Đăng ngày 31-07-2012 trong chuyên mục Tin tức

Ngư dân là chiến sĩ

Nhà nước cần có chính sách được quy định cụ thể để hỗ trợ cho ngư dân. Có thể chưa gọi họ là liệt sĩ, thương binh, nhưng cá nhân họ và gia đình được hưởng chính sách có ý nghĩa tương tự.

Trong thư gửi về Dân trí, bạn Hưng Tú viết: “Tôi tha thiết đề nghị nhà nước ta hãy công nhận liệt sĩ cho những ngư dân trên biển bị tử nạn và công nhận thương binh cho ngư dân bị thương khi bị “tàu lạ” đánh chìm. Vì ngư dân ra khơi không chỉ đánh cá mà ra khơi là làm nhiệm vụ khẳng định và bảo vệ chủ quyền của đất nước, họ rất xứng đáng. Nếu là được như vậy thì chúng ta sẽ có một đội quân cảm tử trên biển, đố nước nào dám động vào. Một khi là cảm tử Việt Nam hy sinh cho Tổ quốc thì còn gì vinh quang bằng. Cảm tử Việt Nam anh hùng”.

Trước hết, tấm lòng của bạn với ngư dân và cao hơn là với đất nước rất đáng trân trọng. Không có tấm lòng yêu nước thì sẽ không có những trăn trở, thao thức như vậy. Điều tiếp theo là xin được bàn về ý tưởng, hay nói cách khác là đề xuất của bạn.

Ngư dân Việt Nam ra khơi ngày nay không chỉ chống chọi với sóng gió bão tố, mà phải đấu tranh với những hiểm nguy của kẻ xâm lấn biến đảo Tổ quốc.Mặc dù chưa có tiếng súng, nhưng biển cả là một cuộc chiến, phải giành giật từng mét nước chủ quyền và ngư dân là những chiến sĩ. Lịch sử có những thách đố mà dù muốn hay không con người cũng không thể không đối diện, trong trường hợp này, ngư dân có sứ mệnh của một chiến sĩ. Nói như bạn về hai chữ “cảm tử” không phải là không có lý.

Tuy nhiên, việc công nhận thương binh và liệt sĩ lại là chuyện khác, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, chưa kể còn liên quan đến các văn bản pháp luật quy định về chế độ chính sách đối với người có công. Muốn thay đổi các quy định cũ cần phải có thời gian và phải có những lý luận, quan điểm phù hợp, thuyết phục. Cho nên, trong khi chờ đợi cái lâu dài, hãy tính đến cái có thể làm ngay.

Chúng ta có nhiều sáng kiến để hỗ trợ ngư dân và biển đảo như “Tấm lưới nghĩa tình”, “Góp đá cho Trường Sa”… Các chương trình này luôn được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Các nạn nhân bị thiệt mạng do “tàu lạ” húc cũng có được sự hỗ trợ từ các chương trình từ thiện. Nhưng đó vẫn chỉ là sự hỗ trợ có tính chất nhất thời, thực hiện theo một sáng kiến và có giới hạn thời gian. Cái cần là nhà nước có chính sách được quy định cụ thể để hỗ trợ cho ngư dân, đặc biệt là những người bị “tàu lạ” húc chìm trên biển, chết hoặc bị thương tật. Có thể chưa gọi họ là liệt sĩ, thương binh, nhưng cá nhân họ và gia đình được hưởng chính sách có ý nghĩa tương tự.

Nếu nhà nước có chính sách như vậy thì sức mạnh của toàn dân sẽ được phát huy. Ý nghĩa của nó thì như bạn Hưng Tú đã phân tích.

BLOG Dân trí rất mong các bạn cùng trao đổi thêm về đề xuất trên.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!