Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Người vợ liệt sĩ nửa thế kỷ giữ vườn cò

Bà Vũ Thị Khiêm, 70 tuổi, ở thôn Dừa Lẽ, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, người vợ liệt sĩ nghèo đã vượt lên bao khó khăn để canh giữ vườn cò suốt 52 năm qua...

Lời cha dặn

Để vào vườn cò bà Khiêm phải đi qua một cánh đồng, qua con đường nhỏ bê bết bùn đất, rồi lại len lỏi dưới những hàng cây sà tán xuống tận vai người. Nhà bà, ngôi nhà ngói ba gian tuềnh toàng, cánh cửa gỗ đã hoang hoải mục, ngồi trong nhà mà thấy cả những tia sáng li ti rọi xuống đầu người. Năm 1947, cô út Khiêm, tên gọi lúc bấy giờ, được bố mẹ chạy Pháp đưa đến thôn Dừa Lẽ khai hoang. Các cụ dựng nhà, trồng cây. Độ mười năm sau, khi cây cối đã um tùm tươi tốt thì từng đàn cò lác đác bay về trú ngụ. Đất lành chim đậu, càng ngày cò kéo về sinh sống càng nhiều với đủ chủng loại. Khi cô tròn 18 tuổi, bố mẹ đã giao lại toàn bộ vườn cò 5ha cho cô chăm nom. Năm 1981, sau cơn bạo bệnh, trong giây phút lâm chung, người cha căn dặn con mình: “Đất này là đất lành chim đậu. Con gắng bảo vệ nó”.

Năm 1959, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Ngọc Kim, bộ đội chiến đấu ở miền Nam. Ông đi biền biệt. Lấy nhau được chín năm thì bà nhận tin ông hy sinh, lúc đó ông mang quân hàm thiếu úy. Ông bà có với nhau hai người con, một trai một gái. Nhưng nỗi đau chưa hết. Người con trai duy nhất của bà đã mất trong một vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Con dâu đi lấy chồng khác. Còn lại một mình bà nuôi cả 5 đứa cháu thơ dại. Nhà có hơn 3 sào ruộng, bà phải nuôi thêm con gà, con lợn kiếm sống nhưng chẳng bao giờ bà chặt một cây gỗ trong rừng hay bắt một con cò đem bán.

Khắc khoải giữ vườn cò

Theo chân bà Khiêm ra vườn cò, chúng tôi đi giữa những hàng tre, chẩu, sở đan xen một màu xanh um tùm, tươi mát. Nghe tiếng người, đàn cò vỗ cánh phạch phạch bay lên. Tiếng cò mẹ, cò con vang vọng khắp khu rừng. Thấy một con cò nằm quằn quại dưới gốc tre, bà Khiêm đỡ trên tay, vuốt ve như người mẹ vỗ về con bị ốm.

Để những đàn cò được bình yên không dễ. Ngày đêm bà lo lắng đến mất ăn, mất ngủ vì những kẻ phá rối vườn cò. Bà Khiêm kể: Một đêm, bà đang ngủ thì nghe tiếng cò kêu thất thanh, bà mang đèn pin chạy ra thì thấy một đám thanh niên đang bắn cò. Thấy bà chúng bỏ chạy, bà túm được một thằng đưa lên xã lập biên bản. Buổi trưa hôm khác, bà đang “đi tuần” thì phát hiện anh Thà, người trong làng, đang ôm trong tay một mũ đầy trứng cò. Nhớ lại, anh Thà vừa mới ra tù vì tội chém trâu của làng, nhưng bà không sợ. Bà lấy cây gậy xua đuổi. Anh ta giật gậy, rồi dúi bà ngã xuống đất. Trước lúc đi, Thà còn dọa bà: “Tôi lấy mấy quả trứng cò, bà làm gì được tôi”. Lại có một ông ở bên làng Lãng Công mang súng thể thao vào săn cò thì bị bà phát hiện. Bà không nói lời nào, bước lại gần rồi quấn lấy dây súng không cho ông bỏ đi. Phía bên kia là đội sản xuất, bà liền hét to cho cả làng nghe: “Vườn cò nhà tôi có rào có giậu, ông bước vào đây là xâm phạm”. Ông trả lời: “Cò bà nuôi à?”. Bà bảo: “Cò tôi nuôi đấy, ông mang súng săn bắn cò là vi phạm pháp luật”.

Thương con cò nhưng thân bà chẳng lấy gì làm sung túc. Một mình bà nuôi dưỡng 5 người cháu cũng bở hơi tai rồi. Có bát mì ăn liền bữa sáng bà cũng nhường cho cháu. Bà thương đứa cháu gái đầu đang học trường y trên tỉnh, có ngày về quê chỉ còn trong túi 4 nghìn đồng, anh lái đò không nỡ lấy tiền. Rồi những lúc túng quẫn, không kiếm đâu ra 300 nghìn đồng cho đứa cháu út đang học lớp 7 nộp tiền học. Có người khuyên bà chặt một ít gỗ trong rừng đem bán. Nhưng bà không đành lòng...

Mới đây, khi biết tin Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc công nhận rừng cò bà Khiêm là khu du lịch sinh thái, một Việt kiều đã tới tham quan vườn cò của bà. Ông ấy bảo bà bán vườn cò cho ông với giá...11 tỷ đồng hoặc đổi một căn nhà dưới Hà Nội. Bà suy nghĩ, rồi... lắc đầu.

Nỗi lo lớn nhất của bà bây giờ là bà ngày một tuổi cao, sức khỏe càng giảm. "Tôi chỉ sợ khi già ốm, không đi tuần được, những hôm mưa gió, gặp kẻ phá hoại, thân cò không biết sẽ ra sao?"- bà tâm sự.

Nỗi lo ấy của bà Khiêm là có cơ sở. Bởi từ trước tới nay, nhiều đơn vị đã về thăm, đã hứa với bà: Sẽ xây dựng hàng rào thép gai bao quanh, sẽ đào một cái hồ nước, sẽ trồng thêm 100 gốc tre, hay sẽ xây dựng một con đường vòng quanh rừng cò sang chùa Núi Thép… Nhưng những lời hứa cũng mất hút như bóng chim trời.

Nhìn lên tường nhà, tôi thấy một tấm bằng khen, những đường viền đã úa vàng. Bà Khiêm cho hay: Năm 2002, bà được mời về Hà Nội dự hội nghị nhân kỷ niệm 91 năm Ngày Môi trường thế giới. Bà vinh dự là một trong tám người được Bộ Khoa học - Công nghệ tặng bằng khen và bức phù điêu do có thành tích bảo vệ, gìn giữ môi trường.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN