Đăng ngày 26-07-2012 trong chuyên mục Tin tức

Người gửi 14.000 bức thư cho thân nhân liệt sĩ

Mới đây, tại Đại hội Cựu chiến binh huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, ông Đào Thiện Sính 65 tuổi được mời báo cáo về việc nghĩa tình ông đã làm trong hơn 30 năm qua: đến trên 200 nghĩa trang (từ Quảng Trị trở vào) và gửi hơn 14.000 thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ.

Ngay sau ngày miền Nam giải phóng ông đã đi tìm mộ người anh trai là Đào Chí Nguyện và bốn người cháu đã hy sinh.

Hiểu nỗi đau của cha mẹ, người thân khi đằng đẵng ngóng tin con em và bao đồng đội đã hy sinh mà không biết họ đang yên nghỉ nơi đâu, thế là ông có ý tưởng sẽ viết thư báo tin địa chỉ mộ liệt sĩ cho thân nhân.

Những năm đầu cứ nghỉ phép là ông đi, khi nghỉ hưu ông đi thường xuyên mỗi năm vài lần, mỗi lần đi cả tháng. Hơn 200 nghĩa trang ông đã đến và cẩn thận ghi chép họ tên, tuổi, quê… Các trường hợp có đủ thông tin thôn, xã ông gửi thư đến tận gia đình. Nếu chỉ có tên huyện, thị, ông gửi về phòng, ban Thương binh-Xã hội. Kết quả thật không ngờ, nhiều gia đình thân nhân của liệt sĩ nhận được thông tin vui mừng khôn tả. Cứ thế như một định mệnh ông cứ đi, đến các nghĩa trang liệt sĩ ghi chép, rồi gửi thư.

“36 năm rồi, say mê lắm, vui lắm các nhà báo ơi” - ông Sính mãn nguyện nói.

Ông Hà Teng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Khánh Vĩnh, từng quan tâm theo dõi việc làm của ông Sính cho biết có khoảng 30% số thư ông Sính gửi đến các gia đình thân nhân của liệt sĩ đã hồi âm. Khi biết tin mộ người thân của mình, các gia đình có điều kiện đã đưa các liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà yên nghỉ.

Trả lời câu hỏi về chi phí đi lại, ăn ở, bì thư, tem thư… ông Sính mỉm cười chia sẻ, lúc đầu ông âm thầm làm nhưng 10 năm trở lại đây ngành bưu chính đã giúp chuyển thư báo tin liệt sĩ miễn phí. Có ba người ở Sài Gòn (anh Đoàn, anh Đức, anh Bộ ở quận 7) hỗ trợ bì thư. Mới đây, chị Trần Thị Anh Đào ở Nha Trang vừa ủng hộ 5.000 bì thư. Trên 10.000 điểm bưu điện văn hóa cấp xã cả nước sẵn sàng giúp ông xác minh những địa chỉ cần làm rõ. Việc làm nghĩa tình của ông được vợ và bốn người con ủng hộ hết mình.

Biết ông đi tìm báo tin mộ liệt sĩ, anh em xe ôm không lấy tiền, có người còn mời ăn, trả tiền nhà trọ trước…

Hỏi về sự “hậu tạ” của thân nhân liệt sĩ, ông Sính cười đôn hậu: “Việc mình làm là tự nguyện, là việc thiện, tuyệt nhiên không nghĩ đến danh lợi cá nhân. Cũng có người đã hiểu nhầm xin tài khoản tôi để gửi tiền, hỏi số nhà để gửi quà nhưng tôi khuyên họ không nên làm thế. Nhưng cũng có nơi ngăn cản không cho vào nghĩa trang ghi chép, thậm chí dọa kêu chính quyền bắt”.

Hiện tại ông Sính vẫn chưa tìm được mộ anh trai cùng các cháu của mình đã hy sinh đang nằm ở đâu nhưng ông vẫn đi làm “quân bưu” cho liệt sĩ.

Ông sống và làm việc thiện, trên ngực không đeo huân huy chương, chỉ có duy nhất một huy hiệu Bác Hồ: huy hiệu Cựu chiến binh Việt Nam.

Ông Đào Thiện Sính nhập ngũ năm 1967, 20 tuổi đã có mặt tại chiến trường “mùa hè đỏ lửa” Quảng Trị. Năm 1979 tái ngũ làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia tới năm 1983 ra quân về lại làm bưu điện Khánh Vĩnh. Sau đó chuyển cả nhà từ Hải Dương vào thị trấn Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) sinh sống. Năm 2007 ông nghỉ hưu.

TRẦN CÔNG THI