Đăng ngày 22-03-2012 trong chuyên mục Tin tức

Liệt sĩ Lê Xuân Bốn: Giờ anh nằm nơi đâu!

Chiến tranh đã lùi xa cách đây hơn ba thập kỷ, nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn rất nặng nề, đặc biệt là tình trạng thất lạc phần mộ liệt sĩ. Mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu do di chứng chất độc da cam nhưng ông Lê Duy Toàn ở thôn Bắc Thành, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia – Thanh Hóa) vẫn luôn nuôi hi vọng và đi tìm cho được phần mộ liệt sĩ Lê Xuân Bốn (tức Lê Duy Bốn – em trai ông) hy sinh ngày 29/9/1979 tại chiến trường biên giới Tây Nam.

Vào những ngày trung tuần tháng 8, chúng tôi tìm đến gặp ông Toàn, căn nhà nhỏ mang tên “Nhà tình nghĩa” do đồng đội và nhân dân quyên góp tiền trao tặng. Trên bàn thờ, sau làn nhang khói là tấm bằng “Tổ quốc Ghi công” mang tên liệt sĩ Lê Xuân Bốn. Ông Toàn cầm tấm bằng khẽ lau nhẹ và tâm sự: “Nó là em trai út tôi, hy sinh cách đây nhiều năm rồi nhưng chưa tìm được phần mộ. Tôi và gia đình đã lặn lội khắp từ trong Nam ngoài Bắc nhưng chưa tìm được”.

Sau khi thắp nén nhang lên bàn thờ, ông kể tiếp: “Tháng 7/1977, sau khi có lệnh kêu gọi nhập ngũ, mặc dù chỉ mới 16 tuổi nhưng em tôi đã hăng hái xung phong vào đội quân tình nguyện phục vụ tại chiến trường biên giới Tây Nam. Mặc dù rất thương em nhưng tôi và gia đình vẫn luôn động viên em hoàn thành tốt nhiệm vụ và mong ngày chiến thắng trở về, nhưng ai ngờ…”. Ông lấy tay lau giọt nước mắt sắp ứa tràn, rồi nói tiếp: “Mấy ngày trước khi nó mất, mẹ tôi mơ thấy 4 anh em về sau ngày giải phóng nhưng về đến ngõ nó chỉ khóc và kêu mẹ mà không vào nhà. Sau đó không lâu chúng tôi nhận được giấy báo tử của em trong nỗi đau thắt ruột gan”.

Ông Lê Duy Toàn và gia đình luôn mong muốn sớm tìm được hài cốt Liệt sỹ Lê Xuân Bốn đưa về quê hương.

Nói đến đây dường như quá khứ lại hiện về khiến giọng nói ông Toàn không sao cất nên lời, những giọt nước mắt của ông giàn dụa rơi vào tấm hình mang tên em trai mình. Mặc dù đã có giấy báo tử nhưng gia đình không biết thông tin về phần mộ liệt sĩ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Duy Tĩnh (54 tuổi) ở thôn Bắc Thành và từng là đồng đội của liệt sĩ Bốn đóng quân tại đơn vị Đại đội 19, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 (C19E1F9), cho biết: “Ngày đó chỉ có 4 anh em trong thôn lên đường tình nguyện đó là Lê Duy Quang, Nguyễn Văn Phán, Lê Xuân Bốn và tôi. Vào đến khu trại tập trung tại chiến trường Bình Trị Thiên, sau thời gian đào tạo tôi được phân công về C19, còn ông Bốn về C21E1F9 thuộc đội quân trinh sát, từ đó chúng tôi không còn giữ được liên lạc với nhau nữa”. Ông Lê Duy Quang thông tin thêm: “Sau khi được phân công nhiệm vụ, tháng 12/1977 tôi về Sư đoàn 968, còn ông Bốn được điều chuyển về Tiểu đoàn 18, Lữ đoàn 673, Quân đoàn 2”.

Bản thân ông Toàn từng là thanh niên xung phong thuộc đơn vị C20 – N25 – P31 – Ban XD67 và sau này là bộ đội Trường Sơn. Sau khi lập gia đình và sinh con, ông đã phát hiện ra mình bị nhiễm chất độc hóa học dioxin, đau đớn hơn cả là người con gái duy nhất sinh năm 1984 cũng bị phơi nhiễm từ cha mình. Nỗi đau càng nhân lên gấp bội khi giờ đây, đến cái tuổi xế chiều mà vợ chồng ông vẫn còn phải trông nom đứa con gái tội nghiệp đã gần 30 tuổi mà nhìn như đứa trẻ mới lên ba.

Mọi thông tin biết về phần mộ liệt sĩ Lê Xuân Bốn, sinh năm 1961, nhập ngũ ngày 27/07/1977, quê quán thôn Bắc Thành, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia), hi sinh ngày 29/09/1979 tại chiến trường biên giới Tây Nam xin liên hệ theo địa chỉ: Lê Duy Toàn, thôn Bắc Thành, xã Hải Ninh (Tĩnh Gia-Thanh Hóa) ĐT: 01675208768; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa hoặc Báo Kinh tế nông thôn 57 Hàng Chuối – Hà Nội, điện thoại: (04)3972293.

Duy Cảnh