Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Cầu nối âm dương

Cuộc kháng chiến cứu nước đã lùi xa, hai miền đất nước đã thống nhất gần nửa thế kỷ, nhưng còn hàng vạn liệt sỹ vẫn nằm rải rác đâu đó nơi cánh rừng, bờ suối, nơi ngọn cỏ, khe núi khắp đất nước Việt Nam.

Vẫn còn đó hàng vạn bà mẹ đã qua cái tuổi cổ lai hy vẫn hàng ngày mong mỏi với niềm hy vọng một ngày nào đó, hài cốt của con mình sẽ được trở về với quê hương - nơi chôn nhau cắt rốn. Mơ ước là như vậy nhưng do thiếu thông tin, cuộc sống còn nhiều khó khăn và còn nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan khác nữa nên tâm nguyện của các mẹ khó thành hiện thực.

Nắm bắt được những điều mong mỏi đó, vừa qua Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đã quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ trực thuộc Hội với mục đích nơi đây sẽ là cầu nối của Hội cũng như của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam với các gia đình, thân nhân các gia đình liệt sỹ.

Giám đốc của Trung tâm là cựu chiến binh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thương binh đồng đội Đỗ Việt Dung. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết, việc cung cấp thông tin, hỗ trợ gia đình liệt sỹ và quy tập ngay từ hồi chưa thành lập Trung tâm thì ông và các anh, chị, em bên Công ty của ông đã làm.

Trước khi thành lập Trung tâm này, Công ty của ông đã quy tập được hơn 100 hài cốt liệt sỹ. Việc làm này đến với ông cũng rất vô tình, đầu tiên chỉ là chuyện ngẫu hứng do công ty của ông là công ty thương binh và trong mấy chục con người đó ai cũng từng có những người bạn, những người đồng đội đã hy sinh.

Chính vì vậy, anh em đề nghị thành lập những đội tìm hài cốt đồng đội và cũng hoạt động khá hiệu quả. Thêm vào đó, có những gia đình, thân nhân liệt sỹ thường gửi thư cho các anh em trong Công ty hỏi về nơi chôn cất con em họ và còn gửi kèm theo cả những lá thư con em họ gửi về từ chiến trường.

Ông Dũng cho biết, đầu tiên ông giữ những lá thư đó với mục tiêu là giáo dục truyền thống cho con cháu, bởi đó là những dòng chữ thể hiện quyết tâm của những con người đã ngày đêm cận kề sự sống và cái chết. Ông còn rất cẩn thận ép plastic rất nhiều những bức thư như thế. Lâu dần, đó trở thành những nguồn thông tin để ông và các anh em tìm và truy tập hài cốt liệt sỹ giúp các gia đình.

Dù vậy, ông vẫn luôn nghĩ rằng, mình làm như vậy không chính thống và rất ngẫu hứng, cần phải có một trung tâm danh chính, ngôn thuận làm công việc này tốt hơn. Vậy là Trung tâm hỗ trợ tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ được thành lập.

Hơn 10 con người của trung tâm hầu hết thuộc Công ty Đồng đội, một số cộng tác viên mới xin về. Hàng ngày, họ là nhịp cầu nối liền hai cõi âm, dương, là sứ giả mang tin vui cho gia đình các thân nhân, liệt sỹ và trong họ vẫn hừng hực cháy ngọn lửa của tình đồng đội. Ông nói: “Ở đây giám đốc làm việc không lương. Tuy nhiên, tôi phải sắp xếp cho con gái một thương binh làm tạp vụ để có thêm thu nhập, còn tiền thuê nhà của cô gái này thì tôi trả bằng tiền của mình. Ở đây tiền bạc thì không có, nhưng tấm lòng thì rất nhiều”.

Ông cho biết, ngay cả căn nhà khang trang làm trụ sở này cũng là của một gia đình hảo tâm cho mượn vô thời hạn và vô điều kiện. Bây giờ bà chủ nhà Lương Thanh Thúy ấy đang là Phó giám đốc phụ trách tài chính và xin tài trợ của Trung tâm. Hơn một tháng thành lập, ngoài tìm mộ liệt sỹ, Công ty còn xin tài trợ và đến thời điểm này đã xây được 5 ngôi nhà tình nghĩa tặng các gia đình liệt sỹ ở Nam Định, Phú Thọ, Nghệ An và Hà Tĩnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tại trung tâm còn có một phòng riêng dành để thờ vong linh các liệt sỹ rất trang nghiêm và cũng được xây nên bằng tấm lòng của những con người không vô tâm với quá khứ.

Chúng tôi chia tay ông Giám đốc trung tâm mà vẫn văng vẳng trong đầu câu nói của ông: “Còn tí sức lực nào là tôi sẽ vẫn đi tìm mộ và giúp đỡ các gia đình liệt sỹ. Thế nhưng các anh chị đừng đánh giá, cũng đừng tôn vinh gì tôi cả. Tôi chỉ thấy việc đấy là việc tôi phải làm bởi tôi nợ họ - những người đã ngã xuống vì đất nước này. Tôi không mong gì cả, chỉ mong các anh, chị thông tin là ở đây có một trung tâm như thế, để các gia đình, thân nhân liệt sỹ có thể biết và liên lạc với chúng tôi”.

Sẽ thật là vô tâm nếu ta quên đi những người con đã hy sinh và đang còn ở đâu đó trên khắp đất nước này. Đừng để những bà mẹ liệt sỹ cứ cặm cụi trong lặng yên chờ các anh về, dù sự trở về ở đây chỉ còn là nắm xương tàn.

Mọi yêu cầu xin gửi về địa chỉ Số nhà 4 ngõ 515 Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ Hà Nội. Điện thoại: 0422139468.

Bài và ảnh: Đức Độ