Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Chiều 24-8, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lần lượt tiếp Đoàn đại biểu cựu tù nhân chính trị quận Phú Nhuận, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) và Đoàn đại biểu Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, cán bộ bị địch bắt, tù đày và gia đình liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long, nhân dịp các đại biểu ra thăm Thủ đô, viếng Lăng Bác.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chào mừng các đại biểu tới thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Bác; Phó Chủ tịch nước phát biểu ý kiến nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn ghi nhớ sự hy sinh, cống hiến của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, cựu tù nhân chính trị, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong quá trình xây dựng phát triển đất nước.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác "đền ơn đáp nghĩa - uống nước nhớ nguồn", bảo đảm đời sống tinh thần và vật chất của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cựu chiến binh, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ ngày càng ổn định và phát triển cùng sự phát triển chung của toàn xã hội.

* Chiều 24-8, trong phiên họp về dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối sản xuất thép Việt Nam đến năm 2020, có xét đến 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo, bản quy hoạch thể hiện rõ quan điểm phát triển ngành thép là phải thay đổi về chất. Tại phiên họp, các ý kiến đánh giá về bản dự thảo Quy hoạch do Bộ Công thương trình đều thống nhất mục tiêu chung là đã đến lúc cần rà soát lại và phát triển ngành thép Việt Nam theo hướng đáp ứng đủ, kịp thời về số lượng và chủng loại các sản phẩm thép cho nền kinh tế, bảo đảm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu thép, cân đối đầu tư vào các sản phẩm, từng bước xuất khẩu tạo nguồn ngoại tệ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trước hết, phải thay thế công nghệ hiện nay của ngành thép bằng các công nghệ hiện đại, có tính bền vững, bảo đảm môi trường, cân đối năng lượng. Tiếp theo, thay đổi quy mô sản xuất hài hòa, đa dạng về chủng loại, đáp ứng mọi nhu cầu và một hệ thống phân phối cạnh tranh, tạo cơ chế bảo đảm yêu cầu bình ổn thị trường khi cần thiết.

Trên cơ sở lấy ý kiến thẩm định các bộ, ngành liên quan, Bộ Công thương triển khai các bước cần thiết trong xây dựng quy hoạch, đặc biệt là các giải pháp về đầu tư, bảo đảm nguồn nguyên liệu, năng lượng, giải pháp phát triển thị trường, xuất, nhập khẩu, giải pháp về công nghệ, đánh giá tác động môi trường... Phó Thủ tướng cũng lưu ý quá trình xây dựng quy hoạch, các địa phương rà soát các dự án ngành thép, nếu đang trong giai đoạn chưa triển khai đầu tư thì cần xử lý, bảo đảm đáp ứng các điều kiện phù hợp với bản quy hoạch mới sẽ được ban hành trong thời gian tới.