Kỷ niệm 65 năm ngày thương binh - liệt sĩ:
|
Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Từ từ Bắc Giang đến Hải Phòng để nhận lại hài cốt người thân - Ảnh: Thu Uyên |
Càng xa ngày im tiếng súng, cơ hội tìm thấy hình hài những người ngã xuống càng vơi dần, nhưng những hi vọng vẫn không bao giờ tắt...
“Mẹ lại mất con lần nữa”
Đầu năm 2012, một gia đình liệt sĩ ở Bắc Giang lặn lội vào Quảng Trị tìm được mộ người thân, nhưng lại lập tức vòng ra Hải Phòng, đòi một gia đình liệt sĩ khác trả hài cốt. Vụ việc căng thẳng đến mức hai bên suýt đưa nhau ra phường. Cụ Nguyễn Thị Oanh - mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Tự (Hồng Bàng, Hải Phòng) - ngậm ngùi: “Coi như mẹ lại mất con lần nữa”.
Năm nay cụ Oanh gần 90 tuổi. Liệt sĩ Tự là con thứ ba trong số bảy người con, hai trai, năm gái. Anh Tự sinh năm 1952. Trước lúc nhập ngũ, anh Tự có người yêu là cô Phạm Thu Nguyệt nhà ở Cầu Đất (Hải Phòng). Họ yêu nhau và định làm đám cưới thì anh Tự nhập ngũ và đi B. Cô Nguyệt ở nhà làm thủ kho cho một công ty xây dựng, đợi ngày người yêu trở về.
Cuối năm 1975, có người lính tự xưng tên là Trung Thành và cũng ở quận Hồng Bàng, tìm nhà cụ Oanh để gửi lại di vật của liệt sĩ Tự. Đó là một chiếc ví còn dính máu khô, bên trong có bức ảnh hai người em gái và mấy bức thư. Bức viết dở đề: “Triệu Phước, ngày...”. Người đồng đội báo tin: anh Nguyễn Văn Tự đã hi sinh tại Triệu Phong (Quảng Trị) vào cuối năm 1973. Sau này giấy báo tử ghi rõ ngày hi sinh là 15-8-1973.
Âm thầm chịu đựng đến năm tròn 70 tuổi, cụ Oanh một mình tìm đường vào Quảng Trị tìm con. Cụ từ Hải Phòng bắt xe lên Hà Nội rồi đi tàu vào Đông Hà. Tìm đến cơ quan quân sự, cụ được một chú bộ đội chở bằng xe đạp vào Triệu Phong tìm mộ. Nhưng tìm không thấy, cụ đành quay về.
Năm 2003, cụ Oanh cử con gái là bà Liên vào Quảng Trị lần nữa. Bà Liên vào nghĩa trang liệt sĩ Triệu Trạch, thấy trên bia một ngôi mộ liệt sĩ có ghi “Nguyễn Từ - Hà Bắc”, bà tin đây là phần mộ của em trai mình rồi chuyển hài cốt về quê. Cụ Oanh dành dụm tiền mua đất xây mộ cho con trai thật khang trang. Cụ còn mua thêm miếng đất cho mình ngay bên cạnh để sau này nằm xuống sẽ được ở bên con trai mãi mãi. Cứ nghĩ cuộc tìm kiếm đã viên mãn, toàn bộ di vật được cụ Oanh cho hóa vàng ngay hôm đưa được hài cốt anh Tự về đến Hải Phòng.
Cụ Oanh sống an tâm suốt chín năm. Cho đến khi hai anh em ông Nguyễn Dương Lễ và Nguyễn Văn Dỹ là anh trai liệt sĩ Nguyễn Từ (Lục Ngạn, Bắc Giang) lặn lội vào Quảng Trị tìm kiếm phần mộ người em ruột. Liệt sĩ Nguyễn Văn Từ có thời gian sống khá lâu ở Triệu Trạch, hi sinh ngày 29-11-1974 do bị mìn, nhiều người dân Triệu Trạch đều biết rõ. Do đó, khi xem di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Từ, những người dân địa phương đều xác nhận phần mộ liệt sĩ “Nguyễn Từ - Hà Bắc” tại nghĩa trang Triệu Trạch đúng là phần mộ của anh Nguyễn Văn Từ mà gia đình anh Nguyễn Văn Tự (Hải Phòng) đã chuyển về quê trước đó.
Suốt mấy hôm, từ khi biết tin gia đình mình bốc nhầm phần mộ người khác, cụ Oanh bỏ ăn, hết nằm lại ngồi dậy nhìn lên bàn thờ con trai. Hôm gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Từ tới nhận lại phần mộ, ai cũng lo cụ sẽ gục ngã hoặc làm khó người ta. Nhưng lạ thay, người mẹ 90 tuổi ấy lại rất tỉnh táo để chấp nhận sự thật. Cụ không nói gì nữa về chuyện nhầm lẫn, chỉ nói về người con dâu không thành của mình - chị Phạm Thu Nguyệt. Cụ kể sau khi có giấy báo tử của “cậu Tự”, cô Nguyệt vẫn ở vậy và thường đến thăm cụ. Cô ấy sống bình lặng cho đến năm 35 tuổi thì bị cảm và ra đi vĩnh viễn. Cụ Oanh bảo: “Nếu không có chiến tranh thì con trai của mẹ đã có một gia đình hạnh phúc. Nếu không có chiến tranh thì mẹ sẽ không côi cút...”.
Cho đến giờ liệt sĩ Nguyễn Văn Tự vẫn chưa về với mẹ. Ai là đồng đội của anh, từng chiến đấu ở địa bàn huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị năm 1972-1973, biết rõ về sự hi sinh của liệt sĩ Tự, xin hãy lên tiếng!
Đưa em đi nhưng không thể đưa em về
Buổi tối đầu hạ, một người đàn ông năm nay 60 tuổi, trông rắn rỏi và từng trải, đến TP Đông Hà (Quảng Trị) với ánh mắt phảng phất điều gì đó như tiếc nuối, như tự trách mình, như oán trách số phận. Ông là Trần Mạnh Hùng, cựu binh E48-F320. Ông Hùng đi tìm em trai là liệt sĩ Trần Mạnh Cường. Hai người không chỉ là anh em mà còn là bạn đồng ngũ trong chiến dịch Quảng Trị mùa hè năm 1972.
Hai anh em Hùng - Cường, quê gốc ở Hà Nam, chênh nhau ba tuổi. Cả hai anh em cùng nhập ngũ vào ngày 4-1-1971, được bố trí về tiểu đoàn 9 và tiểu đoàn 7 của E64- F320. Đầu năm 1972, họ cùng vượt dòng Thạch Hãn, có mặt trong chiến dịch 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị. Lúc này, người anh Trần Mạnh Hùng được điều về đại đội vận tải cánh đông, cách Thành cổ Quảng Trị về phía đông chừng 5km đường chim bay; còn người em Trần Mạnh Cường nhận nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu bảo vệ vòng ngoài Thành cổ, đóng quân ngay sát nhà thờ Trí Bưu. Cuộc chiến ngày càng khốc liệt. Người em bị bom hi sinh. Đồng đội cố đào tìm nhưng không thấy. Ngay hôm nhận được tin dữ, người anh xin chuyển đơn vị để được trực tiếp cầm súng chiến đấu thay cho em mình. Năm 1975, người anh là một trong số những người lính của E48-F320 có mặt trong đại đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn.
Sau chiến tranh, người anh nhiều lần trở lại Quảng Trị để tìm em. Ông dò tìm hầu như từng ngóc ngách toàn bộ khu vực quanh nhà thờ Trí Bưu - nơi người em nằm lại. Ông thường tìm đến khu vườn của một người dân vẫn còn giữ lại ba giếng nước từ thời chiến tranh - những cái giếng mà đồng đội kể rằng trước lúc hi sinh người em từng uống nước. Tại đây, ông tần ngần đứng cả giờ, nhìn sâu xuống đáy giếng, bàn tay thô ráp cứ rờ rẫm từng viên gạch cũ đầy rêu quanh thành giếng. Cũng có khi người anh đi hết nhà này sang nhà khác để hỏi xem có ai nhặt được chiếc biđông của em mình không. Ngày nhập ngũ, hai anh em mỗi người giữ một chiếc biđông có khắc tên Trần Mạnh Hùng và Trần Mạnh Cường. Giờ một chiếc đã mất.
Cách đây mấy năm, một người dân xứ đạo Trí Bưu, chủ nhân khu vườn có ba cái giếng, tình cờ đào được một bộ hài cốt liệt sĩ. Người anh Trần Mạnh Hùng cùng với đồng đội của người em là cựu chiến binh Hoàng Mộng Điệp vội vã vào QuảngTrị. Nhưng trời vẫn không chiều lòng, hài cốt liệt sĩ được tìm thấy trong khu vườn có ba cái giếng không phải là liệt sĩ Trần Mạnh Cường. Ông Hùng đành chấp nhận em ông cũng như cả trăm ngàn liệt sĩ khác đã hòa mình vào lòng đất nước.
Tóc đã hoa râm, nhưng mỗi khi nghĩ về em trai mình, ông Hùng cứ như đang được sống cùng em trong những ngày chưa nhập ngũ, những ngày không có bom rơi đạn nổ, những ngày rủ nhau trốn nhà đi tắm sông, bắt cá hái rau, rửa bát cũng chia nhau... Trở về với thực tại, người anh luôn bị dằn vặt rằng mình là anh, anh đưa em đi mà không thể đưa em về.
THU UYÊN - TÂN LÂM
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Thương (ảnh) là ca đặc biệt nhất trong đợt tặng chân, tay giả cho thương binh tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 26-7. Đôi chân ông đã bị CIA của Mỹ cưa đến sáu lần trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chân trái cụt đến khớp háng, chân phải chỉ còn phần đùi. Chính vì thế, việc lắp chân giả khá khó khăn và gây đau đớn cho ông ở những phút đầu. Tuy nhiên, bằng sự kiên cường sắt đá vốn có, ông đã tự nâng được hẳn người lên, rồi đi chậm rãi từng bước một với đôi chân mới. BẢO CHÂU - THUẬN THẮNG |