Bà Nguyễn Thị Hà có bố là liệt sĩ, mẹ già ốm đau, chồng mất sớm, nhà đã neo người, vật chất càng thiếu thốn, đến dịp cưới vợ cho con mà bà Hà không thể nào lo đủ gạo, tiền. Vì thế, bà Lê Thị Sơn đã vận động nhiều người giúp đỡ, lập kế hoạch, phân việc cho từng người. Đám cưới con trai bà Hà đã diễn ra chu tất, tiết kiệm, được làng xã khen ngợi. Đó là một trong rất nhiều việc mà bà Sơn và những người con liệt sĩ ở xã Thanh Bình sẵn sàng hoàn thành nhằm nỗ lực chăm sóc, nâng cao đời sống những người là vợ, là mẹ liệt sĩ.
Tháng 7 này, bà Lê Thị Sơn lại tổ chức gặp gỡ, vận động, nhắc nhở các thành viên của "Hội những người cùng cảnh ngộ" trong xã luôn cố gắng vươn lên, sống gương mẫu, chung sức lo việc thăm hỏi, chăm sóc các mẹ liệt sĩ trong xã. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tháng 7 là bà cùng các thành viên của hội sắm quà, tham gia đoàn cán bộ của xã thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, thắp hương dâng lễ tại nghĩa trang liệt sĩ và trong các gia đình liệt sĩ. Đi lại hằng ngày để chăm nom, an ủi, thăm hỏi lúc ốm đau, 10 ngôi nhà của các mẹ liệt sĩ đã trở thành quen thuộc như nhà của chính bà.
Là người con duy nhất của một liệt sĩ chống Pháp, lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, bà Lê Thị Sơn thấu hiểu nỗi mất mát, sự thiệt thòi của những gia đình vắng bóng người chồng, người cha. Tuổi càng cao, bà càng thấu hiểu nỗi lòng của mẹ mình cũng như những người phụ nữ là vợ, mẹ liệt sĩ khác. 10 năm trước, bà thành lập "Hội những người cùng cảnh ngộ" gồm 11 người là con liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ trong xã, để giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, tạo điều kiện chăm sóc, nâng đỡ những người là mẹ, là vợ liệt sĩ. Các thành viên trong hội giúp nhau việc đồng áng, động viên nhau sống tích cực, gương mẫu, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha mình, luôn hưởng ứng các phong trào thi đua của địa phương, giúp nhau phát triển kinh tế. Lúc đầu rất khó khăn, bà Sơn hướng dẫn các gia đình tiết kiệm nuôi lợn nhựa, xây dựng quỹ hỗ trợ lẫn nhau. Bà tìm dự các buổi tập huấn khuyến nông, hướng dẫn các gia đình áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Gia đình nào khó khăn, bà vận động các gia đình trong hội chung tay ủng hộ con giống. Ngày mùa, bà Sơn tổ chức đổi công, giúp công cho các gia đình neo đơn kịp thời vụ. Đến nay, ngoài hai người đã chuyển vào Tây Nguyên lập nghiệp, 9 gia đình của các thành viên trong hội đều có cuộc sống khá giả, mỗi nhà có vài con lợn nái, 3-4 con trâu bò, mỗi năm thu lãi hàng chục triệu đồng từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Dần dần, quỹ của hội đã có hơn 50 triệu đồng, giúp các thành viên phát triển kinh tế hiệu quả hơn…
Với tâm nguyện và cách ứng xử ăn ở của mình, bà Lê Thị Sơn đã gắn kết, tạo nên một cộng đồng gắn bó, gương mẫu, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau giữa các gia đình chính sách cùng thôn, xã, đáng để mọi người học tập, noi theo.