Đó chính là ngày 27/7. Không hiểu sao, vào một ngày linh thiêng trong tháng linh thiêng này, tôi cứ lẩn mẩn nghĩ đến mấy câu thơ Chính Hữu viết về đồng đội.
Câu thơ thật giản dị mà lại sâu sắc, ám ảnh. Đối với những người lính, đồng đội là hớp nước uống chung, miếng cơm sẻ nửa, là chia nhau một sớm nắng, một chiều mưa, chia khắp anh em một mẩu tin nhà, chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp, chia nhau nụ cười, chia nhau cái chết...
|
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng đoàn văn nghệ sỹ trên chuyến tàu vào Nghĩa trang Trường Sơn dịp 27/7/2009. |
Vâng! Đúng vậy! Và ngay cả khi đã chết rồi, những người lính ấy vẫn chẳng lìa nhau. Dù ngã xuống ở Điện Biên, trước cửa ngõ Sài Gòn, hay trên đảo Gạc Ma, đảo Hoàng Sa, Trường Sa những năm gần đây thì họ vẫn cùng chung nhau một ngày giỗ: Ngày 27/7.
Vào một ngày “giỗ đồng đội” như thế, tôi tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9. Lần đầu tiên, Chủ tịch nước đi tàu hỏa, ăn bánh mì luộc, uống nước gạo rang như những người lính vào mặt trận năm xưa, nghe lại những bài hát xưa của lính.
Có lẽ không ở nơi nào, số người chết trận nhiều như ở Việt Nam. Hầu như làng nào, xã nào cũng có Nghĩa trang Liệt sĩ. Rồi còn bao nhiêu những Nghĩa trang ở bên ngoài Nghĩa trang?
Khi chủ tịch nước và đoàn tùy tùng thả những vòng hoa xuống dòng sông Thạch Hãn, rồi hai bên bờ sông nhói lên những câu thơ quen thuộc: Đò lên Thạch Hãn, xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Bao tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi, vỗ ngàn năm…Và tôi rùng mình, chợt nhận ra rằng, con sông Thạch Hãn trong vắt và lạnh buốt như nước mắt kia, hóa ra là một nghĩa trang bằng nước.
Tháng Tư vừa rồi, tôi trở lại Trường Sa. Trước khi vào Đảo, chúng tôi thả hoa xuống Biển Đông. Và cả một đại dương mênh mông, mặn đắng ấy cũng là một nghĩa trang bằng nước. Chúng ta còn có bao nhiêu những Nghĩa trang ở bên ngoài Nghĩa trang như thế trong vô vàn những con sông, những cánh rừng mù mịt thăm thẳm kia?
Nếu trên mộ mỗi người lính chỉ thắp một ngọn nến, thì đêm đêm, trên dải đất hình chữ S của chúng ta sẽ sáng rực lên như một dải Ngân hà.
Hiện nay vẫn còn trên 300.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Và như thế, vẫn còn trên 300.000 người mẹ, người cha, người vợ, và những người con phấp phỏng, khắc khoải chờ đợi người thân trở về, dù người thân chỉ còn là một chút xương mỏng trong đất lạnh. Chiến tranh đã qua 37 năm rồi, nhưng trong lòng những người có lương tri, chiến tranh đâu phải đã tắt.
Mỗi năm chỉ có một ngày 27/7. Nhưng với chúng ta, ngày nào cũng phải là ngày 27/7, ngày đền ơn đáp nghĩa, để không một ông bố, bà mẹ, không một người vợ, người con liệt sĩ nào phải bần hàn, đói rét. Để họ khổ hạnh bần hàn là chúng ta có tội.
Ngày xưa, chúng ta từng xếp hàng tiếp máu, giúp các thương binh, bệnh binh vượt qua cái chết. Bây giờ, người “tiếp máu” cho chúng ta lại chính là các liệt sĩ nằm trong các nghĩa trang kia.
Nói như một thi sĩ, chúng ta xếp hàng vào nghĩa trang, không phải chỉ để thắp hương, tri ân các liệt sĩ, mà chính là nhận lại những nguồn máu Cách mạng, nguồn máu trong trẻo, tinh khiết của những người đã khuất. Trong đời sống bụi bặm, ô nhiễm này, rất nhiều người trong chúng ta cần được tiếp máu, thậm chí là thay máu, để cuộc sống ngày một trong lành, tươi sáng hơn.
Và chỉ như thế, sự hi sinh của hàng triệu liệt sĩ mới thực sự có ý nghĩa. Một hiền triết nói rằng: Những anh hùng liệt sĩ chỉ thực sự chết chừng nào chúng ta không còn nhớ đến họ.
Bởi thế, một lần nữa, tôi cầu mong: Ngày nào cũng là ngày 27/7./.