Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Ngày không có anh

Vượt qua nỗi đau, người thân của các chiến sĩ công an - những “liệt sĩ giữa thời bình” - đang sống tiếp cuộc đời mà các anh còn dang dở...

Trong trái tim người mẹ nghèo, hình ảnh người con trai ngoan hiền mãi mãi sống. Trong ảnh: bà Đoàn Thị Sửa bên di ảnh con trai Lê Thanh Tâm - Ảnh: Hoàng Hoa

Bữa nay tựu trường. Con nít vô trường tập trung, nhận lớp mới buổi sáng, buổi chiều kéo ra đá banh, nói cười inh ỏi vang sân bóng gần văn phòng Ban nhân dân ấp 2, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Nghe tụi nhỏ la giỡn rần rần, ngồi trong ngôi nhà sát mặt lộ đối diện sân bóng, ông Trần Văn Bảy và bà Nguyễn Thị Tốt cũng bớt buồn. Năm nay bé Minh vô lớp 10, thành học sinh THPT rồi, càng lớn càng giống cha của nó...

“Con trai của ba đã khôn lớn”

“Thằng bé Minh” của ông bà chính là Nguyễn Duy Minh, con trai liệt sĩ, trung úy Nguyễn Thành Dũng - cảnh sát hình sự - cùng vợ đã nằm xuống năm 2006 vì nhiễm virut HIV trong quá trình anh truy bắt tội phạm ma túy.

Nhìn cậu bé với nụ cười hiền khoe chiếc răng khểnh, đôi mắt một mí lanh lợi biết cười, nếu không nói ra ít người dám tin cậu bé đã trải qua những biến cố chấn động nhất trong cuộc đời năm em chưa được 10 tuổi. Trong vòng nửa năm, lần lượt cả ba và mẹ đã bỏ em mà đi vì căn bệnh thế kỷ. Tổ chức đám tang cho con gái, con rể xong, ông Bảy - bà Tốt bắt đầu nghĩ tới một cuộc chiến mới, một quãng đường tuy không khốc liệt như cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo mà con gái và con rể ông bà đã phải chống chọi hơn năm năm qua nhưng có ý nghĩa quyết định tới tương lai của cháu ngoại. Phải làm sao để bé Minh vượt qua cơn chấn động nặng nề này để là một đứa trẻ hạnh phúc, để sống một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

75 tuổi, ông Bảy quyết định bỏ căn nhà cũ, gom tiền mua miếng đất nhỏ gần đường cái, đi bộ vài bước chân là tới Trường THCS Hưng Long để cất nhà. Căn nhà cất xong, hai ông bà dắt Minh cùng với con gái thứ bảy đang là giáo viên, chưa lập gia đình về ở.

Sáu năm trung úy Dũng mất là sáu năm ông Bảy đóng vai người cha của Minh. Minh đi học, một tay ông đưa đón. Quần áo Minh mặc, một tay ông giặt giũ. Tối tối, ông giăng mùng cho hai ông cháu ngủ chung. Ngày nghỉ, ngày lễ, mặc cho tuổi già xương cốt nhức mỏi, mắt mũi kèm nhèm, ông dẫn Minh đi chơi đủ chỗ “cho nó quên buồn”. “Hồi ba mẹ mới chết, nó buồn học không được. May mà tới khi lên cấp II nó gượng dậy được, học hành tấn tới, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi” - ông Bảy trầm giọng.

- Liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng nguyên là trung úy cảnh sát Phòng cảnh sát hình sự Công an Q.11, TP.HCM. Từ năm 1998 đến đầu năm 2001, anh đã nhiều lần bị đối tượng tiêm chích ma túy tấn công làm sây sát, chảy máu. Cuối năm 2001, anh phát hiện bị nhiễm HIV và đã lây bệnh cho vợ. Tháng 6-2006, sau năm năm chiến đấu với bệnh tật, người trinh sát hình sự đã mãi mãi ra đi khi vừa tròn 37 tuổi.

- Ngày 19-7-2011, tổ tuần tra xử lý vi phạm giao thông Công an xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai trên đường tuần tra thì phát hiện đối tượng khả nghi. Trong cuộc truy bắt cướp, chiến sĩ Lê Thanh Tâm, học viên Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân II đang thực tập tại Công an huyện Cẩm Mỹ, đã lao vào khống chế tên cướp để bảo vệ người dân và bị cướp bắn chết.

Suốt buổi nói chuyện, Minh không nhắc tới ba, mẹ một câu. Trong căn nhà nhỏ, ở góc học tập của Minh cũng không thấy treo tấm hình nào của vợ chồng anh Dũng. Em cất ba mẹ trong lòng... Trên kệ sách của riêng Minh, nằm lẩn trong những quyển Không gia đình, Không nơi nương tựa... là cuốn sách có tựa đề Phút dành cho con, trong đó kết thúc một trang là câu: “Nếu cha chỉ có một điều ước, cha ước mong con sẽ mang tình yêu của cha theo bên mình. Cuộc sống này còn cần gì hơn thế?”.

Những ngày cuối đời, anh Dũng rất muốn viết thêm nhiều điều cho con nhưng anh đã không cầm nổi cây bút. Tập Hồi ký gửi Nguyễn Duy Minh, con trai thân yêu của ba đã dừng lại ở trang thứ 18. Nhưng từng ngày, từng giờ những người thân yêu của anh, cả những tấm lòng hảo tâm, đang viết tiếp tập hồi ký đó bằng tình thương vô bờ dành cho Minh.

“Chọn con đường anh đã đi”

Chúng tôi trở lại gia đình anh Lê Thanh Tâm, người chiến sĩ công an đã hi sinh khi làm nhiệm vụ ở ấp Cây Xăng, xã Phú Túc, huyện Định Quán, Đồng Nai vào một chiều mưa tầm tã. Khoảnh sân nhỏ trước căn nhà cấp bốn, nước mưa ngập lênh láng.

Đôi mắt bà Sửa, mẹ anh Tâm, trũng sâu, hốc hác, hai quầng mắt thâm đen là dấu tích của những đêm trắng khóc con. Riêng ông Sơn, ba anh Tâm, chỉ ngồi lặng thinh. Chỉ lúc nửa đêm, ông lại bật dậy, thảng thốt gọi tên con. Ông bị bệnh tâm thần nhẹ đã hơn 20 năm nay, dăm bữa nửa tháng phải đi nhà thương một lần.

Từ khi con mất, mỗi ngày bà Sửa phải cho ông uống thuốc nhiều hơn để mỗi khi lên cơn đau ông không còn la hét, đập phá, chửi rủa, rồi đòi đi kiếm thằng Tâm bằng được. Tâm là con trai duy nhất của dòng họ. Đời ông nội, chỉ có mình nội, đến đời cha, chỉ có mình cha. Đến lượt Tâm cũng thế. Ông nội nay đã 93, bà nội cũng ngoài 80 tuổi. Cả đời chỉ ở trong rẫy, có thằng cháu đi học cảnh sát, ông bà mừng rơn. Bỗng nghe tin sét đánh, ông nội khóc không thành tiếng, niềm hi vọng của cả gia đình vụt tắt.

Buồn mấy cũng phải ngồi dậy mà làm, mà sống - sống cho cả con mình - bà Sửa nghĩ. Vừa chăm bố mẹ chồng già yếu vừa chăm chồng bệnh và mấy đứa con đang tuổi ăn học, bà Sửa một tay lo toan nuôi sống cả nhà. Mỗi ngày, tấm lưng của bà như sụm xuống vì phải ngồi từ 12g-21g gói bánh ú, bánh tét. 4g sáng, khi các con đang ngủ say, bà lục tục mò dậy, vớt bánh chở ra chợ Phú Túc bỏ cho các mối quen.

“Thấy anh Hai yêu ngành công an nên em cũng thích lây. Năm ngoái em thi vào Trường trung cấp Cảnh sát nhân dân II nhưng thiếu 1 điểm. Vừa rồi các chú ở trường nói em bảo lưu kết quả để được đặc cách vào trường. Em mừng lắm. Nếu may mắn được mang trên mình sắc phục của ngành công an, em sẽ cố gắng hết sức để không phụ lòng cha mẹ và cũng là tiếp nối tâm nguyện, đam mê của anh Hai. Em sẽ đi con đường anh Hai đã đi” - Thảo, em gái anh Tâm, nhỏ nhẻ kể.

Trong gian phòng bếp chật chội, nước mưa lọt qua mái tôn cũ kỹ, nhỏ lộp bộp xuống nền nhà, ông Sơn - bà Sửa, mấy chị em Thủy, Thu, Thảo vẫn không ngừng gói bánh, không ngừng nhớ về con, về anh. Đâu đó trong câu nói nhỏ nhẹ của cô gái nhỏ, tôi như thấy nắng đã rọi vào nhà, cũng từ những kẽ hở trên mái tôn.

MAI LÂM - HOÀNG HOA