Đăng ngày 26-07-2012 trong chuyên mục Tin tức

Chăm lo nơi an nghỉ các anh hùng liệt sĩ

Lãnh đạo TPHCM thăm các gia đình thương binh - liệt sĩ

(SGGP).– Chiều 25-7, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân dẫn đầu đoàn công tác TPHCM thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khuyên và Nguyễn Thị Hết đang được điều trị, chăm sóc tại Bệnh viện Điều dưỡng - phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM.

Đồng chí Lê Hoàng Quân căn dặn cán bộ - công nhân viên bệnh viện coi mình như con em để tận tình chăm sóc các mẹ chu đáo. Dịp này, TP tặng bệnh viện 20 triệu đồng để tổ chức bữa cơm nghĩa tình với những người có công đang điều trị tại bệnh viện (khoảng 100 người).

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân thăm hỏi các Mẹ Việt Nam anh hùng.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, dẫn đầu đã đến thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng: Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Út, Văn Thị Xuân hiện cư ngụ tại quận 10 và Tân Bình.

Cùng ngày, đoàn công tác TPHCM do đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, dẫn đầu đã đi thăm hỏi, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng: Huỳnh Thị Hai, Lê Thị Dùng, Trương Thị Mới, Nguyễn Thị Cơ, Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Huệ và Đào Thị Nhiệp đang sinh sống trên địa bàn các xã Tân Hiệp, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng và Bà Điểm (huyện Hóc Môn).

Chiều 25-7, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Rảnh đã đến dự buổi họp mặt, tuyên dương 200 mẹ, vợ liệt sĩ và nữ thương binh tiêu biểu của TP do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM tổ chức. Dịp này, Hội LHPN TP đã tặng mỗi người một phần quà trị giá 300.000 đồng.

Sáng 25-7, tại Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa), tỉnh Long An đã tổ chức lễ đón nhận, bàn giao 60 hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia (trong đó có 6 hài cốt có tên, địa chỉ). Đây là số hài cốt liệt sĩ được Đội K73 Long An tìm được trong đợt tìm kiếm lần thứ 11 mùa khô năm 2011 – 2012. Sau lễ bàn giao, tỉnh Long An đã tổ chức lễ truy điệu, an táng hài cốt 60 liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng. Mùa khô 2012 - 2013 tới, tỉnh Long An tiếp tục tăng cường tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia.

Chiều cùng ngày, đoàn công tác TPHCM do Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM, làm trưởng đoàn đã đến thăm hỏi 6 Mẹ Việt Nam anh hùng đang cư ngụ tại huyện Bình Chánh; trong đó lớn tuổi nhất là mẹ Đặng Thị Tư (xã Bình Lợi) và mẹ Phạm Thị Thế (xã Tân Nhựt) cùng sinh năm 1909. Đoàn cũng trao tặng mỗi mẹ một phần quà và 2 triệu đồng.

UBMTTQ TPHCM đã tổ chức các đoàn đại biểu do Chủ tịch UBMTTQ TP Dương Quan Hà làm trưởng đoàn đã đến thăm 12 Mẹ Việt Nam anh hùng ở các quận, huyện: 12, Gò Vấp, Củ Chi, Bình Chánh và 50 thương binh nặng đang sinh sống trên địa bàn TP. Đoàn đã tặng mỗi Mẹ VNAH một phần quà trị giá 500.000 đồng.

Thiếu tướng Trương Văn Hai, Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM, đã dự buổi họp mặt thân mật với gần 60 thương binh là Anh hùng LLVTND đang nghỉ hưu tại TP và con em liệt sĩ là cán bộ, sĩ quan quân đội đang công tác tại các đơn vị lực lượng vũ trang TP. Dịp này, Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, UBND TPHCM và Bộ Tư lệnh TPHCM đã tặng mỗi thương binh và con liệt sĩ một phần quà trị giá 2,5 triệu đồng.

Tối 25-7, Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với Sở LĐTB-XH, Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang thành phố (xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng). Hơn 1.000 đoàn viên thanh niên, hội viên Hội CCB tham gia giao lưu cùng các thương binh, lao động sản xuất giỏi, chiến sĩ từng chiến đấu trên đảo Trường Sa. Tại đây, 17 suất quà (tổng trị giá 30 triệu đồng) được trao tặng gia đình liệt sĩ khó khăn.

Sở LĐTB-XH Quảng Trị cho biết, 30 hài cốt liệt sĩ đang yên nghỉ tại Quảng Trị vừa được xác định có cùng huyết thống với thân nhân liệt sĩ thông qua mẫu sinh phẩm giám định ADN. Trước đó, Sở LĐTB-XH Quảng Trị đã giới thiệu cho 60 thân nhân liệt sĩ lấy mẫu sinh phẩm và hoàn tất các thủ tục gửi đến Cục Người có công để chuyển mẫu đến trung tâm giám định thực hiện việc xác định danh tính liệt sĩ.

Nhóm PV

Xứng đáng công dân kiểu mẫu

Được cách mạng rèn giũa, đã hứa với Đảng sẽ sống và chiến đấu, không lùi bước trước mọi khó khăn, gian khổ... là “bí quyết” được các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ lao động sản xuất giỏi chia sẻ trong buổi họp mặt nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ do UBND TPHCM tổ chức. Tham dự, có các đồng chí: Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Dương Quan Hà.

Vừa đính hôn, hạnh phúc đang ngấp nghé thì chị Biện Thị Mỹ (SN 1953, Củ Chi, TPHCM) bị thương năm 1972. Chân phải bị cưa ngang đùi, cô gái có gương mặt phúc hậu, hoạt bát thành người khuyết tật. Mặc gia đình chồng lạnh nhạt, vợ chồng chị Mỹ vẫn đến với nhau. Chị là thương binh nặng 1/4, anh là bệnh binh 3/3, năm 1978 anh chị cùng 3 đứa con thơ nheo nhóc phải đi vay tiền, thuê đất cấy lúa, trồng đậu phộng. Vết thương hành hạ khổ sở một thì nỗi ê chề trước sự dè bỉu của người đời khiến chị tủi thân đớn đau gấp bội, nhưng anh chị vẫn quyết tâm chứng minh bản thân “tàn nhưng không phế”. Hàng ngày, chồng chị Mỹ quần quật bám trụ trên 5 công đất thuê (5.000m²), hết cấy lúa rồi trồng đậu.

Không trực tiếp làm ruộng được, chị Mỹ nhận đổi công: chị may đồ cho mọi người, đổi lại, họ sẽ giúp nhà chị làm đồng. Thu hoạch lúa, đậu, không chờ thương lái đến gõ cửa, chị lại tập tễnh chạy vạy tự đi bán khắp nơi để được giá. Kinh tế gia đình bắt đầu ổn, chị thuê thêm 8 công đất rồi đào ao, thả cá và nuôi heo. Nhờ cần cù lao động, từ người đi thuê đất, anh chị đã mua luôn 13 công đất, thực hiện mô hình vườn - ao - chuồng mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, 3 con chị đã trưởng thành, đều là đảng viên, công tác tích cực ở địa phương. Không những xây dựng gia đình hạnh phúc, đầy đủ, chị còn tích cực giúp đỡ đồng đội. Nhìn lại chặng đường chiến đấu với cái đói, cái nghèo và chiến thắng ngoạn mục, chị chỉ từ tốn: “Mình như con kiến, kiến tha lâu cũng đầy tổ!”.

Trong lúc đó, ông Phan Như Tiếu (80 tuổi, đại tá, thương binh 3/4) lại có cách cống hiến bằng việc gầy dựng các phong trào ở địa phương. Nhiều hoạt động tưởng chừng rất nhỏ nhưng mang lại hiệu quả lớn. Quận Tân Bình nơi ông sinh sống có khoảng 6.000 cựu chiến binh (CCB) nhưng chỉ khoảng 50% có trợ cấp. Việc chăm lo nâng cao đời sống cho CCB luôn là vấn đề nhức nhối trong lòng các cựu binh.

Với vai trò là Chủ tịch Hội CCB, ông vận động mọi người tiết kiệm và góp 2.000 đồng/tháng. Kết quả, mỗi năm góp được trên 100 triệu đồng giúp các CCB gặp khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt, Hội CCB lấy uy tín bảo lãnh các CCB được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi với số vốn xoay vòng lên tới 45 tỷ đồng và chưa có trường hợp nào làm ăn mất uy tín, trả chậm. Bằng nhiều hỗ trợ hiệu quả, đến nay, trong 6.000 hội viên thì chỉ còn 18 hội viên CCB của quận nằm trong diện nghèo.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua bày tỏ sự cảm động, khâm phục, trân trọng những cố gắng, nỗ lực của các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Nhờ dám nghĩ, dám làm, người có công đã vượt qua mọi khó khăn, đớn đau của việc mất mát một phần thân thể, mất mát thân nhân, tiếp tục khẳng định trong các lĩnh vực lao động sản xuất, học tập và công tác trong thời kỳ đổi mới của đất nước, xứng đáng là những công nhân kiểu mẫu, là tấm gương sáng cho cộng đồng noi theo.

Đồng chí Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh, trong những năm qua, với sự tự giác hưởng ứng của người dân, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào cách mạng sôi nổi, phong phú, hiệu quả, thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc. TPHCM đã có nhiều hoạt động chăm lo cho người có công nhưng chúng ta không thể bằng lòng với những cái đã làm, dù có đáp đền bao nhiêu cũng chưa thể bù đắp được những hy sinh mất mát của các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Do đó, cần tiếp tục dạy văn hóa, dạy nghề, hỗ trợ vốn sản xuất cho thương bệnh binh, gia đình chính sách; mở rộng xây tặng nhà tình nghĩa và chăm sóc, hoàn thiện, sửa chữa từng căn nhà tình nghĩa cũ; đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, mở rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ”; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện để người có công tham gia các hoạt động phát triển kinh tế xã hội…

Mạnh Hòa