Đăng ngày 27-07-2012 trong chuyên mục Tin tức

Nơi chiến tranh còn ở lại: Tìm hạt cát trong sa mạc

Khi lớp bụi thời gian càng phủ dày lên cuộc chiến đã qua thì việc tìm mộ của những thân nhân liệt sĩ càng khó khăn bội phần, nhất là với những liệt sĩ chưa có tên.

16 năm đi tìm mộ cha

Tôi không dám khẳng định rằng anh là người con có thời gian đi tìm mộ cha là liệt sĩ ở Quảng Trị dài nhất, nhưng những gì nông dân Nguyễn Quang Tương (sinh năm 1965) ở xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An làm cũng đáng để khâm phục về tình phụ tử.

Chị Nguyễn Thị Điều đi tìm mộ cha tại Nghĩa trang huyện Hải Lăng.

Anh Tương là con trai duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Quang Tuyển, ông nằm lại chiến trường khi con trai chưa đầy 3 tuổi, cái tuổi chưa có ký ức. Năm 1996 mang theo 2 chỉ vàng, tài sản dành dụm của cả gia đình, anh Tương vào Vĩnh Linh tìm mộ cha.

Chuyến đi hơn 10 ngày giúp anh biết được mộ cha nằm ở sườn đồi thuộc xóm 3, thôn Thượng Hòa, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh. Anh biết thêm thông tin ngôi mộ cha đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã cách đó 12 năm, nhưng vị trí thì không xác định được.

Mọi việc tưởng như đã rất thuận buồm xuôi gió để năm sau anh lại dồn tiền cho chuyến đi vào Vĩnh Linh, nhưng rồi tiêu hết số tiền dành dụm cả năm mà anh vẫn bất lực trở về. Những năm sau đó, mỗi năm 1 lần anh vào Vĩnh Linh, có năm đưa cả mẹ vào.

Cả gia đình làm nông, thu nhập không được bao nhiêu, 4 đứa con theo nhau ra đời, vợ chồng anh cùng người mẹ oằn lưng xuống mấy sào ruộng. Lúc nào cũng cố, cố làm cho đủ ăn, cố làm để dành tiền cho chuyến đi Vĩnh Linh mà năm nào cũng nghĩ sẽ là chuyến cuối. Không ít lần anh phải vay mượn anh em làng xóm mới có tạm đủ tiền cho chuyến đi.

Ngày 16.7.2012, chúng tôi gặp anh trong ngày cuối của chuyến đi thứ 16 vào Vĩnh Linh. Trời không phụ người có tâm, chuyến đi đã thành công, xác định được chính xác ngôi mộ cha anh trong nghĩa trang.

Cuối năm nay, cả nhà sẽ vào lần nữa, lần thứ 17 để đón ông về, nói đúng hơn là đón cụ về, sau gần nửa thế kỷ. Ngày cha mất, con chưa đầy 3 tuổi, giờ đón cha về, con đã lên chức ông, đầu chớm bạc.

Nước mắt bên bờ Thạch Hãn

Cũng chiều 16.7, tôi gặp 4 người trong gia đình chị Nguyễn Thị Điều - con liệt sĩ Nguyễn Trọng Đình - quê Đô Lương (Nghệ An) vào Quảng Trị tìm mộ cha. Chị Điều năm nay cũng 55 tuổi, lên chức bà cũng đã 10 năm, từ Bình Dương ra Quảng Trị, lần này là năm thứ 3 gia đình chị tổ chức đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Đình.

Ông Đình là bộ đội thời chống Pháp, tham gia đánh trận Điện Biên Phủ, sau năm 1954 xuất ngũ về quê làm cán bộ xã. Đầu năm 1972, ông xung phong lãnh đạo đội dân công hỏa tuyến huyện Đô Lương vào chiến trường, rồi hy sinh ở Quảng Trị.

Lần thứ 3 đi tìm nhưng manh mối mông lung, chị đành trông vào nhà ngoại cảm, được chỉ mộ cha nằm ở Nghĩa trang huyện Hướng Hóa. Tôi xin chị và gia đình cho cùng đi.

Ở quê nhà, mẹ chị Điều mất đã 5 năm. Chuẩn bị cải táng cho bà, mấy chị em xây sẵn ngôi mộ đôi chờ đón cha về nằm cùng với mẹ. Chắc cái ước mong ấy còn lâu lắm mới thành hiện thực.

Phân vân trước thông tin của nhà ngoại cảm, sáng 17.7 thay vì đi thẳng lên Hướng Hóa, chúng tôi vào Phòng Chính sách Tỉnh đội Quảng Trị thẩm định thêm thông tin. Tìm tên liệt sĩ Nguyễn Trọng Đình… không thấy.

Đã thất vọng, chợt nghĩ thử tìm tên các đồng đội hy sinh cùng ông, thật may thấy được 4 người, đều nằm trong Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng.

Bỏ Hướng Hóa, chúng tôi quay vào Hải Lệ. Vẫn không thấy tên ông Nguyễn Trọng Đình, nhưng thấy thêm 4 liệt sĩ khác, cùng đơn vị, hy sinh cùng ngày với liệt sĩ Đình. Nghĩa trang xã Hải Lệ đã di chuyển về Nghĩa trang huyện Hải Lăng.

Giữa trưa nắng đổ, gió Lào ào ào, cả đoàn lại ngược về huyện. Vào nghĩa trang, vào phòng chính sách… không thêm được gì lại quay về Hải Lệ, định tìm hồ sơ quy tập liệt sĩ nhưng không có. Trời đã xế hẳn, một ngày lang thang trong nắng cháy mà thông tin về liệt sĩ như mờ mịt hơn. Chị Điều đứng lặng bên bờ sông Thạch Hãn nhìn về thượng nguồn mịt mùng, khóc òa lên.

Nhớ ra bác Quy, vị chuyên gia tìm mộ, đoàn chúng tôi lên xe trở lại Đông Hà. Ngồi phân tích thông tin cùng bác Quy, gọi điện đi mọi nơi, hỏi và nhận thông tin, vỡ ra được nhiều điều. Sáng 18.7, chúng tôi trở lại Hải Lăng, mong muốn làm rõ được thông tin: Liệt sĩ Đình có hay không có ở Hải Lăng. Lại một ngày gõ các cửa cơ quan hữu quan, chờ đợi, dò tìm trong đống hồ sơ, hy vọng và thất vọng.

Không thể khẳng định hay phủ định thông tin liệt sĩ có hay không có ở Hải Lăng. Không thấy chị Điều khóc nữa, hình như mỗi lần nước mắt vừa ứa ra đã bị gió Lào thổi khô mất. Lại về nhà bác Quy ngồi, cùng nhau sắp xếp từ đầu để cùng đi đến kết luận phải quay về Nghệ An. Bắt đầu lại từ những bước đầu tiên...

Xuân Trường - Phan Phương