Kỷ niệm ngày thương binh - liệt sỹ 27-7: "Đội du kích nhỏ tuổi"
|
Những chiến sỹ trong Đội du kích nhỏ tuổi ôn lại những kỷ niệm một thời chiến đấu. |
Chúng tôi tìm về Thôn 6, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình- Quảng Nam, qua những câu chuyện kể về một thời chiến đấu anh dũng của những chiến sỹ tuổi chưa đầy mười lăm... từ những người may mắn còn sống qua những trận đánh ác liệt. Một lần nữa những tháng ngày lịch sử và những chiến công của "Đội du kích nhỏ tuổi" được tái hiện một cách rõ nét và xúc động...
Năm 1965, sau khi các xã vùng Đông của huyện Thăng Bình được giải phóng, quân Mỹ ngụy tìm mọi cách đánh phá, giành lại bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm, tàn ác, quyết liệt. Trước sự tàn phá đó, những con người nhỏ tuổi đã sớm hình thành ý thức cần phải góp sức để quyết đánh đuổi bọn xâm lược. "Đội du kích nhỏ tuổi" hình thành dưới sự chỉ đạo của cán bộ thôn, đội đã từng bước lập nên những chiến công vang dội.
Bác Phạm Văn Đề, người cùng tham gia hoạt động trong Đội du kích kể lại: "Hồi đó chúng tôi được giao nhiệm vụ bám địch, theo dõi địch để biết được kế hoạch di chuyển của chúng nhằm báo cáo tổ chức đề phòng. Bằng hình thức trà trộn vào chơi trong hàng ngũ địch, anh em chúng tôi đã kết hợp với nhau để lấy vũ khí chuyển ra ngoài. Cũng chính nhờ gần địch thường xuyên nên chúng tôi đã biết được nhiều sơ hở của địch từ đó lập kế hoạch tự đánh địch bằng chính vũ khí cướp được của giặc. Lúc bấy giờ trong đội du kích nhỏ tuổi có Nguyễn Trung Thu là một người thông minh, mưu trí, gan dạ, được sự hướng dẫn của bộ đội anh đã chế tạo ra nhiều vũ khí như bom, đạn... Từ đó tham gia đánh hàng chục trận lớn nhỏ, giết hàng trăm tên địch"...
Chiến sỹ nhỏ tuổi Thu trong câu chuyện của bác Đề chính là Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
|
Dòng sông nơi che chở cho những chiến sỹ nhỏ tuổi trong các trận đánh. |
Ông Nguyễn Thanh Hải ở Thôn 6 còn nhớ như in hồi đó tháng 10- 1967, dưới sự chỉ đạo của cán bộ đội, thôn 6 xã Bình Dương, anh Thu là người đặt một quả mìn tự tạo vào giữa đội hình xe tăng địch, bằng cách giả vờ đi chơi, rồi đặt mìn. Một xe tăng địch bị vướng mìn bốc cháy, toàn bộ lính trên xe tăng bị chết và bị thương. Chính nhờ có mìn của anh Thu cản đường nên địch đã phải dừng càn quét một ngày đêm để khắc phục hậu quả.
"Kể về anh Thu thời đó thì nhiều chuyện lắm. Anh Thu rất thông minh, gan dạ. Anh mày mò sáng chế hết vũ khí này đến vũ khí khác, rồi dàn binh bố trận đánh như thế nào để có kết quả mà không ảnh hưởng đến người dân. Anh còn là người chỉ huy đội du kích tổ chức các đợt giăng bẫy giặc thành công. Nhanh trí, sáng tạo anh làm cho chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác"- ông Hải kể.
Tháng 11- 1967, một lần nữa du kích nhỏ tuổi Nguyễn Trung Thu lại khiến cho quân địch một phen điêu đứng. Ông chỉ huy đội du kích cài một bãi mìn trên đường càn quét của địch. Bằng phương pháp mìn giả, mìn thật- Đó là đặt mìn giả ở nơi trống trải, mìn thật đặt trong rừng dương. Khi địch phát hiện có mìn (mìn giả) chúng lập tức chuyển hướng và dạt ra xung quanh, lúc đó vướng phải mìn thật, càng bỏ chạy lại càng vướng phải nhiều quả mìn khác khiến cho số quân bị thương vong rất lớn. "Điều mà lính Mỹ không hề ngờ tới đó là "những đứa trẻ con" đã làm nên trận đánh này", ông Hải nói.
Các bác ở thôn 6, xã Bình Dương chính là những nhân chứng lịch sử sống động nhất. Những ngày tháng cam go đó đã đi qua, nhưng mỗi lần có dịp ôn lại thì quá khứ hào hùng lại ùa về. Trong ký ức đó mỗi lần nhớ đến họ lại thấy tự hào về bản thân, đặc biệt là tự hào về Nguyễn Trung Thu- người tạo nên nhiều trận đánh oanh liệt của đội Du kích nhỏ tuổi.
Huyền Thanh
(TP Đà Nẵng)