thì vẫn như xưa khi anh khoác lên mình bộ áo lính.
Mỗi khi nhìn thấy "anh", cha mẹ anh lại khóc. Cha anh khóc đến nỗi bây giờ mắt gần như mù. Mẹ anh thì giờ đây đã gặp lại anh nơi thế giới vĩnh hằng. Thế nào anh cũng hỏi "con đường chạy thẳng đến nhà mình" có đẹp không.
Hãy bớt và...hãy nên...
Đọc bài của ông già ô-zôn Nguyễn Văn Khải, 1 cựu chiến binh, tôi càng thấy chúng ta phải làm điều gì thiết thực hơn thể hiện sự "tri ân". Hãy bớt xây tượng đài mẹ VN anh hùng để tiền biếu các cụ còn sống chữa bệnh, sửa lại mái nhà dột nát.
Hãy chăm sóc những thương binh khi họ còn hưởng được, hơn là xây những đài hương nghi ngút, với những câu nói sáo mòn. |
Hãy bớt những chuyến "hành hương về Trường Sơn" của khá nhiều cơ quan Nhà nước mà thực chất là chuyến "du hí" bằng tiền của chính cha mẹ, người thân những liệt sĩ nằm tại đây.
Hãy chăm sóc thật sự những thương binh còn đang "ngoi ngóp" như ông già Ô-zôn đã dẫn. Không biết chúng ta nghĩ gì khi đọc thông tin Dũng sĩ diệt Mĩ cấp ưu tú Nguyễn Trọng Thông (26 Hội Vũ, Hà Nội) nằm một mình, liệt đến nỗi chuột gặm thân thể mà không sao đuổi được.
Nhà nước phải có trách nhiệm chăm lo cho họ, chứ không thể yêu cầu chính bà con, anh em đồng đội họ may mắn còn sống trở về, giờ lại đóng góp mỗi khi ngày 27/7 đến. Những đóng góp của xã hội chỉ là khía cạnh tình cảm giữa người với người trên cơ sở tự nguyện.
Chẳng lẽ phải chờ đến khi những người thương binh này mất đi chúng ta mới... quan tâm đến họ sao? Tôi có cảm giác đây cũng là ảnh hưởng của một thói quen hay "truyền thống" cần phải thay đổi của người Việt.
Mẹ tôi có lần nói đại ý rằng nếu muốn tỏ lòng yêu thương người thân, hãy thể hiện bằng hành động cụ thể hữu ích khi họ còn sống. Một khi họ mất rồi thì có chống gậy vông đi gật lùi khi đưa tang, mâm cao cỗ đầy khi giỗ, chỉ là việc "diễn" cho người sống mà thôi.
Câu dặn ấy có lẽ đúng với cả những trường hợp bài này đang nói tới. Hãy chăm sóc những thương binh khi họ còn hưởng được, hơn là xây những đài hương nghi ngút, với những câu nói sáo mòn.
Những việc làm từ đạo đức thật sẽ làm dịu nỗi đau.
[1] Thơ Trần Ngọc Thụ