Thời ấy, vượt Trường Sơn chỉ có chiếc gậy, đôi dép lốp. Giờ người Hà Nội vượt Trường Sơn trên xe chất lượng cao, "di động" í ới suốt dọc đường. Ngày đi, đêm ngủ khách sạn hai sao mà người cứ bã ra. Lâu lắm lại được hát vô tư, như hồi trai trẻ. Bao bài hát rạo rực một thời, cất giữ trong lòng chợt ùa về. Không phải hát gào như ka-ra-ô-kê, mà hát cho mình. Có khi nhầm lời, sai nhạc, nhưng hát căng lồng ngực, quên cả mái tóc bạc trên đầu...
Ngó qua cửa kính, không thấy bụi, cũng chẳng thấy "Rừng Trường Sơn ào ào lá đổ...", mà trong lòng thấy bồi hồi, khó tả. Lần đầu trong đời, chiều nay tôi đặt chân tới Nghĩa trang Trường Sơn. Cũng là đi sau chân hàng chục vạn người đã vượt mấy trăm cây số, lên thăm những liệt sĩ chưa biết mặt, biết tên, cả những người chưa thấy tên. Mỗi người cầm một bó hương, mỗi mộ chỉ thắp đúng một nén. Bao nhiêu hương mới đủ thắp hết hơn 10.260 ngôi mộ? Phải ở lại đây mấy ngày, may ra mới viếng được hết bốn khu mộ liệt sĩ của 29 tỉnh, thành phố miền bắc, miền trung. Tôi bước dọc dãy mộ, đốt hai bó hương, đọc tên từng người, thắp hương, cúi đầu, khấn thầm. Còn một nén cuối cùng, tôi ngẩng lên thấy còn nhiều mộ trước mặt, dưới chân đồi và cả một ngọn xa mờ. Khói hương phơ phất, quấn quýt, mắt nheo mờ.
Xa mãi ngoài nghĩa trang, người sống đang phấn đấu để mọi người được sống công bằng, bình đẳng. Ở trên này, mọi người lính đều "bình đẳng" trước cái chết. Hơn mười nghìn ngôi mộ, sâu bằng nhau, cao bằng nhau, đều một mầu trắng. Trắng đến sáng lóa, sáng trong, chứ không trắng lạnh lẽo. Ông Trưởng ban Quản lý nghĩa trang cho biết, hơn 60% số liệt sĩ đều ở tuổi từ 18 đến 22. Tuổi đẹp nhất, tràn trề sinh lực và đáng sống nhất. Ông kể, có đêm mọi người đều nghe có tiếng hát trong lòng đất. Rồi những giấc mơ, thấy những người lính ba-lô trên vai, súng vẫn nắm chặt trong tay. Là người lính Trường Sơn năm xưa, ông không tin chuyện mê tín. Nhưng ông bảo, các anh ấy thiêng lắm. Chúng tôi nhắc, việc gì đã hứa với các anh là phải làm. Từ chuyện sửa sang phần mộ, đúc chuông trong khu tưởng niệm. Hứa mà không làm là có tội. Khi dâng hương trên đỉnh đồi cao nhất, mỗi đoàn, mỗi người đều đọc thầm một lời hứa trước linh hồn các anh, các chị. Có bao điều hứa không làm hay chưa làm? Nhìn hàng nghìn ngôi mộ xếp thẳng hàng, đều tăm tắp như những người lính trong hàng quân trùng điệp, cảm giác như có những đôi mắt vẫn đang nhìn, không chớp. Cầm trên tay những cuốn sách dày, nặng trĩu danh sách liệt sĩ các tỉnh miền bắc, miền trung, tôi không thể tìm được tên người anh trai của một người bạn nhờ giúp, trong chuyến đi may rủi này. Đã xế chiều, nắng tắt dần, ngày sắp hết. Chợt văng vẳng tiếng chuông đồng trên đài tưởng niệm. Chậm rãi từng tiếng, rung động không gian vắng lặng, nhói lạnh dọc sống lưng. Tiếng chuông có đủ ngân xa, âm vang suốt cả dãy Trường Sơn, nơi vẫn còn những liệt sĩ chưa được về đây yên nghỉ? Chuông có vang vọng tới những mái nhà tình nghĩa, nơi có những người mẹ già, những người thân yêu, thương nhớ không nguôi...
Không thể nấn ná thêm, trước lúc rời nghĩa trang, tôi đứng lặng dưới bóng cây bồ đề. Ông Trưởng ban Quản lý nói không hiểu sao, tự nhiên cây bồ đề lại mọc ở đúng chỗ đất dựng đài tưởng niệm. Vì chung quanh vùng này, trong vòng mười cây số, không hề có loại cây gốc đất Phật này. Lặng im, tôi ngước nhìn tán lá tỏa rộng, như mái rợp mát trùm bóng che chở tượng đài cẩm thạch. Bất chợt, vòm lá gió khẽ lay xào xạc, rì rào, ngỡ như tiếng người lao xao. Còn bao người ở những góc đất khuất nẻo, vùng sâu, vùng xa chưa một lần đặt chân tới đây? Ngày lễ, ngày Tết, hàng vạn chiếc xe con, xe to đi lễ chùa, trẩy hội, mấy ai lặn lội "về nguồn" Trường Sơn. Đường về nguồn thì xa xôi, chỗ vui chơi lại quá gần. Đi nước ngoài dễ hơn và sướng hơn về nguồn. Chẳng cứ ai cũng phải qua Trường Sơn, lên Trường Sơn thì mới rõ mình hơn. Lên đây chỉ để cúi đầu kiểm tra sự trong sạch của mình trước những người đã bỏ mình vì những người đang sống...
Với thế hệ như chúng tôi, lịch sử, mạch nguồn đã ngấm vào máu thịt. Nhưng còn lớp trẻ sinh sau, đẻ muộn. Lịch sử hay chiến tranh chỉ thuộc lòng như sách, xem qua như một vài thước phim, hay một buổi truyền hình trực tiếp. Khác hẳn lịch sử được nhìn tận mắt, sờ tận tay. Chuyến du lịch trọn gói này, gói trọn cả một "bảo tàng" di tích của một thời đạn bom: Trường Sơn, Đường Chín-Khe Sanh, cầu Hiền Lương-sông Bến Hải, ngã ba Đồng Lộc, thành cổ Quảng Trị và địa đạo Vịnh Mốc. Đặt chân tới thành cổ Quảng Trị, mỗi bước đi rón rén bởi ở dưới lớp cỏ xanh có hàng nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ. Tuổi cũng từ mười tám, đôi mươi như ở Trường Sơn. Và khi chạm tay vào tường đất lạnh dưới địa đạo Vịnh Mốc, sâu hun hút hơn 20 mét. Và khi nhìn tận mắt những "căn hộ", nhà "hộ sinh", "lớp học" chỉ là những căn hầm nông choèn, khoét vào vách đất, rộng chưa đầy hai mét, không ai cầm nổi nước mắt. Hơn 90 gia đình từng sống dưới ba tầng đất, ròng rã gần sáu năm trời. Hơn mười tám đứa trẻ đã ra đời, mà không được thấy ánh mặt trời và làn gió tươi mát. Tôi ngó xuống một giếng nước ở ngách cuối đường hầm. Nước trong vắt, mạch đầy ắp, mát lành như giếng cổ trong Hoàng thành Thăng Long. Suốt hơn 40 cây số đường hầm địa đạo, không có một đoạn nào có thể thẳng lưng, ngẩng đầu mà bước. Bây giờ, kể những chuyện ấy, giữa cuộc sống tất bật, gấp gáp, nghe như chuyện xa xưa, xưa cũ quá rồi. Lịch sử đang lùi xa dần về phía quên lãng, rồi có thành cổ tích? Đêm khuya giữa thành cổ Quảng Trị, ai đó khẽ hát "cỏ non xanh tươi xin chớ vô tình". Sông Thạch Hãn vẫn trôi xuôi như không hề vướng gợn sóng những người lính trẻ đã bỏ mình giữa nước xiết.
Thuộc tính của con người là dễ quên, quên năm trước, quên những gì đã mất. Hẳn nhiên, không thể lúc nào cũng canh cánh không quên quá khứ, nhưng dòng đời cuốn trôi nhanh lắm, chẳng còn kịp nhớ hay kịp rảnh rỗi tâm trí mà lật giở lại từng trang ra đọc mà ngẫm nghĩ. Sáng nay, trên đường về Hà Nội, bên quán nước chè xanh ở chợ thị xã, tôi hỏi một cô gái, cháu đã đến Đồng Lộc bao giờ chưa, có mười cô gái quê ở Hà Tĩnh đã hy sinh, có cô tuổi như cháu bây giờ? Cô bé ngại ngùng, lắc đầu. Rồi vội vã chen vào cửa hàng mua đồ. Bưng bát nước chè xanh nóng hổi, đặc sản xứ Nghệ với món kẹo "cu-đơ" ngọt sắc vị mía đường, tôi nhận ra vị đắng chát. Ai không quen, ruột gan sẽ cồn cào, nôn nao...
Xa Hà Nội có dăm hôm, mà ngỡ như đã cả chục ngày. Tự dưng quên hẳn khói bụi, quên cả ồn ào, tắc đường. Sáng tinh mơ, một mình lang thang trên bãi biển Thiên Cầm vắng ngắt. Xa xa có tiếng chuông sớm trên chùa Sơn Cầm. Nghe gió rì rào, xao động rừng thông, hay là gió từ trên Trường Sơn, từ Đồng Lộc ùa về. Chết không phải là hết. Sự hy sinh là vô hạn. Cái tưởng là vô hạn, lại nằm trong lòng bàn tay của những người đang sống. Hạt không thể biến mất trước khi cho ra đời mầm cây. Lên Trường Sơn hôm nay, tôi mới cảm nhận, nhìn rõ hơn điều đó.