Tôi quen anh cũng là một sự tình cờ. Đó là sau bài báo “Miếu thành hoàng làng đội mũ cối” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến viết về cuộc chiến đấu, hy sinh của các chiến sĩ Quân giải phóng thuộc Trung đoàn 207, Quân khu 8 năm 1973 tại ấp Đá Biên, huyện Thạnh Hóa, Long An, đến nay vẫn còn hàng trăm hài cốt liệt sĩ chưa tìm được, tôi có viết thư đề nghị và được lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đồng ý tài trợ kinh phí để xây dựng Nhà bia ghi danh và tưởng niệm các liệt sĩ.
Tôi vào TP HCM và được gặp anh cùng một số cựu chiến binh Trung đoàn 207, được các anh đưa về ấp Đá Biên, để rồi từ đó anh trở thành một người bạn thân thiết của tôi. Anh là Phạm Văn Thông, chiến sĩ đặc công của Trung đoàn 207 trước đây.
Nổi chìm đời lính sau chiến tranh
Nhìn Phạm Văn Thông bây giờ, cao to, khá đẹp trai, có xe ôtô riêng với tay lái “lụa”, nay TP HCM, mai Long An, bất kể khi nào có bạn bè chiến đấu cũ cần đến, không mấy ai biết anh là một thương binh, hai lần bị thương và lại có một quãng đời sau chiến tranh chìm nổi đến vậy.
Quê ở Gia Lộc, Hải Dương, tốt nghiệp phổ thông, có giấy gọi vào Đại học Xây dựng nhưng tháng 4/1972 Phạm Văn Thông xung phong nhập ngũ và được chọn làm lính đặc công. Sau thời gian huấn luyện ở Sơn Tây, Thông cùng đơn vị lên đường vào chiến trường miền Nam . Năm ấy anh vừa tròn 18 tuổi. Vào tới Lộc Ninh, anh cùng một số chiến sĩ được điều về Trung đoàn 207 Quân Giải phóng, thuộc Quân khu 8, bắt đầu những ngày chiến đầu gian khổ của người lính đặc công trên chiến trường miền Nam cho tới ngày giải phóng.
Anh đã tham gia hàng chục trận đánh, hai lần bị thương, lần thứ hai bị thương ở đùi sáng 29/4/1975 tại ấp Trung, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (tỉnh Định Tường cũ) đúng một ngày trước ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày 30/4/1975 ít lâu, Thông được đơn vị cho ôn thi đại học và đã trúng tuyển kỳ thi vào Trường Đại học Y Dược TP HCM. Năm 1982, ra trường anh xin về công tác tại XN Dược phẩm Hải Dương. Năm 1986, chàng dược sĩ Phạm Văn Thông cưới vợ. Vợ anh là người đồng hương. Ít lâu sau đó họ đã chia tay nhau. Năm 1993 anh bỏ vào TP HCM quyết tâm tạo lập cuộc sống mới.
Sau hai năm vào TP HCM, Thông trở ra Bắc đón con trai, lúc đó mới được 5 tuổi vào ở cùng. Và từ đây cuộc sống của cha con anh thay đổi hẳn.
|
Cựu chiến binh Phạm Văn Thông trước công trình Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 207 tại ấp Đá Biên, Thạnh Hóa, Long An. |
Hai mươi hai năm bươn chải ở TP HCM, từ một anh chàng dược sĩ - thợ hồ - chạy xe ôm, đến nay Phạm Văn Thông đã trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực dược. Hiện anh đang làm tư vấn cho một công ty dược với mức lương 25 triệu đồng một tháng. Anh có nhà cửa đàng hoàng, có xe ôtô riêng từ nhiều năm nay. Anh vẫn sống một mình cùng cậu con trai đang học năm cuối Đại học Ngoại thương ở TP HCM.
Ám ảnh cái chết của bạn trong tay và nặng lòng với Đá Biên
Không phải đợi đến bây giờ khi cuộc sống đã khá lên Phạm Văn Thông mới nhớ tới bạn bè chiến đấu cũ đã hy sinh. Từ nhiều năm nay Phạm Văn Thông tham gia Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 207 ở phía Nam, do anh Phan Xuân Thi làm Trưởng ban, dành nhiều tâm huyết, tiền bạc, phương tiện đi lại cho công việc tìm hài cốt liệt sĩ và thăm thân nhân gia đình liệt sĩ.
Dịp 30/4/2012 vừa rồi gặp anh tại TP HCM, anh kể với tôi kỷ niệm về hai người đồng đội đã hy sinh, đến bây giờ vẫn còn ám ảnh anh mãi. Đó là anh Bằng, quản lý của Đại đội đặc công 25. Anh Bằng người gày, yếu, nhiều tuổi nhất trong Đại đội, quê ở tỉnh Hưng Yên, được các chiến sĩ coi như anh ruột của mình. Thông không bao giờ quên những đêm anh Bằng thức trắng rang gạo, rang đỗ, làm lương khô gói thành từng gói nhỏ trìu mến đưa tận tay cho từng đứa em mang theo ra trận, cùng với lời dặn từng người:
- Nhớ trở về em nhé! Sau chiến tranh thế nào anh cũng đón em về thăm nhà anh. Nhà anh ở gần đầm Dạ Trạch. Anh sẽ đánh cá ở đầm lên nướng, anh em mình cùng uống rượu em nhé!
Bao nhiêu lần anh Bằng dặn như thế, anh em ra trận có người trở về, còn anh Bằng thì mãi mãi nằm lại tại xã Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Hưng, Long An, bên dòng sông Cửu Long trước ngày giải phóng.
Thông bảo sau chiến tranh anh đã về quê thăm bố anh Bằng, nay đã ngoài 90 tuổi và đã cùng gia đình và bè bạn trở lại nơi anh Bằng hy sinh để tìm hài cốt của anh nhưng vẫn chưa tìm được.
Chính từ những kỷ niệm đau đớn, dằn vặt và ám ảnh đó mà mấy năm nay Phạm Văn Thông cùng Trưởng Ban liên lạc Phan Xuân Thi và các cựu chiến binh Trung đoàn 207 đã làm hết sức mình, từ việc vận động đóng góp và tài trợ công sức, tiền bạc, đến việc phối hợp với địa phương và các đơn vị có liên quan để hoàn chỉnh thủ tục hồ sơ lập dự án đầu tư xây dựng để sớm có được Nhà bia ghi danh và tưởng niệm hơn 400 liệt sĩ của Trung đoàn 207 đã hy sinh trong hai năm 1973, 1974 trên chiến trường miền Nam, trong đó có gần 200 liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đấu ở ấp Đá Biên, Thạnh Phước, Thạnh Hóa, Long An mà nay vẫn chưa tìm được hết hài cốt.
Lúc xảy ra trận chiến đấu ở ấp Đá Biên cuối tháng 10/1973, Phạm Văn Thông chưa được điều động về Trung đoàn 207. Nhưng những hình ảnh và tấm gương hy sinh của các chiến sĩ Đại đội đặc công 25 và của Trung đoàn 207 trên khắp các chiến trường đã thôi thúc anh và các cựu chiến binh của Trung đoàn bỏ hết tâm sức cho Dự án Nhà bia ghi danh và tưởng niệm liệt sĩ ở ấp Đá Biên thật đàng hoàng, trang trọng, thỏa lòng mong đợi của thân nhân các gia đình liệt sĩ và của bà con, đồng đội của các liệt sĩ, làm ấm lòng các anh còn nằm lại nơi đây.
Không những thế, từ mấy năm nay, Phạm Văn Thông còn bỏ công sức và tiền của lập một trang web cho Ban liên lạc Trung đoàn 207, làm nơi thông tin và gắn kết tình đồng chí, đồng đội năm xưa, cùng nhau chia sẻ vui buồn và giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Và thật xúc động, đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác 19-5 năm nay, công trình Nhà bia ghi danh và tưởng niệm các liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8, trên khu đất rộng gần 5.000m 2 tại ấp Đá Biên, Thạnh Hóa, Long An, được khởi công xây dựng. Đây là công trình có sự đóng góp công sức và tiền của của các cựu chiến binh Trung đoàn 207, của bà con nhân dân ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, của bà con nhân dân huyện Thạnh Hóa, cùng với nguồn tài trợ 5 tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank).
Công trình dự kiến khánh thành vào ngày 3/10 tới đây, đúng ngày giỗ lần thứ 39 của gần 200 liệt sĩ Trung đoàn 207 tại ấp Đá Biên. Công trình này sẽ trở thành một di tích lịch sử và cách mạng đầy ý nghĩa, không chỉ của Thạnh Hóa mà của cả tỉnh Long An, là nơi ghi danh và tưởng niệm các liệt sĩ và giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Hà Nội, tháng 7/2012