Bên những mái ấm cho người có công
Đến thăm Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 (Thanh Oai, Hà Nội), chúng tôi gặp người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Đình, 74 tuổi, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã có 15 năm gắn bó với địa chỉ này. Chồng bà là liệt sĩ Nguyễn Công Ích, hy sinh năm 1969 ở chiến trường miền Nam nhưng hơn 40 năm qua, bà vẫn chưa tìm được mộ chồng. Người con gái duy nhất đang sinh sống tại Đà Nẵng cũng rất nhiều lần trải bao hành trình tìm kiếm mộ cha nhưng chưa thành công. Không muốn xa quê hương, bà vào Trung tâm sống cho tiện sinh hoạt bởi cảm thấy vào đây vui hơn ở nhà, có người trò chuyện quan tâm, chăm sóc.
Ông Nguyễn Văn Nhiêu, Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội, cho biết, từ năm 1994 đến nay, cơ sở này đã nhận, nuôi dưỡng thường xuyên 100 đối tượng. Nhiều cụ đã qua đời tại đây. Trong số 59 người đang được chăm sóc thường xuyên tại đây có nhiều người là mẹ, vợ liệt sĩ, người hưởng chính sách như thương binh, người cô đơn không nơi nương tựa. Gần 65% số họ tuổi đã cao, từ 70 tuổi trở lên. Nhiều cụ còn ở trong tình trạng bất động, mất khả năng tự phục vụ sinh hoạt cá nhân, phải phục vụ toàn phần. Tuy vậy, nhiều người mẹ, vợ liệt sĩ đang được nuôi dưỡng ở trung tâm này vẫn chưa tìm được mộ người thân đã hy sinh. Đây có lẽ là niềm mong mỏi lớn nhất của họ tới lúc “nhắm mắt xuôi tay”. Bên cạnh khoản trợ cấp hằng tháng cho người có công của Nhà nước, các cụ cũng được hỗ trợ 700 nghìn đồng mỗi tháng từ ngân sách của thành phố Hà Nội.
Tiền thân của Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 là khu điều dưỡng thương binh nặng Hà Sơn Bình ra đời năm 1978 nhằm chăm sóc 650 thương - bệnh binh. Sau 15 năm hoạt động, trung tâm đã hoàn thành nhiệm vụ điều dưỡng thương - bệnh binh, chuyển sang nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng từ năm 1994. Theo bác sĩ Phùng Xuân Phiến, Phó trạm trưởng trạm y tế Trung tâm, nhiều người có công ở đây mang trong mình những căn bệnh tuổi già như sa sút trí tuệ, tiểu đường, cao huyết áp… Trung tâm luôn cố gắng điều trị, kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc, phục hồi chức năng để bảo đảm tốt nhất về sức khỏe cho đối tượng này.
Trong dịp 27-7 năm nay, Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội (Mỗ Lao, Hà Đông) đón nhận nhiều người có công từ hai quận Cầu Giấy và Hai Bà Trưng tới nghỉ ngơi. Sau gần 35 hoạt động, Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội đã nuôi dưỡng 230 lượt người có công là các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, thương binh và người già hưu trí cô đơn của Thủ đô. 194 cụ đã qua đời tại đây và được tôn vinh, ghi công, thờ cúng tại nhà tưởng niệm. Từ năm 2010, Trung tâm cũng được giao nhiệm vụ thờ vĩnh viễn 19 anh hùng, liệt sĩ không có nơi thờ cúng và 89 các anh hùng liệt sĩ là thân nhân của các cụ.
Bác Lưu Thị La, vợ liệt sĩ trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, tới Trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội tham gia đợt điều dưỡng một tuần ở đây. Bác La nhận xét, việc ăn uống, chăm sóc rất thoải mái, lại thêm cơ hội thăm quan nhiều nơi. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều bạn bè ở các nơi. Chồng bác là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hà, hy sinh năm 1972 tại Xiêng Khoảng (Lào), Từ đó, bác ở vậy nuôi hai người con trưởng thành, đồng thời chăm sóc người mẹ già. Rơm rớm nước mắt khi kể về hành trình đi tìm hài cốt của người chồng liệt sĩ suốt 30 năm, năm 2002, gia đình bác mới tìm thấy mộ ông tại nghĩa trang Việt - Lào (tỉnh Nghệ An). Hiện tại, bác vẫn cố gắng tham gia công tác xã hội tại địa phương để quên đi những nỗi đau mất mát người thân.
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội khẳng định, chính sách với người có công không chỉ dừng ở những giải pháp thăm hỏi, tặng quà mà cần trở thành hoạt động thường xuyên, thực tế cho các gia đình chính sách. Cuối năm 2011, Hà Nội đã bắt đầu một đợt công tác về giải pháp giải quyết nhà ở cho hộ nghèo, trong đó ưu tiên giải quyết về nhà ở cho hộ nghèo chính sách để họ yên tâm trong đời sống. Ccác chế độ khác như miễn giảm học phí, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, tạo việc làm cho con em thân nhân của người có công cũng được triển khai tích cực…
Bổ sung chính sách ưu đãi cho người có công
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, toàn quốc hiện có 8,8 triệu người có công, chiếm khoảng 10% dân số. Trong số này có khoảng 1,2 triệu anh hùng, liệt sĩ đã được phong tặng, truy tặng; hơn 50 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng với hơn 3.000 mẹ còn sống; hơn 780 nghìn thương binh; 300 nghìn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học…
Hiện nay, mỗi tháng có khoảng 1,47 triệu người thụ hưởng chính sách trợ cấp của Nhà nước với mức trợ cấp điều chỉnh phù hợp trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân toàn xã hội. Ngoài ra, nhiều người khác cũng đã được hưởng trợ cấp một lần. Hằng năm, ngân sách nhà nước dành khoảng 26 nghìn tỷ cho công tác chăm sóc, trợ cấp người có công. Nhà nước cũng cố gắng bảo đảm người có công có cuộc sống cao hơn mức sống trung bình ở khu vực họ đang ở. 95% người có công hiện nay đã có mức sống trung bình trở lên.
Dự kiến, ngày 26-7, Văn phòng Chủ tịch nước sẽ công bố Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Khi văn bản này có hiệu lực, số người thụ hưởng chính sách sẽ tăng. Một số chính sách như bổ sung chế độ người nuôi dưỡng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tăng chế độ điều dưỡng luân phiên từ năm năm/lần xuống còn hai năm/lần và nhiều chính sách khác. Hiệu lực của các chính sách mới có thể làm tăng ngân sách của Nhà nước khoảng 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Về thời điểm có hiệu lực thi hành, quy định chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, trợ cấp người phục vụ đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên áp dụng từ ngày 1-9-2012. Các chế độ, chính sách khác có hiệu lực từ ngày 1-1-2013.