Đăng ngày 27-07-2012 trong chuyên mục Tin tức

Tháng 7 về thăm “Bảo tàng Chiến tranh Cách mạng”

Những ngày tháng 7 này, Quảng Trị như một chảo lửa lớn, gió Lào theo đường 9 tuôn về quất bụi mù mịt, xô các ngọn cây hai bên vệ đường oằn mình kêu sàn sạt.

Những ngày tháng 7 này, Quảng Trị như một chảo lửa lớn, gió Lào theo đường 9 tuôn về quất bụi mù mịt, xô các ngọn cây hai bên vệ đường oằn mình kêu sàn sạt.

CôngThương - Tuy nhiên mặc kệ nắng, mặc kệ gió hàng vạn người hành hương khắp cả nước và nhiều đoàn khách quốc tế vẫn nườm nượp đổ về Quảng Trị, về thăm lại chiến trường xưa, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9, đến Thành cổ Quảng Trị "thắp nén nhang viếng người nằm dưới cỏ" về bên bờ sông Thạch Hãn, lặng nghe những câu chuyện của 81 ngày đêm chiến đấu huyền thoại như những câu chuyện cổ tích… thời hiện đại

Để liệt sĩ không còn là… vô danh

Theo Trung tâm bảo tồn di tích & danh thắng tỉnh Quảng Trị cho biết, chiến tranh đi qua, để lại trên đất Quảng Trị một hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng đồ sộ và độc đáo. Với 509 di tích danh thắng đã được kiểm kê đánh giá, trong đó có 85% di tích lịch sử chiến tranh cách mạng, 3 di tích được đưa vào danh mục xếp hạng quốc gia đặc biệt là đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Quảng Trị), đôi bờ Hiền Lương và Thành cổ Quảng Trị. Với ý nghĩa đó, Quảng Trị được đánh giá là “bảo tàng sinh động nhất về chiến tranh cách mạng”.

Quảng Trị cũng là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng nghĩa trang liệt sĩ, với 72 nghĩa trang liệt sĩ. Trong đó có hai nghĩa trang liệt sĩ quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang đường 9, mỗi nghĩa trang quy tụ hơn mười nghìn liệt sĩ. Riêng Thành cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn được coi là hai nghĩa trang đặc biệt nhất, vì nơi đây dù không có nấm mộ, không có tấm bia nào nhưng dưới mỗi vuông cỏ đã chôn giấu bao thân xác chiến sĩ khắp mọi miền đất nước do bom đạn khốc liệt đã cày nát tất cả, hòa xác thân các liệt sĩ vào lòng đất thiêng. Nơi đây đã trở thành di tích tâm linh, nơi tưởng niệm và tri ân các chiến sĩ giải phóng quân, nơi để lại những băn khoăn, trăn trở cho những người còn sống khi nhiều gia đình dù chiến tranh đã lùi xa 40 năm vẫn chưa tìm được hài cốt người thân đưa về quê nhà... mà lẫn khuất đâu đó trong khuôn viên Thành Cổ.

Nói về những nấm mộ… vô danh còn khá nhiều ở các nghĩa trang liệt sỹ, ông Võ Xuân Trữ- nguyên Bí thư huyện Triệu Phong, là người con Quảng Trị cầm súng thời chống Mỹ tỏ vẻ không đồng tình. Theo ông, vô danh có nghĩa là không tên nhưng đã là người thì ai cũng có tên riêng. Đặc biệt là con người Việt Nam sau tiếng khóc chào đời thì cha mẹ đã đặt cho cái tên cụ thể mà ta hay gọi là tên quai nôi, vì vậy không thể nói là không có tên (vô danh) chỉ có điều dưới những phần mộ ấy chúng ta chưa biết liệt sĩ tên gì mà thôi vì vậy cần thay cụm từ “liệt sĩ vô danh” bằng cụm từ “liệt sĩ chưa biết tên”. Ông cũng đề xuất thêm rằng, vấn đề xác định danh tính liệt sĩ là hết sức linh thiêng, vô cùng quan trọng và không kém phần khó khăn phức tạp nhưng đề nghị Đảng, Nhà nước, quân đội và các ngành chức năng bên cạnh chủ trương tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ chiến đấu hy sinh trên các chiến trường sớm về với đất mẹ, rất cần sử dụng các thiết bị khoa học chính xác nhất để xác định tên của liệt sĩ, để không còn các liệt sĩ đề chung một cái tên là “vô danh”.

Cả nước chung tay vì… Quảng Trị

Để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tạo ra sức lan tỏa lớn về một thời kỳ vệ quốc vĩ đại, đấu tranh giải phóng thống nhất nước nhà, trong đó Quảng Trị là địa đầu giới tuyến- địa chỉ “lửa” của cả nước, nơi gánh chịu hàng triệu tấn bom đạn các loại trong chiến tranh thời chống Mỹ, biến “Bảo tàng chiến tranh Cách mạng” thành một trường học lớn, năm 2005, tỉnh Quảng Trị đã cùng với các bộ ngành trung ương khai sinh tour du lịch mới mang tên “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”

Phải nói rằng, đây là “Tour du lịch tâm linh- tour du lịch về nguồn” có sức thu hút rất mạnh mẽ không những đối với du khách trong nước và nước ngoài mà còn với các cựu chiến binh Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Thái lan, Philipin… và con em của họ những người từng tham chiến tại Việt Nam. Thống kê cho biết, trước năm 2005, lượng khách du lịch đến Quảng Trị chỉ dao động từ khoảng 200.000 đến 250.000 người/năm, doanh thu về du lịch không đáng kể thì từ năm 2005 đến cuối năm 2011, tổng lượt khách đến Quảng Trị theo chương trình “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” gần 4,8 triệu lượt, trong đó riêng năm 2011 đã đạt trên 1 triệu lượt khách; tổng doanh thu xã hội về du lịch trong 7 năm qua đạt 3.720 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2011 là 950 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dùng- Phó giám đốc Sở văn hóa thể thao du lịch Quảng Trị- cho biết, kể từ khi chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa đồng đội” ra đời, tỉnh Quảng Trị đã được sự hỗ trợ về nguồn lực của Chính phủ, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước rất nhiều. Có thể kể đến như nguồn vốn quốc gia hàng trăm tỷ đồng xây dựng đường du lịch từ Cửa Tùng đến địa đạo Vịnh Mốc, đường Hồ Chí Minh huyền thoại (đoạn Khe Sanh - Sa Trầm - Tà Long), nâng cấp đường về Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, công viên Lê Duẩn..., các bộ ngành cũng đã đầu tư trên 200 tỷ đồng để nâng cấp, phục chế tôn tạo các di tích chiến tranh cách mạng như đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng Trị, sân bay Tà Cơn, khu di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nâng cấp, tôn tạo, sửa chữa các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia như Trường Sơn, Đường 9 và các nghĩa trang cấp huyện, xã trên địa bàn toàn tỉnh.

Đặc biệt, trong quần thể khu di tích của nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nhiều địa phương trong nước đã đóng góp hàng chục tỷ đồng để xây dựng các nhà bia tưởng niệm với biểu tượng của quê hương tại các khu mộ liệt sĩ của địa phương mình, góp phần tạo cho nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thành một công trình lịch sử - văn hóa.

Bên cạnh đó, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp trong nước cũng tích cực hưởng ứng, đầu tư xây dựng các cụm đài tưởng niệm như bến thả hoa đôi bờ Nam- Bắc sông Thạch Hãn, tôn tạo khu di tích Thành Cổ Quảng Trị, xây dựng tháp chuông Thành Cổ và nâng cấp tượng đài tưởng niệm anh hùng tại đảo Cồn Cỏ... Các đơn vị quân đội, cựu chiến binh, thanh niên xung phong...đã đóng góp kinh phí hàng chục tỷ đồng xây dựng hàng chục đài tưởng niệm ở các địa phương trong tỉnh... Phát huy hiệu quả của phong trào “cả nước chung tay cùng Quảng Trị xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ”, tỉnh Quảng Trị đang tích cực huy động thêm nguồn vốn để tiếp tục tôn tạo các di tích lịch sử như Thành Cổ - Quảng Trị (giai đoạn 2); phục chế hàng rào điện tử McNamara; di tích Bến Tắt; xây dựng hạ tầng một số khu du lịch...

Ông Ngô Thanh Bảo- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích & danh thắng Quảng Trị- cho biết thêm, không những thu hút các nguồn lực đầu tư, tôn tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” đã cho ra đời nhiều lễ hội cách mạng độc đáo, có dấu ấn sâu đậm và có sức lan tỏa rộng như lễ hội thống nhất non sông, lễ hội huyền thoại Trường Sơn, lễ hội khúc tráng ca về một dòng sông, lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn... tổ chức vào các dịp 30/4, 27/7 hàng năm đi vào đời sống tâm linh, tạo sự rung động sâu sắc cho khách hành hương mỗi khi đến các di tích lịch sử cách mạng của Quảng Trị.

Để “Bảo tàng chiến tranh cách mạng” luôn sống mãi

Để đón nguồn khách hành hương về thăm “Bảo tàng chiến tranh cách mạng”, khách thăm lại chiến trường xưa và đồng đội, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn, trung tâm lữ hành của Quảng Trị và nhiều DN cả nước mấy năm qua đã đầu tư xây dựng thêm nhiều cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn… Tính đến nay, tỉnh Quảng Trị có hơn 80 khách sạn, nhà nghỉ với gần 2.000 phòng, trên 3.200 giường đủ điều kiện đón các đối tượng khách. Trong đó, có 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao; 1 khách sạn 4 sao và trên 20 khách sạn 1-2 sao... Số lượng phát triển nhiều nhưng theo ông Nguyễn Văn Dùng thì chất lượng phục vụ chưa theo kịp. Cụ thể là chưa có một bộ máy xúc tiến du lịch đủ mạnh, định hướng chiến lược quảng bá chưa rõ ràng. Các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành thì chưa xác định, phân loại được thị trường truyền thống, thị trường ưu tiên, thị trường tiềm năng... để có kế hoạch và chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Theo ông Dùng, hệ thống di tích lịch sử chiến tranh cách mạng của tỉnh là hết sức đồ sộ và độc đáo, đó là cơ sở, điều kiện tốt để Quảng Trị phát triển du lịch hoài niệm, hồi tưởng, tâm linh… nhưng hiệu quả đầu tư các di tích lâu nay tiến độ thực hiện còn chậm, hiệu quả khai thác giá trị di tích còn thấp làm lãng phí vốn đầu tư; hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp, manh mún, phương thức kinh doanh, phong cách phục vụ chậm được đổi mới; trình độ quản lý còn thấp, thiếu năng động. Vì vậy để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, cần có quy hoạch hài hòa giữa quy hoạch bảo tồn di tích và quy hoạch phát triển du lịch, có như vậy mới khai thác hiệu quả giá trị di tích, thu hút khách du lịch, tăng nguồn thu.

Ông Dùng cho biết, kết quả thu được từ chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội” trong 7 năm qua tuy rất khả quan và mở ra nhiều triển vọng nhưng vẫn còn những việc cần giải quyết sớm. Như cần mở rộng và phát triển chương trình với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành của các địa phương lân cận và các tỉnh thành có nhu cầu lớn đến Quảng Trị thăm viếng, tưởng niệm. Không những vậy, Quảng Trị cần mở rộng thị trường đến các địa phương trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây và các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đối tượng là Việt kiều, chính khách, nhà khoa học... muốn tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Sau đó có thể là các thị trường như Pháp, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Bên cạnh đó, Ban quản lý các di tích cần xây dựng đề án tổ chức các dịch vụ thiết yếu, có thể quy hoạch và kêu gọi đầu tư, xã hội hóa để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du lịch tại các điểm di tích.”… có như vậy thì “Bảo tàng chiến tranh cách mạng Quảng Trị” mới thực sự là một bảo tàng sống, nơi giáo dục lòng yêu nước, ý chí quật cường, nơi hun đúc tinh thần “thép’, ý chí quyết chiến quyết thắng cho các thế hệ người Việt Nam dù ở trong nước hay nước ngoài về một Tổ quốc Việt Nam vĩ đại “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.