Đăng ngày
24-07-2012
trong chuyên mục
Tin tức
Xã hội hóa việc chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công
(GĐVN) Qua hai cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc, để có được nền độc lập hôm nay, chúng ta đã phải đánh đổi bằng xương máu, sự hy sinh của biết bao thế hệ. Trong thời bình, có rất nhiều Thương bệnh binh, gia đình có công, các mẹ Việt Nam anh hùng, người bị nhiễm chất độc điôxin do chiến tranh để lại cần được hỗ trợ, quan tâm, chăm sóc.
Ngân sách hàng năm của Nhà nước chi cho ưu đãi xã hội phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế nên việc xã hội hóa công tác chăm lo cho thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công đóng một vai trò quan trọng để làm tốt chủ trương Đền ơn đáp nghĩa của nhà nước.
Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), ngày 28/4/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 12/CT-TTg, huy động toàn thể chính quyền các cấp, Ban, ngành vào việc tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng và hoạt động đền ơn đáp nghĩa, để người có công và thân nhân của họ có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công của Đảng, nhà nước ta phù hợp với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và triết lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc nên được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Tháng 7 hàng năm là dịp việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa thể hiện rõ nét nhất. Đã có nhiều các hoạt động đền ơn đáp nghĩa diễn ra liên tục như: Quan tâm chăm lo đời sống các gia đình liệt sĩ, thương binh, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc phần mộ các liệt sĩ, tổ chức những hoạt động về nguồn... đã trở thành phong trào lan rộng trong xã hội, là nét đẹp văn hóa, là nghĩa cử mang tính nhân văn sâu sắc trong cộng đồng, có sức lan tỏa và trở thành một hoạt động ngày càng sâu rộng. |
Bà Lê thị Bình - TGĐ Cty Dược phẩm Tâm Bình đang tặng quà cho các gia đình chính sách |
Chủ trương xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa cũng đã thu hút được nguồn lực mạnh nhất của xã hội, đó là khối doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã ủng hộ cho việc chăm sóc, giúp đỡ và hỗ trợ các đối tượng chính sách, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa và nhiều hình thức hỗ trợ khác.
Điều đáng mừng là có những doanh nghiệp coi việc quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách là hoạt động truyền thống của công ty, luôn có các hoạt động quan tâm chăm sóc đối tượng chính sách một cách tích cực. Công ty Dược phẩm Tâm Bình là một điển hình tiêu biểu.
Là doanh nghiệp thuộc ngành Dược nên các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của công ty đều nhắm vào việc chăm sóc sức khỏe, y tế cho những đối tượng chính sách. Từ năm 2007 đến nay, công ty đã tổ chức nhiều đợt thăm khám và phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có công tại các địa phương có nhiều dấu tích chiến tranh đi qua như Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội...; giành nhiều phần quà có ý nghĩa để thăm hỏi, động viên các mẹ Việt Nam anh hùng và các thân nhân gia đình các thương binh liệt sĩ trên cả nước…
Hưởng ứng đợt cao điểm cuộc vận động Toàn dân thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” từ ngày 19-5 đến 27-7-2012 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, công ty Dược phẩm Tâm bình đã 3 lần liên tục đi thăm khám, chăm sóc sức khỏe, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho các đối tượng thuốc diện chính sách, người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo ở Thái Bình, các cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, tổng số đối tượng chính sách được thăm khám, phát thuốc miễn phí và tặng quà lên tới gần 300 người… Vào 13-14/7/2012 tới, công ty tổ chức thăm khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí trên diện rộng cho 1000 đối tượng chính sách gồm thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam… ở huyện Nghĩa Hưng- Nam Định.
|
công ty Dược phẩm Tâm Bình coi công tác đền ơn đáp nghĩa là một hoạt động không thể thiếu |
TGĐ Lê Thị Bình chia sẻ: Giữa những ngày “Tháng Bảy tri ân” là dịp để chúng tôi ghi nhớ công lao to lớn của những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Bằng những việc làm cụ thể, như một nén hương kính cẩn tri ân những người đã anh dũng hy sinh cho đất nước ngàn năm vững bền. Chúng tôi muốn cùng chung tay với cộng đồng góp phần chăm lo công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng chu đáo.
Phải khẳng định rằng nếu không có việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa thì chắc chắn công tác chăm cho cho các đối tượng chính sách, người có công không được lan tỏa sâu rộng như bây giờ. Vì thế, cần lắm những đơn vị, doanh nghiệp như công ty Dược phẩm Tâm Bình coi công tác đền ơn đáp nghĩa là một hoạt động không thể thiếu trong các hoạt động của công ty, là sự tri ân đúng đắn với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Bùi Kim Xuyến