Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Chính sách cho lòng dũng cảm

Theo Trung tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cần có chính sách cho dân tham gia phòng, chống tội phạm.

“Chúng tôi chia sẻ sự mất mát với những gia đình có người thân đã anh dũng hy sinh, thương tật và nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận những thành tích của quần chúng tiêu biểu, dũng cảm trong công tác phòng, chống tội phạm trong nhiều năm qua…” - Trung tướng Lê Quý Vương (ảnh) phát biểu trong buổi giao lưu với quần chúng dũng cảm trong phòng, chống tội phạm ngày 17-8.

Dũng cảm hy sinh thì phải là liệt sĩ

. Thưa Thứ trưởng, ông có nhận định gì về việc hiện nay vẫn chưa có quy định pháp lý rõ ràng cho quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm?

+ Nhà nước quan tâm đến vai trò quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm hiện nay diễn ra phong phú, nhất là các mô hình, hoạt động của quần chúng nhân dân bước đầu có tự phát, sau đó có tổ chức. Nhưng các mô hình, hoạt động đó về mặt luật pháp thì cũng chưa có quy định cụ thể. Trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách cũng gặp nhiều khó khăn.

Quần chúng thành tích thì được khen thưởng, dù chưa cao lắm nhưng cũng là động viên kịp thời. Nhưng nhiều trường hợp quần chúng va chạm, thương tật, hy sinh thì vẫn còn nhiều bất cập. Hướng sắp tới phải hoàn thiện vấn đề pháp lý, Bộ Công an cũng đề nghị Nhà nước quan tâm, có chế độ chính sách đối với quần chúng tiêu biểu tham gia phòng, chống tội phạm bị thương vong.

. Một vấn đề đặt ra khi công an tham gia bắt cướp hy sinh thì công nhận liệt sĩ gần như là đương nhiên dù họ được lãnh lương làm nhiệm vụ đó. Thế nhưng quần chúng tham gia bắt cướp hy là sự xả thân vì nghĩa lớn nếu hy sinh thì họ rất xứng đáng công nhận liệt sĩ cho họ?

+ Việc công nhận liệt sĩ không quy định không phải là người lãnh lương hay không lãnh lương để thực hiện việc phòng, chống tội phạm. Quan trọng là hành động tiêu biểu, dũng cảm hy sinh vì công cuộc bảo vệ an ninh Tổ quốc…

Khen thưởng, tuyên dương quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm tại buổi lễ sáng 17-8. Ảnh: TRUNG DUNG

Những trường hợp dũng cảm trong phòng, chống tội phạm như anh Trọng (anh Nguyễn Thành Trọng, ngụ Long An, truy bắt hai đối tượng cướp tài sản bị đối tượng đâm nhiều nhát vào người bị trọng thương - PV) thì công nhận thương binh ngay. Nhưng cũng có trường hợp đi xe máy khi làm nhiệm vụ nhưng bị tai nạn dẫn đến thương vong thì không thuộc trường hợp được xem xét liệt sĩ đâu. Nhiều chiến sĩ công an trên đường công tác bị tai nạn dẫn đến thương vong cũng khó được xem xét, công nhận là liệt sĩ.

Hàng trăm trường hợp đang chờ xem xét

. Như vậy để công nhận thương binh, liệt sĩ thì phải xác định rõ đó có phải là trường hợp trực tiếp thi hành công vụ?

+ Một là phải thi hành công vụ. Thứ hai là việc thể hiện thành tích của anh rất rõ ràng, được quần chúng công nhận, suy tôn. Việc xét công nhận thương binh, liệt sĩ thì phải từ cấp cơ sở, đơn vị công tác đề nghị rồi đến nhiều ban, ngành rồi báo cáo lên Chính phủ.

Công cuộc phòng, chống tội phạm đa dạng, phức tạp. Các chiến sĩ trong quá trình truy bắt đối tượng bị lây nhiễm HIV mà lây nhiễm lúc nào không biết. Riêng việc này xem xét chế độ, chính sách như thế nào cũng phức tạp. Trường hợp anh Dũng (anh Nguyễn Thành Dũng, nguyên là cảnh sát hình sự Công an quận 11, TP.HCM, bị nhiễm HIV được công nhận liệt sĩ - PV) cũng là trường hợp đặc biệt, còn lại hàng trăm trường hợp đang xem xét.

. Để phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm phát triển sâu rộng, bền vững thì cần phải có quy định chính sách, chế độ hợp lý để quần chúng yên tâm tham gia. Quan điểm của ông?

+ Trước hết các cấp chính quyền phải xây dựng các mô hình hoạt động của quần chúng như thế nào, trách nhiệm Nhà nước là phải nghiên cứu, xây dựng sớm hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách cho quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm.

. Xin cảm ơn ông.

“Nếu mỗi người dân đều là hiệp sĩ, tội phạm sẽ hết đất sống!”

Sáng 17-8, Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Bộ Công an (V28) đã tổ chức buổi họp mặt 45 gương quần chúng tiêu biểu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ở các tỉnh, TP phía Nam.

Được khá nhiều người tham dự chú ý là nhóm “hiệp sĩ” Bình Dương. Trong đó, anh Nguyễn Thanh Hải - Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm phường Phú Hòa từng bắt hơn 500 vụ lớn nhỏ và được Chủ tịch nước tặng huân chương Chiến công hạng Ba. Anh tâm sự dù trong đấu tranh, chính mình nhiều lần bị thương, đồng đội bị thương thậm chí hy sinh (anh Nguyễn Xuân Chinh) nhưng các anh được sự ủng hộ, cổ vũ, quan tâm của gia đình, chính quyền, xã hội nên tiếp tục theo đuổi con đường làm việc nghĩa của mình. Anh Trần Hoàng Anh - Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm phường Hiệp Thành (thị xã Thủ Dầu Một) cũng góp ý kiến: “Nếu mỗi người dân đều là một hiệp sĩ và họ liên kết lại với nhau thì tội phạm sẽ hết đất sống”.

Đó là tâm niệm của ông Dương Công To (62 tuổi, ngụ huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) và ông Lê Ngọc Có (72 tuổi, ngụ phường Hội Thương, TP Pleiku, Gia Lai). Những người dự hội nghị đều ấn tượng với hai đại biểu đầu bạc phơ nhưng thành tích thật đáng nể: Ông To đã cứu hộ 129 ghe tàu, 149 người, vớt sáu xác chết trên sông, bắt hơn 50 trộm cắp trên sông; ông Có bắt hàng trăm đối tượng tội phạm, trong đó có nhiều đối tượng truy nã. Ông To tâm sự: “Nhiều bà con đều biết tôi cứu rất nhiều ghe tàu, người bị nạn trên sông nên có sự cố gì lại gọi. Tôi được nhiều người yêu mến thế nên tôi phải tiếp tục việc nghĩa mình đang làm, làm hết sức thì thôi”.

Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận - Cục trưởng Cục V28 phát biểu: “Tại hội nghị hôm nay, chúng ta không thể kể hết được những chiến công, đóng góp to lớn của các đại biểu. Họ là những gương sáng tạo nên sức hút, khích lệ, lôi cuốn mọi người dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng vững mạnh”.

LƯU NGUYỄN

TRUNG DUNG