Lời nguyện cầu "504" tại Khu chứng tích Sơn Mỹ
Người dẫn đường đưa tôi về Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) là Võ Dương Băng Hải, cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) huyện Sơn Tịnh. Nụ cười rám nắng bẽn lẽn, Hải bảo tôi: Bà nội em là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có ba người con liệt sĩ, hai người con là thương binh, còn một người chết vì đạn pháo. Mẹ em là vợ liệt sĩ. Nhà em cũng là hộ gia đình được tặng nhà tình nghĩa. Nhưng ở vùng đất này, còn rất nhiều hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng mà chị nên đến. Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà mới, bà Phùng Thị Thưởng, ở thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê, thỉnh thoảng lại quay mặt đi đưa bàn tay gầy guộc lên chấm nước mắt. Những năm 19, 20 tuổi bà từng là cô du kích xinh đẹp, làm công tác binh vận, rồi bị địch bắt tù đày trong suốt ba năm (1970-1973). Sống đơn thân, mang nhiều thương tật trong người, khi người cha già mất đi, người bệnh binh ấy chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dành đủ tiền để xây lại nhà, thay cho ngôi nhà cấp bốn xập xệ. Số tiền hỗ trợ hơn 20 triệu đồng, cùng với những đóng góp công sức của địa phương đã giúp bà có một ngôi nhà tuy nhỏ, nhưng khang trang, chắc chắn.
Tịnh Khê, vùng đất từng được coi là "vành đai trắng", nơi đã chứng kiến vụ thảm sát Sơn Mỹ rúng động thế giới, giờ đã mang một sức sống mới. Tịnh Khê cũng là một trong bốn xã của huyện Sơn Tịnh được chọn để xây dựng mô hình nông thôn mới, với nhiều lợi thế về kinh tế biển và tiềm năng du lịch. Mặc dù chú trọng phát triển kinh tế, Tịnh Khê không quên chăm lo các vấn đề xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng. Xã nhỏ, nhưng có tới 804 liệt sĩ, hơn 400 thương binh, bệnh binh và 73 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Những năm qua, công tác vận động tham gia đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được triển khai sâu rộng trong toàn xã. Các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh cũng đóng góp nhiều để xây dựng nhà đại đoàn kết tặng các gia đình chính sách.
Cùng với việc thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách và người có công, UBND huyện Sơn Tịnh quan tâm đến công tác cho vay vốn sản xuất góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao mức sống của các gia đình chính sách, nhất là các gia đình sống ở các xã xa trung tâm, vùng căn cứ kháng chiến trước đây. Ngân sách huyện hằng năm dành từ 500 đến 600 triệu đồng hỗ trợ các gia đình chính sách giải quyết vấn đề nhà ở. Năm 2012, huyện phấn đấu xây mới, sửa chữa khoảng 70 căn nhà cho các gia đình chính sách, hiện đã được 55 căn... Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Nguyễn Ngọc Thái tâm sự: "Ở một địa phương còn nhiều khó khăn, những con số đó không phải là nhiều. Nhưng chúng tôi luôn cố gắng làm tất cả để bù đắp một phần nào đó cho các chú, các anh, những người đã cống hiến cả cuộc đời và máu xương cho quê hương". Có thể cảm nhận, đó là những lời gan ruột của người trong cuộc, bởi anh được sinh ra trong một gia đình cách mạng, là con trai duy nhất của một liệt sĩ và bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng có bốn người con là liệt sĩ.
Bắt đầu một ngày mới ở đất Tịnh Khê, lắng nghe tiếng chuông năm hồi bốn tiếng tượng trưng cho lời nguyện cầu 504 linh hồn thường dân vô tội từ tháp chuông của Khu chứng tích Sơn Mỹ, tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với Anh hùng LLVTND Đoàn Thanh Liêm, ở xã Tịnh Thiện, huyện Sơn Tịnh: Chiến tranh đã lùi xa, thế hệ chúng tôi rồi sẽ ra đi, điều quan trọng là làm sao để thế hệ trẻ hiểu được giá trị của những hy sinh, mất mát để có được hòa bình hôm nay.
Địa phương đi đầu thực hiện chính sách người có công
So với Quảng Ngãi, việc thực hiện chính sách người có công và các gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ được TP Đà Nẵng đặc biệt coi trọng, với cách làm quyết liệt cùng Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH thành phố Đà Nẵng Thái Đình Hoàng đi kiểm tra công tác sửa sang, chăm sóc các nghĩa trang trên địa bàn thành phố chuẩn bị cho kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), khi ghé thăm gia đình thương binh nặng hạng 1/4 Nguyễn Chất (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), tôi không khỏi bất ngờ khi thấy ông Chất reo lên: "Anh Hoàng chính sách!". Gần năm năm, ông Chất vẫn nhớ đây là người cán bộ, lúc đó là Trưởng phòng Người có công, đã xuống tận nhà ông để xét duyệt mức hỗ trợ 15 triệu đồng của thành phố, giúp gia đình ông sửa chữa nhà vào năm 2008. Đi xem căn nhà đang sửa chữa dở dang của ông Chất, cửa chưa lắp, phía trái nhà còn ngổn ngang gạch vữa, Phó Giám đốc Hoàng hỏi thăm cặn kẽ. Ông Chất bảo, nhà ông có đến bảy người con, mỗi đợt con cháu về, không có chỗ ở. Lại thêm mấy mùa bão gió, cho nên căn nhà đã xuống cấp. Gia đình bỏ hơn 80 triệu đồng để xây thêm và sửa sang lại nhà. Giờ hết tiền, bộ cửa cũ đang tính dùng lại, để chống chọi mùa bão gió sắp đến. Nghe vậy, Phó Giám đốc Hoàng nhìn lướt nhanh ngôi nhà lần nữa, rồi quả quyết: "Bác làm đơn đề nghị đi, Sở sẽ xem xét hỗ trợ thêm 15 triệu đồng giúp gia đình sửa nhà trong đợt này".
Giữa cái nắng chói chang của miền trung trong chiều hè tháng bảy, "Anh Hoàng chính sách" vẫn bước nhanh thoăn thoắt kiểm tra từng luống hoa, viên gạch, xem xét thợ chỉnh trang, sửa chữa, nhắc người quản trang từ cách chăm sóc luống hoa trong Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến, Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Liên, Nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Nẵng. Tôi hiểu, trong 20 năm gắn bó với công tác làm chính sách, anh đã đến "sát" với đối tượng, tận tâm tận lực với công việc được giao. Bởi theo Phó Giám đốc Hoàng: Người cán bộ ở xã, phường (nơi đối tượng chính sách sinh sống) là người có điều kiện sâu sát và tìm hiểu cụ thể gia cảnh cũng như tâm tư, nguyện vọng của từng người. Có sâu sát, mới có giải pháp đúng, phù hợp để giúp đỡ, cũng như giải quyết các chính sách, chế độ, sát, đúng, đủ và kịp thời cho đối tượng.
Với quan điểm đó, công tác xây dựng xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công được thành phố Đà Nẵng coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay, UBND thành phố Đà Nẵng đã công nhận 100% số xã, phường trên địa bàn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công theo sáu tiêu chuẩn của Bộ LĐ-TB và XH. Nhiều xã, phường đã vận dụng sáng tạo chính sách của Đảng, Nhà nước và phát huy thế mạnh của địa phương vào việc chăm sóc, nâng cao đời sống của đối tượng chính sách. Các xã Hòa Tiến, Hòa Liên, Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), là những nơi thực hiện tốt các chính sách như: miễn giảm một phần phí dịch vụ nông nghiệp, cho vay vốn phát triển, chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật, giống, cây, con để phát triển kinh tế VAC... Phường Hải Châu 1, Nam Dương (quận Hải Châu); phường Vĩnh Trung, Tân Chính (quận Thanh Khê); phường Thọ Quang, Phước Mỹ (quận Sơn Trà)... đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay vốn phát triển sản xuất, mở dịch vụ; ưu tiên giải quyết việc làm cho con, em gia đình chính sách; kết nghĩa với các đơn vị quân đội, cơ quan doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nhận đỡ đầu gia đình chính sách khó khăn, tặng nhà tình nghĩa, vật dụng sinh hoạt...
Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong công tác nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công, đặc biệt là hỗ trợ, cải thiện nhà ở. Trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, các hộ chính sách nằm trong diện di dời, giải tỏa đều được bố trí đất tái định cư và miễn giảm tiền sử dụng đất. Năm năm qua, thành phố đã cấp đất và miễn giảm tiền sử dụng đất cho hơn 2.400 hộ gia đình chính sách, kinh phí gần 60 tỷ đồng. Thành phố đã ba lần bổ sung, sửa đổi Quyết định hỗ trợ cải thiện nhà ở. Đà Nẵng cũng là địa phương quy định mức tham gia đóng góp Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" tối thiểu là hai ngày lương/lao động/năm vào Nghị quyết của thành phố, tạo nên phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" sâu rộng được các cơ quan ban, ngành, đoàn thể xã hội và nhân dân hưởng ứng. 100% số Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được nhận phụng dưỡng (thành phố cấp bù để đủ mức một triệu đồng/tháng). Năm 2009, Đà Nẵng ban hành Quyết định trợ cấp thường xuyên cho đối tượng chính sách bị mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp thường xuyên (hiện có gần 1.500 đối tượng được trợ cấp 300 nghìn đồng/tháng/người). Năm 2010, ban hành Quyết định trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng có mức trợ cấp thấp có hoàn cảnh khó khăn với mức trợ cấp 100 nghìn đồng/tháng. Đến nay, đã có 948 đối tượng được hưởng trợ cấp với kinh phí hơn một tỷ đồng... Hiện nay, ở Đà Nẵng không còn hộ chính sách ở nhà tạm, nhà dột nát, 100% số gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so dân cư nơi cư trú.
Cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, việc xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đang được phát triển sâu rộng. Mỗi địa phương có cách làm, sáng tạo khác nhau. Nhưng trên hết, có thể thấy đạo lý "Uống nước, nhớ nguồn" đang là mạch nguồn chảy mãi qua các thế hệ người Việt Nam.