Đăng ngày 26-07-2012 trong chuyên mục Tin tức

Gian nan tìm hài cốt liệt sĩ - Bài 1: Tìm trong vô vọng

Khát khao quy tập hài cốt người thân là nỗi khắc khoải của hàng trăm ngàn gia đình liệt sĩ hơn 30 năm qua. Do những khó khăn ác liệt của chiến tranh và biến động theo thời gian, việc tìm kiếm càng lúc càng khó khăn hơn.

Suốt hơn 40 năm nay gia đình ông Đinh Văn Quảng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) lặn lội đi tìm hài cốt của em trai mình là liệt sĩ Đinh Văn Khoát. Giấy báo tử ghi rất chung chung là liệt sĩ Đinh Văn Khoát thuộc tiểu đoàn 810-KB hy sinh tại mặt trận phía Nam.

Tìm khắp Bắc Nam

Theo chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm, ông nhiều lần tìm mộ ở Quảng Trị nhưng không được. Cuối năm 2011, ông vào tìm khắp nghĩa trang ở Tây Ninh cũng không thấy.

Ông đến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh xin trích lục hồ sơ. Cán bộ phòng Chính sách tỉnh cho biết ngoài giấy báo tử thì tỉnh đội không lưu thêm giấy tờ gì khác. Hỏi một số người có kinh nghiệm mới biết KB thuộc Quân khu 7. Người thân đến phòng Chính sách Quân khu 7 hỏi, cán bộ ở đây cho biết ký hiệu KB thuộc quân khu. Tuy nhiên, tiểu đoàn 810-KB thì không rõ. Tiểu đoàn 810-KB chưa giải mã được. Sau khi giải mã được ký hiệu mới biết được chính xác hồ sơ liệt sĩ đang nằm ở bộ phận nào...

Ông Quảng bức xúc: “Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nay, những người tham gia kháng chiến giờ đã già hết, bố mẹ, anh em, thân nhân của các liệt sĩ giờ nhiều người cũng không còn. Không hiểu tôi còn sống được đến ngày đó không nữa”.

Ông Trần Văn Mãnh cùng lực lượng TNXP đi tìm hài cốt liệt sĩ đơn vị Cục Hậu cần Quân giải phóng ở tỉnh Kraché (Campuchia). (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sang nước bạn tìm đồng đội

Tham gia tìm mộ liệt sĩ còn có những đồng đội cùng chiến đấu, từng chôn cất các liệt sĩ. Hơn ai hết họ là người có đủ ký ức để tìm nơi chôn cũ. Thế nhưng do những thay đổi theo thời gian việc tìm kiếm cũng thấm nỗi gian nan.

“Đã gần 40 năm trở lại đây tìm đồng đội hy sinh, nơi chôn cất các liệt sĩ trong rừng sâu hoang vắng. Rừng thì còn đây nhưng dấu vết của căn cứ, chiếc cầu dây, trạm giao liên, suối cát… ở đâu? Thật khó xác định. Quyết tâm đi tìm dù biết rằng mò kim đáy bể…”. Đó là một đoạn nhật ký trong cuốn sổ ghi chép tìm đồng đội Thanh niên xung phong (TNXP) của ông Trần Văn Mãnh (Hai Văn), nguyên Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP miền Nam, trong chuyến đi sang Campuchia tìm lại điểm K40 (một bệnh viện lớn của ta hồi đó) là nơi chôn chất 21 liệt sĩ TNXP. Chính ông Mãnh và những người đồng đội của ông đã chôn cất những người này, vậy mà đã bảy lần đi tìm, mỗi lần trên dưới 10 ngày nằm lại rừng sâu để tìm hài cốt đồng đội nhưng vẫn không thấy đâu. Nguyên do là cảnh cũ giờ đây đã khác xưa. “Thời đó, chúng tôi bắc một cầu dây đặt tên là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Sau này đi khảo sát mới biết nhiều đơn vị khác ở khu vực này cũng bắc nhiều cây cầu dây tương tự, cũng đặt trùng tên cầu Nguyễn Văn Trỗi. Hồi đó các liệt sĩ được chôn ở gần cái suối đá, một cái suối có nước lạnh như đá nhưng giờ tìm không thấy đâu có suối giống vậy nữa”.

Ông Mãnh cho biết khu vực K40 này còn có trên 300 liệt sĩ của các đơn vị khác chưa tìm được hài cốt. Ông dự định đầu mùa khô sang năm sẽ cùng với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước đi sang đó tìm lần nữa. Từ nhiều năm nay, ông Mãnh và những đồng đội cũ trong Ban liên lạc cựu TNXP đã quy tập được trên 500 hài cốt liệt sĩ. Tuy vậy, ông vẫn ngậm ngùi: “Con số liệt sĩ chưa tìm được vẫn còn nhiều lắm. Nguyên nhân chưa tìm được thì nhiều lắm, nói sao cho hết đây!”.

Nhiều khát khao, hệ lụy

Ông Quảng, ông Mãnh chỉ là những trường hợp điển hình trong số hàng trăm ngàn người trên đất nước này đang ngày đêm đi tìm mộ liệt sĩ. Có người đã ra đi nhưng vẫn trăng trối cho thế hệ sau phải tiếp tục tìm kiếm hài cốt người thân. Thời gian chờ đợi càng dài thì khát khao và khó khăn trong tìm kiếm càng lớn chính vì vậy đã phát sinh nhiều hệ lụy đáng tiếc. Có lúc ở Nghệ An, Hà Tĩnh rộ lên những trung tâm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ bằng hình thức áp vong, những nhà ngoại cảm mọc lên như nấm khắp nơi trong nước. Theo những lời chỉ dẫn hoang đường này, nhiều gia đình phải ngược Bắc, xuôi Nam tìm kiếm người thân trong vô vọng. Nhiều trường hợp người thân theo lời nhà ngoại cảm đã bốc mộ của các liệt sĩ khác đã xác định hồ sơ hoặc tự động thay đổi bia mộ gây ra những xáo trộn đáng tiếc. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Bùi Hồng Lĩnh cảnh báo: “Nếu không chấn chỉnh kịp thời chuyện nhà ngoại cảm tìm hài cốt liệt sĩ đang nổi lên khắp nơi thì sẽ rất nguy hiểm. Lúc đó liệt sĩ ảo sẽ lấp đầy liệt sĩ thật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cất bốc, quy tập mộ liệt sĩ”.

Rất nhiều khó khăn khách quan

“Có rất nhiều nguyên nhân khiến việc tìm mộ liệt sĩ gặp khó khăn. Một là giấy báo tử ghi không đầy đủ. Chẳng hạn như ghi họ tên một liệt sĩ nào đó, hy sinh ở chiến trường miền Nam. Đơn vị KB. Ghi như vậy thì rất khó tìm. Bởi miền Nam là từ vĩ tuyến 17 trở vào, có biết bao nhiêu đơn vị nhỏ nằm trong đơn vị KB. Một đơn vị thay đổi biết bao nhiêu lần. Trong chiến tranh nhiều đơn vị đã phải đổi tên phiên hiệu nhiều lần. Chẳng hạn như Sư đoàn 9, Sư đoàn 5 có giai đoạn đổi thành Công trường 9, Công trường 5. Những đơn vị lớn như sư đoàn đổi tên thì cấp Bộ còn biết, chứ các đơn vị nhỏ bên dưới cỡ đại đội, trung đội mà đổi tên thì Bộ không thể nắm hết được. Ví dụ như phiên hiệu của tôi (Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam) là D601 nhưng dưới đơn vị này có nhiều nhánh nhỏ trung ương không thể nắm hết.

Một nguyên nhân khác là vì để đảm bảo bí mật hoạt động, có nhiều người hoạt động cách mạng phải thay tên đổi họ nhiều lần. Ví dụ như tôi khai sinh ghi Trần Văn Mãnh, đi bộ đội thì khai thành Trần Văn Mạnh. Khi tập kết ra Bắc về lại miền Nam hoạt động lại đổi tên thành Trần Văn.

Bên cạnh đó, tên của nơi chôn cất các liệt sĩ nhiều khi cũng bị lệch đi. Ví dụ như chúng tôi chôn cất đồng đội ở trảng Chà Rì nhưng vì sợ bị địch phát hiện nơi đó có quân ta nên đã phải báo miệng lại với nhau là chôn ở trảng Rù Rì”.

Ông TRẦN VĂN MÃNH, nguyên Tổng đội trưởng
Tổng đội TNXP miền Nam

500.000 là số liệt sĩ vô danh và liệt sĩ chưa quy tập được theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH. Trong đó có khoảng trên 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm được và trên 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa biết tên. Để tháo gỡ khó khăn và đáp ứng khát vọng thiêng liêng của các gia đình, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Mục tiêu của đề án là trong giai đoạn 2012-2015, xác định danh tính cho 25.000 hài cốt liệt sĩ. Trong đó thông qua phương pháp giám định gien, xác định danh tính cho khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ.

HÀN GIANG - ĐÔNG YÊN

Bài 2: Những đề xuất gỡ khó